Nghiên cứu khoa học của HS thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học

GD&TĐ - Nối dài thành công của cuộc thi những năm trước, cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia HS trung học năm 2017 – 2018 khu vực phía Bắc năm nay (diễn ra tại TP Vinh tỉnh Nghệ An từ 10 - 13/3) có số dự án tăng mạnh. 

Nghiên cứu khoa học của HS thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học

Trực tiếp thăm khu trưng bày các dự án, sản phẩm của các đơn vị tham gia cuộc thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ sự ấn tượng đối với các ý tưởng khoa học, sức sáng tạo và khả năng thuyết trình của các HS là tác giả/nhóm tác giả các sản phẩm KHKT.

Ấn tượng với sức sáng tạo của HS

Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, giáo dục phổ thông nước ta đang đổi mới theo hướng tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; trong đó có thực hiện GD tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán (STEM) nhằm phát triển năng lực sáng tạo của HS; giúp các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay trong quá trình học tập tại các nhà trường.

Trên thực tế, chủ trương này đã được thực hiện tốt trong những năm qua. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của HS trung học đã khẳng định hướng đi đúng đắn của ngành.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng GD, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học; thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường; đồng thời khuyến khích các cơ sở GD ĐH, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động GD của trường phổ thông”.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu: Các trường ĐH, các tổ chức khoa học, công nghệ cần xem kết quả cuộc thi là nguồn tài nguyên tốt để lựa chọn, sử dụng, bao gồm tài nguyên con người (là đầu vào tốt của các trường ĐH), các ý tưởng khoa học (để tiếp tục đầu tư, nghiên cứu), các sản phẩm công nghệ (để tiếp tục hoàn thiện, phát triển thành thương phẩm)… Theo Bộ trưởng. Đây chính là cơ hội tốt cho việc kết nối giữa GD phổ thông, GD ĐH và doanh nghiệp…, tạo môi trường phát triển tốt cho GD-ĐT.

Sức lan toả mạnh mẽ

Ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), thành viên Ban chỉ đạo cuộc thi - cho biết: Cuộc thi KHKT cấp quốc gia HS trung học năm 2017 - 2018 có sự gia tăng về số lượng dự án tham gia dự thi. Cụ thể toàn quốc có 488 dự án dự thi, tăng thêm 30 dự án so với năm học 2016 - 2017.

Hiện trong tổng số gần 3.000 trường THPT và THCS trên cả nước triển khai hoạt động nghiên cứu KHKT trong HS, ước tính đã có hàng chục ngàn dự án KHKT của HS dự thi cấp trường, được lựa chọn vào cuộc thi cấp tỉnh.

Vòng thi cấp tỉnh năm học 2017 - 2018 có số lượng dự án tham gia tăng mạnh với gần 5.000 dự án tham gia; Tỉnh có số dự án dự thi cuộc thi cấp tỉnh nhiều nhất lên đến gần 250 dự án; Số dự án vòng thi cấp tỉnh phổ biến từ trên 100 – 200 dự án.

Diễn ra từ 10 - 13/3, cuộc thi KHKT khu vực phía Bắc năm nay có 34 đơn vị tham gia dự thi, trong đó có 30 Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố, 4 trường đại học. Năm nay, ở khu vực phía Bắc có 249 dự án tham gia dự thi; tăng 9 dự án so với năm học 2016 - 2017.

Trong đó: Cấp THPT có 198 dự án của 375 HS thực hiện; Cấp THCS có 51 dự án của 100 HS thực hiện. Các dự án dự thi ở 22 lĩnh vực. Theo ông Nguyễn Xuân Thành: Cuộc thi năm nay đã ghi nhận sự phát triển về chất lượng cũng như xu hướng nghiên cứu các đề tài;

Theo đó xu hướng của các đề tài lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm hệ thống, hệ thống nhúng tăng mạnh (với gần 100 dự án) theo xu hướng ứng dụng CNTT, ứng dụng nghiên cứu đã gắn liền với thực tiễn đời sống.

