Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận giải đáp về những vấn đề nổi bật trong GD&ĐT |
(GD&TĐ) - Chiều 20/11, với tinh thần cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận, tâm huyết trao đổi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã giải đáp về những vấn đề nổi bật trong GD&ĐT và nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng ngành Giáo dục giải quyết những vấn đề khó khăn từ các đại biểu Quốc hội.
Xây dựng phần mềm để toàn xã hội cùng rà soát, xử lý triệt để học giả - bằng thật
Đáng chú ý, trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Cho đến thời điểm này, chưa phát hiện vụ mua bán bằng giả nào do các nhà trường tổ chức, mặc dù có thể có một số giáo viên biến chất liên quan đến việc này.
Vị lãnh đạo ngành Giáo dục thông tin: Gần đây, Cục Xuất nhập cảnh trao đổi với các địa phương, sau đó thông báo với Bộ GD&ĐT đã phát hiện khá nhiều bằng THPT giả từ người đi du lịch nước ngoài hoặc lao động xuất khẩu. Ngành GD&ĐT, bao gồm cả cơ quan Bộ, các trường ĐH, các Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an tiến hành xác minh, điều tra và giúp cơ quan công an phát hiện nhiều vụ việc khá nghiêm trọng như báo chí đã nêu.
Với những đối tượng tốt nghiệp 30 - 40 năm trước, khi chưa ứng dụng nên chưa triển khai được việc rà soát, xác minh này. Có chủ trương, đã triển khai nhưng hiện ngành Giáo dục không có kinh phí và cũng không đủ lực lượng để có thể cập nhật ngay lập tức tất cả danh sách tốt nghiệp của những năm trước mà cần giải quyết dần.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng phần mềm, để nhân dân và các lực lượng xã hội có thể sử dụng cùng rà soát hành động ăn cắp bản quyền, sao chép luận án. Từ đó, xử lý triệt để việc học giả - bằng thật.
Thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ về phân cấp quản lý Nhà nước về GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã tập huấn cho toàn bộ hệ thống thanh tra giáo dục các cấp, làm việc với một số cơ quan thanh tra Nhà nước ở các tỉnh, thành phố.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục làm việc với các tỉnh/thành phố còn lại để tập huấn thống nhất kế hoạch phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở GD&ĐT trên địa bàn, trong đó có vấn đề bằng cấp giả và thật.
Chất lượng đầu vào tuyển sinh các trường ĐH do các trường tự chủ |
Tích cực cùng các bộ, ngành giải quyết việc làm cho sinh viên
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn thừa nhận vấn đề nan giải việc làm cho SV sau khi ra trường. Ngay với ngành Sư phạm cũng có một số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm. Bộ GD&ĐT đã cùng tham gia nhưng cũng chưa giải quyết được triệt để.
Theo Bộ trưởng, với trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD&ĐT, Bộ GD&ĐT và cá nhân Bộ trưởng có phần trách nhiệm liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, chế độ chính sách và những công cụ để phối hợp, kết hợp giữa đào tạo với sử dụng lao động.
Từ khi đổi mới, người lao động sau khi tốt nghiệp không phải chỉ làm việc ở cơ quan Nhà nước mà làm việc ở rất nhiều các cơ quan tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước. Không còn chế độ phân công công tác cũng có nghĩa, sử dụng lao động và đào tạo đã được tách ra thành 2 quá trình tương đối độc lập.
Gần đây, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục Đại học, trong đó có một điều khoản là các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ, trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh. Như vậy, đào tạo và sử dụng, tuyển dụng đã tách thành 2 khâu khác nhau và do rất nhiều chủ thể khác nhau triển khai.
Phát hiện được sự bất hợp lý và bất cập khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề đi học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ, TB&XH và các bộ, ngành liên quan đã cùng thảo luận, trên cơ sở đó, kiến nghị với Thủ tướng.
Thực tế, Thủ tướng đã có chương trình liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, có Ban chỉ đạo Trung ương do đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách. Bộ GD&ĐT cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo khu công nghiệp mới có nhu cầu nhân lực lớn đã triển khai một số công việc liên quan đến vấn đề này.
Riêng Bộ GD&ĐT đã thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, đã có bàn thảo, trao đổi, xác định nhu cầu về nguồn nhân lực của một số khu công nghiệp mới như ở Vũng Áng, Nghi Xuân…
Bộ trưởng không can thiệp điểm chuẩn tuyển sinh của các trường
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc tuyển sinh vào các trường ĐH, Bộ GD&ĐT đã phân cấp cho các trường được tự chủ. Các trường tự quyết định điểm chuẩn trên cơ sở điểm sàn Hội đồng xác định điểm sàn quốc gia kiến nghị và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định. Trên cơ sở điểm sàn, hiệu trưởng các trường ĐH tự quyết định điểm trúng tuyển của mình.
Vậy nên, khi nhiều học sinh giỏi tập trung thi vào ĐH Y, các cháu 28 - 29 điểm mới đỗ, thì chuyện 27 điểm trượt không có gì đáng ngạc nhiên. Về luật, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không can thiệp vào quyết định điểm trúng tuyển của hiệu trưởng các trường. Mặt khác, với những thí sinh này hoàn toàn còn khả năng lựa chọn vào các trường khác. “Qua theo dõi, chưa có bất kỳ một thí sinh dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa được 27 điểm mà trượt, không vào được nhà trường ĐH, CĐ nào” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.
