Nghiên cứu vắc xin phòng bệnh: Cần cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Là một nước nhiệt đới gió mùa, Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh. Việc đẩy mạnh quá trình nghiên cứu vắc xin để phòng ngừa dịch bệnh luôn được ngành y tế quan tâm. Những kết quả đạt được trong việc nghiên cứu các vắc xin, kỳ vọng đẩy lùi các dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Sản xuất vắc xin đòi hỏi máy móc thiết bị công nghệ cao
Sản xuất vắc xin đòi hỏi máy móc thiết bị công nghệ cao

Triển vọng về việc nghiên cứu vắc xin

Cho đến nay, Việt Nam đã sản xuất được các loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella…Tin vui tại Hội thảo khoa học “Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam”: Đó là hiện chúng ta có 9 dự án (với 11 nhiệm vụ) khoa học công nghệ đang triển khai thực hiện do 5 đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kiểm định vắc xin. Các dự án này khi đi vào thử nghiệm sẽ mang tới những lợi ích chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Cụ thể, năm 2018: Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp”do IVAC thực hiện đã hoàn thành, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt “xuất sắc” và đang triển khai các bước cho sản xuất vắc xin.

Dự kiến cuối năm 2018 có 3 nhiệm vụ sẽ hoàn thành, tiến hành nghiệm thu vào đầu năm 2019, bao gồm: Đề tài “Nghiên cứu thiết lập quy trình sản xuất vắc xin ho gà vô bào” do IVAC thực hiện; Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt ở quy mô công nghiệp” do Polyvac thực hiện; Nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc xin Thương hàn Vi cộng hợp” do DAVAC thực hiện.

Dự kiến đến cuối 2020 cũng có 3 dự án sẽ hoàn thành. Đây là những sản phẩm quốc gia sẽ được sản xuất và đưa vào Chương trình tiêm chủng nói chung, đặc biệt là Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), để phòng các bệnh nguy hiểm cho nhân dân, nhất là trẻ em. Các dự án này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu vắc xin như hiện nay, đặc biệt là các vắc xin phối hợp (5 in 1 và 6 in 1).

Tại Hội thảo khoa học “Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới đặt hàng cơ sở sản xuất vắc xin cúm mùa phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới. Hơn nữa, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao vắc xin cúm mùa của Việt Nam. Về giá thành vắc xin cúm mùa 3 trong 1 Việt Nam sản xuất ra rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành vắc xin cúm mùa nhập khẩu, với chi phí 80.000 - 120.000 đồng/liều.

Khó khăn về thời gian và kinh phí

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục KHCN&ĐT, Chánh Văn phòng Chương trình, cho biết, quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi quy trình nghiên cứu, sản xuất cho ra một sản phẩm vắc xin cần thời gian dài, đầu tư lớn về kinh phí và con người, từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến nghiên cứu trên quy mô pilot, quy mô công nghiệp, qua nhiều giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng đến thử nghiệm lâm sàng.

Theo TS Nguyễn Ngô Quang, để nghiên cứu thành công một vắc xin có thể mất đến 10 năm. Yêu cầu của sản xuất vắc xin đòi hỏi những vật tư, hóa chất đặc chủng, khi chỉ có một hãng có sản phẩm cung cấp, thời gian đặt hàng lâu. Công nghệ sản xuất vắc xin luôn nằm trong nhóm ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, đòi hỏi máy móc thiết bị công nghệ cao, đầu tư lớn. Công nghệ sản xuất vắc xin thay đổi nhanh nhưng cơ chế của Việt Nam khó thực hiện.

TS Nguyễn Ngô Quang cho rằng, có thể hoàn thiện và đưa các dự án vào phục vụ cho cuộc sống, chúng ta cần chú trọng tới việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian đã phê duyệt và chuẩn bị hồ sơ đề nghị phê duyệt các dự án cho giai đoạn tới. Ban Chủ nhiệm, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN phải tăng cường hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ các dự án, nhiệm vụ trong quá trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt là việc xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, Bộ KH&CN cần chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện Chương trình đến năm 2030. Đặc biệt cần có cơ chế đặc thù để thực hiện Chương trình, tạo chủ động cho các tổ chức chủ trì nghiên cứu, sản xuất ra được sản phẩm cuối cùng là các vắc xin phối hợp, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đầu tháng 4/2018, Việt Nam chính thức đưa vắc xin sởi-rubella tự sản xuất vào chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã phường, thay thế loại của Ấn Độ. Đến nay, đã có 19 tỉnh, thành phố triển khai. 50.000 trẻ đã được tiêm và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào.

Đến nay, Việt Nam là một trong 25 quốc gia trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất thành công vắc xin sởi-rubella, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.