Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam

GD&TĐ - Mục tiêu hàng đầu của đổi mới giáo dục là nhằm đào tạo được những con người phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường XHCN và hội nhập quốc tế. Đây cũng là những mục tiêu mà giáo dục công dân toàn cầu (GDCDTC) hướng tới.

Học sinh Việt Nam luôn tỏa sáng tại các cuộc thi quốc tế
Học sinh Việt Nam luôn tỏa sáng tại các cuộc thi quốc tế

Đổi mới GD trong xu thế toàn cầu hóa

TS Lương Việt Thái - Viện KHGDVN, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam” cho biết: Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS, giao quyền tự chủ cho các cơ sở GD xây dựng và thực hiện kế hoạch GD phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương.

Cùng với đó là việc rà soát, loại bỏ các nội dung GD trùng lặp và xây dựng các nội dung, chủ đề tích hợp; tăng cường sử dụng các phương pháp GD tích cực, tổ chức các hoạt động dạy và học nhằm phát triển năng lực người học; tập trung kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn của người học, đẩy mạnh GD kĩ năng sống cho HS. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học đã được chú trọng…

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định điều chỉnh Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2017 - 2025; chỉ đạo các cơ sở GD triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ theo hướng chuẩn hóa, thiết thực ở các cấp học, với việc xây dựng và ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Ở bậc phổ thông, Chương trình tiếng Anh thí điểm hệ 10 năm (từ lớp 3 - 12) đã được ban hành theo hướng phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh. Các ngoại ngữ khác (ngoài tiếng Anh) đã được quan tâm với chương trình 7 năm. Năm học 2017 - 2018, chương trình tiếng Anh 10 năm đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, với trên 90% HS các lớp 3, 4, 5 và khoảng 40% trong đó học từ 4 tiết/tuần trở lên.

Theo nhóm nghiên cứu, việc đổi mới căn bản trong Chương trình GDPT mới là nhấn mạnh yêu cầu phát triển năng lực, chú ý phát huy tiềm năng vốn có của mỗi HS, chú ý phát triển cả con người xã hội và con người cá nhân. Tiếp cận năng lực chú ý tới xác định HS sẽ làm được gì và làm như thế nào vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường. Cách tiếp cận này không chỉ đòi hỏi HS nắm vững những kiến thức, kĩ năng cơ bản mà chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực hành, giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống. Đây cũng là đặc điểm quan trọng của công dân toàn cầu.

Đề tài “Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam” do TS Lương Việt Thái - Viện KHGDVN làm chủ nhiệm 

Việc dạy học tin học ở các nhà trường được chú trọng. Ở tiểu học, mặc dù Tin học là môn tự chọn, nhưng khoảng 59% HS các khối lớp 3, 4 và 5 đã chọn học Tin học. Các địa phương còn tổ chức các CLB Tin học, CLB Robotic để HS được tiếp cận, hình thành các kỹ năng vận dụng công nghệ thông tin trong học tập.

Hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn ngành đã được cải thiện, tạo thuận lợi triển khai các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ. Đến nay 100% các cơ sở GD đã kết nối Internet tốc độ cao, tạo cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ Bộ đến các cơ sở GD và triển khai Chính phủ điện tử trong toàn ngành; 100% các trường THPT có tối thiểu 1 phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học.

Ngành đã xây dựng Kho bài giảng e-learning với 5.000 bài giảng tương tác có chất lượng phục vụ giáo viên và HS. 42% giáo viên có thể ứng dụng tốt công nghệ thông tin đổi mới phương pháp dạy học, trong đó 19% giáo viên có thể soạn được các bài giảng tương tác (e-learning) giúp HS tự học.

Những đổi mới trên đã giúp nâng cao chất lượng GD, giúp thực hiện tốt hơn mục tiêu đào tạo những công dân tương lai của đất nước có những kiến thức, kĩ năng, năng lực, thái độ cần thiết trong xã hội hiện đại, trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sàng hội nhập để trở thành công dân toàn cầu
  • Thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sàng hội nhập để trở thành công dân toàn cầu

Phát triển cả con người xã hội và con người cá nhân

Cũng theo TS Lương Việt Thái, vấn đề GDCDTC đã được thể hiện khá rõ trong xây dựng Chương trình GDPT mới, từ quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, kế hoạch GD, nội dung, tới phương pháp GD và đánh giá kết quả GD.

Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp HS phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời.

HS được đào tạo để trở thành những người có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Chương trình GDPT được xây dựng chú trọng tới phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại, cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về GD; tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của HS; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.

Mục đích GDCDTC cũng đã phản ánh trong mục tiêu chương trình. Ví dụ: Chương trình GD THPT giúp HS tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời. HS sẽ có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Chương trình đã cụ thể hoá mục tiêu phát triển năng lực cá nhân nêu trong Luật Giáo dục; xác định những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho HS. Các yêu cầu của GDCDTC đã được thể hiện trong phần các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của HS.

___________________

Bài 2: Chuẩn bị vốn sống cho các công dân tương lai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