Không tách “cô nuôi” và “cô dạy”
Chất lượng cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao |
Liên quan đến vấn đề cô nuôi dạy trẻ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ đã ban hành, Bộ GD&ĐT đang chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng thông tư hướng dẫn liên quan đến việc xác định vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục nói chung.
Trong đó, riêng nhà trẻ và với phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, hướng là không tách thành một cô nuôi, một cô dạy. Các cô có trách nhiệm vừa nuôi vừa dạy. Ở một số cơ sở mầm non có thêm cô cấp dưỡng để nấu ăn, mua sắm thực phẩm.
Biên chế của khu vực mầm non có xu hướng tăng lên, một phần do phải biên chế nhiệm vụ nuôi. Thêm nữa, hiện giờ làm việc của giáo viên mầm non nhiều hơn 8 tiếng, có khi lên tới 10 - 11 tiếng/ngày. Việc các cô phải lao động vượt quá 8 tiếng theo quy định của Nhà nước, cũng phải có tính toán hệ số này lớn hơn.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, khi triển khai Đề án đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, để đảm bảo thay đổi được phương pháp giáo dục mới thay cho phương pháp cũ truyền thống, cũng sẽ phải giảm sĩ số các lớp học. Điều đó cũng dẫn đến nhu cầu giáo viên sẽ có thể tăng cục bộ ở một vài nơi, một vài thời điểm.
Quyết tâm nâng cao chất lượng cử tuyển
Liên quan đến giáo dục dân tộc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ GD&ĐT sau khi trao đổi với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ, căn cứ vào các chủ trương chính sách của Đảng và Quốc hội đã có chính sách cử tuyển, dự bị đại học. Đồng thời có chính sách tuyển thẳng đối với học sinh 62 huyện thuộc Chương trình 30a; 20 huyện biên giới hải đảo đặc biệt khó khăn thuộc Tây Nam bộ; 23 huyện có tỷ lệ nghèo cao trên cả nước; 7 huyện tại Quyết định số 615 của Thủ tướng Chính phủ và 13 huyện biên giới thuộc các tỉnh Tây Nguyên, giáp Tây Nguyên.
Nói riêng về sinh viên diện cử tuyển, trừ một số ngành nghề, một số trường đòi hỏi yêu cầu đặc thù về năng khiếu, ví như văn hóa nghệ thuật, thể thao cần phải sơ tuyển, các ngành còn lại Bộ GD&ĐT tôn trọng và tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho các tỉnh. Cụ thể, lãnh đạo địa phương thành lập Hội đồng tuyển chọn theo quy chế chung của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT những năm gần đây đã báo cáo Thủ tướng cho phép kéo dài thêm thời gian học văn hóa cho những đối tượng này. Tùy vào trình độ tiếp thu của đối tượng mà có thể kéo dài 6 tháng hoặc 1 năm. Đây là kinh nghiệm từ thời kỳ tổ chức trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và các trường dân tộc nội trú.
Về con số tỷ lệ học sinh người Kinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ GD&ĐT cùng với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đã thanh tra, kiểm tra việc này. Kết quả cho thấy, cơ bản các địa phương đã chấp hành tỷ lệ này rất nghiêm túc.
Lý giải có một tỷ lệ nhất định các cháu người Kinh ở vùng sâu, vùng xa cùng học ở đây, Bộ trưởng nêu rõ 2 lý do:
Thứ nhất, các cháu con em đồng bào Kinh nhưng đã sống rất lâu cùng cha mẹ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nên trên thực tế các cháu là người thiểu số.
Thứ hai, cùng cha mẹ chịu không ít thiệt thòi, hy sinh vì sự nghiệp mà cha mẹ theo đuổi, các cháu cũng xứng đáng được hưởng ưu đãi để có cơ hội phát triển. Nếu được đào tạo, sau đó trở về xây dựng phát triển vùng đất mới, quê hương mới của mình sẽ hỗ trợ rất tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trên thực tế, do một vài tỉnh không đủ đối tượng học sinh dân tộc nên tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển có thể cao hơn so với quy định. Nhưng nếu so sánh con số đó với chỉ tiêu ban đầu các tỉnh đăng ký vẫn đảm bảo. Bộ GD&ĐT đã trao đổi điều này với Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc để cùng cân nhắc, quyết định, có hướng dẫn chi tiết hơn, đảm bảo có chính sách phù hợp, tránh lợi dụng các kẽ hở.
“Bộ GD&ĐT đã tham gia xác minh kết luận phát hiện rất nhiều trường hợp bằng cấp giả. Đồng thời đã xác minh, kết luận để bảo vệ một số cán bộ khỏi sự vu khống sử dụng bằng giả. Xử lý việc này, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tất cả các trường ĐH, CĐ, TCCN và các Sở GD&ĐT công khai danh sách HS - SV tốt nghiệp để các cơ quan sử dụng lao động, cơ quan quản lý có căn cứ đối chiếu”. |
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường trong toàn hệ thống tôn trọng và đáp ứng tối đa yêu cầu về đào tạo cử tuyển của các địa phương. Địa phương cũng có trách nhiệm phân công công việc cho đối tượng này sau tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT và nhà trường có trách nhiệm đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng bởi chất lượng nguồn tuyển hiện chưa cao. |
Hiếu Nguyễn (ghi)
_____________________
(Đầu đề và các tít xen do báo Giáo dục & Thời đại đặt)