Là một dự án nằm trong xu hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn, sản phẩm “Thiết bị sấy tự động, đa năng sử dụng tích hợp năng lượng mặt trời và năng lượng điện” của nhóm tác giả Đoàn Trung Nghĩa và Nguyễn Bình Vương (Trường THCS Văn Lang - TP Việt Trì) nhận được sự quan tâm của quan khách tại khu trưng bày dự án.

Em Nguyễn Bình Vương cho biết: Đây là một dự án có tính ứng dụng cao trong thực tế theo hướng phát triển bền vững, thông qua việc sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng điện. Ý tưởng của sản phẩm của các em xuất phát từ việc những người nông dân hiện đang phơi sấy nông sản hết sức thủ công, mất nhiều thời gian, công sức mà năng suất, chất lượng sản phẩm không cao.

Sản phẩm này sẽ giúp nâng cao chất lượng quá trình phơi sấy sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, dược liệu giúp giảm nhẹ lao động chân tay và khống chế được các chỉ số đầu ra sản phẩm.

Nhiều địa phương có cơ chế thúc đẩy hoạt động KHKT

Phú Thọ là địa phương có số dự án tham dự cuộc thi cấp tỉnh năm nay lên đến 199 dự án, tỉnh đã chọn 6 dự án mang đến cuộc thi quốc gia năm nay. Các dự án thuộc lĩnh vực KHXH và hành vi, hoá học, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật cơ khí. Theo ông Đỗ Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Hoạt động nghiên cứu KHKT đang có sức lan toả mạnh mẽ trong các nhà trường hiện nay.

Tỉnh Phú Thọ có cơ chế để khuyến khích giáo viên, HS sáng tạo. Các em được bố trí thời gian học tập, nghiên cứu hợp lý; Các buổi thuyết trình, trưng bày dự án, sản phẩm khoa học thu hút đông đảo HS, thầy cô giáo và phụ huynh thưởng lãm, là nguồn cổ vũ rất lớn cho các em có động lực nghiên cứu KHKT.

Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng đã phối kết hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học, Quỹ Khuyến tài đất Tổ kịp thời động viên, khen thưởng các tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm đạt giải, nhất là giải cuộc thi KHKT quốc gia.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT Bắc Ninh: Xác định hoạt động nghiên cứu khoa học trong HS là cách để đẩy mạnh đổi mới cách dạy - học, đổi mới kiểm tra đánh giá hiện nay trong các nhà trường phổ thông nên Sở đã chú trọng công tác triển khai hoạt động này trong các trường phổ thông.

Năm nay, để chọn dự án dự thi cấp quốc gia, Bắc Ninh lựa chọn từ 62 dự án dự thi cấp tỉnh được 6 dự án xuất sắc nhất được đem đến cuộc thi quốc gia. Các dự án thuộc lĩnh vực phần mềm, sinh học, kỹ thuật cơ khí, phần mềm và hệ thống nhúng.

Ông Thịnh cho biết: Dù kết quả đạt được tại cuộc thi như thế nào, song Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế cho hoạt động này áp dụng trong năm học 2018 – 2019;

Theo đó, các tác giả và các thầy, cô hướng dẫn có sản phẩm đạt giải thi KHKT cấp quốc gia như các danh hiệu HS giỏi quốc gia các môn văn hoá để khuyến khích hoạt động này trong các nhà trường.

Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã tham gia Hội thi KHKT quốc tế (Intel ISEF) tại Hoa Kỳ và đã giành được nhiều giải thưởng cao, khẳng định được năng lực của HS Việt Nam trong lĩnh vực KHKT.

Trong năm 2017 vừa qua, HS Việt Nam cũng giành được kết quả khá ấn tượng, trong số 8 dự án (được lựa chọn từ hàng chục ngàn dự án) tham dự, có 5 dự án đoạt giải chính thức (1 giải Ba; 4 giải Tư) và 4 dự án đoạt giải Đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng, là một trong số 48/78 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải, đứng thứ ba về số lượng giải thưởng, sau Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.