Theo BGR, chính điều này đã giúp iPhone luôn có một lượng khách hàng trung thành đáng kinh ngạc, cùng tỷ lệ muốn "lên đời" phiên bản mới nhất thường ở mức cao ngất ngưởng.
Nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy, mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng xấu mà trải nghiệm từ người dùng góp phần không nhỏ vào sự thay đổi này.
Blancco Technology Group đã dùng một công cụ chuẩn đoán điện thoại di động để thu thập dữ liệu hiệu năng từ hàng triệu chiếc đện thoại trong quý II/2016.
Sau đó, sử dụng dữ liệu ẩn danh để xác định xem khi nào smartphone hỏng, chúng hỏng như thế nào và tại sao. Đồng thời, xác định ứng dụng bên thứ ba nào hay tự thoát đột ngột nhất trên cả hai nền tảng di động iOS và Android. Kết quả nghiên cứu chắc chắn sẽ gây ngạc nhiên với người sử dụng.
Theo dữ liệu từ Blancco, xét một cách tổng thể tỷ lệ hiệu năng không đạt yêu cầu của iPhone tăng vọt lên tới 58% vào quý II/ 2016, so với quý trước chỉ là 25%. Trong khi đó, thiết bị Android giảm 9% từ 44% ở quý I/2016 xuống còn 35% vào quý II/2016.
Bảng so sánh hiệu năng sử dụng giữa iPhone và Android Phone.
Nghiên cứu đã sử dụng từ "thất bại" để bao trùm hàng loạt vấn đề của bên thứ nhất và bên thứ ba. Việc không đạt yêu cầu có thể là bất cứ điều gì từ kết nối Wi-Fi, tai nghe trục trặc dẫn tới điện thoại khởi động lại hay ứng dụng bên thứ 3 bị crash.
Dù vậy, kết quả này vẫn gây ngạc nhiên nếu xem xét quá trình Apple tương hợp ứng dụng bên thứ ba với hệ sinh thái của hãng trong nhiều năm qua.
iPhone 6 là điện thoại dễ hỏng hóc nhất.
Trong đó, ứng dụng tự động thoát đột ngột chiếm 50% trên iPhone, nhưng chỉ có 23% thiết bị Android bị văng ra ngoài khi dùng, theo số liệu từ Blancco. Thật khác nhau một trời một vực!
Công ty này cho biết, iPhone 6 là điện thoại chiếm tỷ lệ hỏng hóc cao nhất (29%) trong số các phiên bản iPhone, trong khi đó iPhone 6s chiếm 23%, iPhone 6s Plus chiếm 14%, iPhone 6 Plus 13% và iPhone 5s chiếm 8%. Về phía các dòng điện thoại Android, tỷ lệ hỏng hóc cao nhất thuộc về Samsung chiếm 26%.
Ứng dụng tự động thoát ra ngoài trở thành vấn đề gây khó chịu nhất trong iPhone chiếm 65% nếu xét theo mức độ hỏng hóc phổ biến ở mỗi nền tảng. Nằm ở vị trí top đầu các phần ít gây hỏng hóc nhất đều thuộc về thiết bị Android bao gồm: camera (10%) và vấn đề liên quan đến pin (10%).
Samsung, đối thủ "không đội trời chung" với iPhone, cũng là smartphone dễ hỏng hóc nhất trong bảng xếp hạng Android Phone.
Tại iOS, thủ phạm gây treo máy nhất gồm các ứng dụng như Snapchat (17%), Instagram (14%), Facebook (9%), Facebook Messenger (5%) và Google (3%). Với điện thoại Android lại là Google Play Services (12%), Google Contacts Sync (5%), Address Book (5%), Photos (5%) và giao diện mặc định TouchWiz của Samsung (5%).