Nghĩa tình thầy trò trường nội trú

GD&TĐ - Ở những trường phổ thông dân tộc nội trú vùng ĐBSCL, nhiều giáo viên vừa dạy học vừa làm công tác quản lý học sinh. Họ có thể vì học trò mà gác lại việc riêng, dành cả tâm huyết giúp các em tiến bộ từng ngày…

Cô Lê Thị Hương hướng dẫn học trò ôn tập kiến thức sau giờ học chính khóa
Cô Lê Thị Hương hướng dẫn học trò ôn tập kiến thức sau giờ học chính khóa

Xem học trò như con em trong nhà

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú TP Cần Thơ có khoảng 500 học sinh ở hai cấp THCS và THPT. Số học sinh ở nội trú khoảng 40 em và chỉ có 4 thầy cô giáo đăng kí ở nội trú. Ngoài thời gian học chính khóa buổi sáng và chiều, buổi tối học sinh tự học từ 18 giờ 30 đến 21 giờ 30. Thế nên, giáo viên nội trú đóng vai trò cần thiết để quản lý hoạt động của các em trong khuôn viên trường.

Sáng sớm giáo viên trực quản sinh nội trú báo chuông cho học sinh thức dậy lao động, tập thể dục và chuẩn bị học buổi sáng. Còn buổi tối, họ bố trí phòng tự học, sắp xếp đối tượng học sinh cho phù hợp trong khung thời gian các em học. Ngoài trực quản sinh tự học, thầy cô phải quản lý giờ giấc ăn ngủ, hàng đêm thường xuyên kiểm tra sĩ số em nào gặp trở ngại ốm đau để có phương hướng giúp đỡ kịp thời.

Là Tổ phó Tổ quản lí nội trú, gia đình thầy Nguyễn Lê Ngọc Hiền có gia đình cách Trường Phổ thông Dân tộc nội trú TP Cần Thơ khoảng 4km; nhưng vì thương học trò nên thầy đăng kí ở lại trường. Gặp gỡ các em từ sáng sớm đến chiều tối nên thầy nhớ hết mặt, hiểu tính cách từng em một.

Thầy Hiền chia sẻ: “Đôi khi thầy trò có những giấc ngủ không trọn vẹn khi có em bị bệnh giữa đêm. Mỗi khi được trò báo tin có em bị bệnh, mình tức tốc đến cõng em đi Bệnh viện quận Ô Môn. Rồi có khi ở đó cả đêm với học trò tới khi tình hình sức khỏe em ổn định và có người nhà đến chăm sóc”. Nói về nghề giáo gắn với trường nội trú, thầy Hiền tâm sự: “Tôi xem học sinh như em út trong gia đình để giáo dục, dạy dỗ, khuyên răn. Muốn học trò thân thiện trước hết giáo viên phải mở lòng thân thiện, dạy các em biết sống chan hòa, tình cảm hơn”.

Cũng như thầy Hiền, thầy Danh Cộn là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (tỉnh Hậu Giang), đồng thời là 1 trong 2 giáo viên trực nội trú 24/24 giờ. Qua nhiều năm đồng hành với các em, thầy không thể nào quên những lần đưa học sinh bị bệnh đi viện vào tối muộn. “Vào năm 2016, có em Danh Thị Mai Trân - học sinh lớp 9 bị bệnh động kinh, khi gửi vào ở nội trú thỉnh thoảng em tái phát bệnh vào khung giờ đi ngủ, khiến mọi người rất hồi hộp lo lắng. Những lúc em bệnh, cả thầy và trò hốt hoảng gọi xe cấp cứu từ thiện đưa em tới bệnh viện cách hàng chục km. Khi thì nhờ xe hơi của người quen, rồi thầy lẫn trò thức trắng đêm ở bệnh viện để chăm sóc em” - thầy Cộn kể lại.

Cần mẫn với buổi dạy thứ ba

Là một trong 4 giáo viên sống nội trú, cô Lê Thị Hương - giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú TP Cần Thơ cảm thấy rất hài lòng khi được sống ở đây. Dù không thuộc thành viên của Tổ quản lí nội trú, phụ trách chủ nhiệm lớp 12 nên cô Hương vẫn đều đặn có mặt tại các lớp tự học bồi dưỡng kiến thức cho học sinh.

Đặc biệt trong khoảng thời gian tập trung ôn thi THPT quốc gia cho học sinh cuối cấp (từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm), cô càng bận rộn hơn. Muốn giúp các em nắm vững bài học, cô không ngại dành thời gian buổi tối lên lớp dạy kèm cho các em. Xác định ở nội trú có con nhỏ, chồng đi làm xa, cô cố gắng vun vén gia đình, cân bằng công việc và miệt mài ở buổi dạy thứ ba, không nề hà dù có vất vả.

Không thuộc phần việc nhà trường phân công, cô tự nguyện chỉ dạy các em những bài học từ cơ bản đến nâng cao của bộ môn. Cô Lê Thị Hương cho biết: “Đã là giáo viên phải có trách nhiệm với học sinh của mình, chúng tôi may mắn được ở gần học sinh nên được nhiều thuận lợi. Giáo viên có điều kiện giúp đỡ các em trong học tập, chỉ dạy các em kĩ năng trong cuộc sống tự lập, khi các em cần đến thì chúng tôi luôn sẵn sàng”.

Trong năm học trước, cô Hương đã gặp các phụ huynh để vận động 3 em ngoại trú có học lực yếu ở khối 12 được vào học giờ tự học nội trú với các bạn trong trường. Nhờ cô hỗ trợ phần kiến thức còn yếu, được chỉ dạy tận tình nên kết quả học tập của các em được cải thiện và đạt kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Không phân biệt học sinh ngoại trú và nội trú, em nào hổng kiến thức đến đâu cô Hương đều cần mẫn hướng dẫn đến đó.

Cuộc sống tự lập với học sinh trong trường nội trú còn nhiều khó khăn, cũng có lúc một số em hết tiền tiêu, hay sau các buổi tự học muốn ăn uống… tất cả cô Hương đều sẵn lòng. Cô Hương như người mẹ sẵn sàng cưu mang, bao bọc những đứa con qua lúc khó khăn. Khi thì nấu mì gói, có hôm đi chợ nấu cơm cho các em ăn. Cơm canh đạm bạc chẳng có gì ngoài tấm lòng, không chê bữa ăn ngon hay dở, trò ấm lòng là cô thấy vui rồi! Cứ mỗi khoảnh khắc như thế cô trò có nhiều cơ hội xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...