Tham dự Hội thảo, có ngài Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, đại diện Hội đồng Anh, Hiệu trưởng trường ĐH Southampton, đại diện ĐH Essex, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) và đại biểu các trường ĐH đến từ Hà Nội, TP Vinh, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng.
Hội thảo được tiến hành trong khuôn khổ dự án Hợp tác giáo dục đại học giữa ĐH Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh, ĐH Southampton và ĐH Essex với sự tài trợ của Quỹ đối tác giáo dục đại học, Hội đồng Anh Việt Nam với mục đích nghiên cứu so sánh Hội đồng trường và tự chủ đại học tại Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm giúp các nhà quản lý và nhà nghiên cứu có thêm những thông tin về thực tiễn quản trị giáo dục đại học tại Vương quốc Anh để từ đó đưa ra những đề xuất phù hợp với xu thế chung của thế giới trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho biết: “Trong những năm gần đây, những vấn đề liên quan đến đổi mới cơ chế quản trị đại học đã được đề cập nhiều trên các văn bản pháp quy cũng như trên các diễn đàn và thông tin đại chúng vì đây được xem là bước đột phá cần thiết, là biện pháp chủ đạo để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đổi mới cơ chế quản trị đại học là đổi mới theo hướng tụ chủ và mọi đổi mới phải theo xu hướng chung của thế giới. Tự chủ về tổ chức và nhân sự là vô cùng quan trọng, trong đó vai trò của Hội đồng trường mang tính quyết định. Qua tham khảo cho thấy hiện nay nhiều trường vẫn chưa thành lập được Hội đồng trường”.
Về tự chủ đại học, theo GS.TS Trần Văn Nam, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp quy về tự chủ đại học. Đến nay, đã có 12 cơ sở giáo dục đại học xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ và được phê duyệt; có nhiều cơ sở giáo dục đại học đang xây dựng Đề án tự chủ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Đây là một chủ trương lớn có nhiều triển vọng nhằm giúp đổi mới quản trị đại học theo hướng năng động và hiệu quả theo xu thế của thế giới.
Ngài Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - cho biết: “Dự án này rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam và Bộ GD&ĐT xác định tầm nhìn và định hướng phát triển của giáo dục đại học trong xu hướng toàn cầu hóa. Quản trị và tự chủ trường ĐH không chỉ là tự chủ về tài chính mà còn là tự chủ về tổ chức và nhân sự, quản trị các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và mạnh của một cơ sở giáo dục đại học. Chúng tôi rất tin tưởng với những định hướng phát triển của giáo dục Việt Nam, hội thảo lần này sẽ góp phần cung cấp những mô hình quản trị đại học có thể ứng dụng trong thực tế”.
Hội thảo đã lắng nghe báo cáo tóm tắt về nghiên cứu và trình bày thực tế quản trị đại học tại Vương quốc Anh, tham luận về Quản trị đại học tại Việt Nam. Ngoài phiên thảo luận toàn thể với chủ đề Tiến tới tự chủ - Những thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam: Khái niệm tự “chủ đại học” và thảo luận bàn tròn: Tiến tới tự chủ - Những thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam: Vai trò và thành phần của Hội đồng trường.