(GD&TĐ) - Trên hành trình đến Trường Sa, nhiều đêm biển rung, tàu lắc khiến các thành viên trong đoàn khiến các không ngủ được để thức cùng Trường Sa, thức với những người giữ đảo. Trong điệp trùng của sóng vỗ đại dương, tôi cứ miền man nghĩ suy về hành trình lịch sử dân tộc.
1. Các thế hệ cha ông đã mở mang bờ cõi, khẳng định chủ quyền về phía Tây và đặc biệt là những hành trình không mệt mỏi về vùng đất phương Nam, châu thổ Cửu Long. Trong hành trình dân tộc đầy hào hùng, rất đỗi tự hào và trí tuệ đó, chúng ta cũng đã tiến về phía biển, với đại dương bao la. Các thế hệ tiền nhân đã vượt lên chính mình, vượt lên những định chế truyền thống, những níu kéo của thể chế nông nghiệp, của những không gian làng xã nhỏ hẹp, của tư duy châu thổ để tiến về với đại dương mênh mông. Chúng ta mãi tự hào về những huyền thoại gắn với thời lập quốc. Ngay tự thời bấy giờ, trong lịch sử văn hóa Việt Nam đã có những bộ phận hợp thành của đại dương, của truyền thống văn hóa biển. Trong tư duy vũ trụ luận thuở hồng hoang đã ghi nhận, xác nhận sự giao cảm, tâm thức của người xưa về các đợt biển tiến, biển lùi; về các cuộc thiên di, chuyển cư lớn; về năng lực khai phá, chinh phục tự nhiên và mối liên hệ gắn bó, hết sức mật thiết giữa biển với lục địa. Trong sự sinh thành của dân tộc, biển cả, đại dương không chỉ là môi trường sống mà còn là môi trường tiếp giao văn hóa của các cộng đồng cư dân cổ ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc Việt Nam.
Các nữ sinh trong đoàn công tác của Bộ GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm, chia tay các em nhỏ ở Trường Sa |
2. Dựa vào điểm tựa Trường Sơn hùng vĩ, vào thế mạnh của các châu thổ, trong công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cả dân tộc đang tiến ra biển, hội nhập với môi trường biển cả. Chúng ta đã có những nỗ lực lớn để phát triển kinh tế biển, lập các đội tàu đánh bắt xa bờ, phát triển công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, tổ chức các dịch vụ trên biển, phát triển du lịch biển v.v… Làm chủ biển khơi, chúng ta không chỉ có thể khai thác dầu khí (ngành công nghiệp đem lại nguồn thu quan trọng cho đất nước), mà còn có thêm cơ hội, điều kiện mở cánh cửa dân tộc với khu vực và thế giới. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, bão tố và hiểm nguy có thể diễn ra bất thường ở Biển Đông nhưng thế dân tộc đang lên, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo để tự tin hội nhập với thế giới. Trong tầm nhìn lâu dài, chúng ta đã từng bước làm chủ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để tiến hành thăm dò, khai thác biển, phát triển kinh tế biển. Khoa học - công nghệ biển trong đó có công nghệ sinh học biển, phát triển năng lượng biển... đang ngày càng được coi trọng và tương lai, khi những nguồn tài nguyên “truyền thống” không còn dồi dào nữa thì các ngành khoa học, công nghệ mới sẽ trở thành triển vọng phát triển của Việt Nam và nhiều quốc gia thế giới.
3. Ra Trường Sa, ai cũng muốn đem theo về những kỷ vật từ biển. Một nhành san hô nhỏ, những con ốc biển, một trái bàng vuông… mỗi đặc sản nổi tiếng của Trường Sa đều trở nên quý giá đối với những người từ đất liền ra đảo. Nhưng, theo chỉ đạo của chỉ huy đoàn, để bảo vệ không gian xanh cho các đảo và vì sự phát triển bền vững của môi trường, tất cả thành viên trong đoàn đã chạy đua với thời gian, gắng công ghi lại hình ảnh, ghi vào trong ký ức vẻ đẹp tự nhiên, sức hấp dẫn kỳ lạ của các dải san hô, của những đàn cá, của hệ thực vật, thủy sinh phong phú, đa dạng của Trường Sa. Thỉnh thoảng ở Trường Sa vẫn thấy những đoàn cá heo nổi lên đùa giỡn với sóng nước, bơi lượn quanh thân tàu. Chúng là loài vật thông minh, hết sức thân thiện với con người. Hệ sinh thái và tiềm năng to lớn của Biển Đông, của Trường Sa, Hoàng Sa là tặng phẩm của tự nhiên dành cho những con người dũng cảm.
Tuy nhiên, theo cách hiểu của chúng ta ngày nay, ngay cả các nguồn tài nguyên với trữ lượng lớn của đại dương cũng không phải là vô tận. Chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi một Chiến lược biển đúng đắn. Biển cả và đại dương cần những người hiểu nó, hòa đồng với nó. Khai thác tự nhiên nhưng vẫn phải lường tính đến khả năng tái tạo, giữ sự cân bằng của thế giới tự nhiên. Các thế hệ người Việt đã sống dựa vào tự nhiên và thực tế tự nhiên đã nâng đỡ cuộc sống của con người. Đó là kinh nghiệm, tri thức truyền đời mà cha ông ta để lại đồng thời cũng là triết lý sống, triết lý phát triển giàu tính nhân văn hiện nay của chung cộng đồng quốc tế.
Bao biến động của lịch sử đã qua đi nhưng trước sau biển cả và đại dương vẫn luôn gắn liền với hành trình dân tộc. Chúng ta luôn cảm nhận thấy vẻ đẹp kỳ vĩ, tiềm năng kinh tế to lớn của đại dương nhưng chúng ta cũng hiểu rõ ràng rằng, những con người hiện đại vẫn còn chưa thật hiểu thấu, đầy đủ về biển, những quy luật vận động, sinh thành của biển. Việc hiện thực hóa Chiến lược biển bằng các chính sách cụ thể là yêu cầu bức thiết đã và đang đặt ra đối với các cấp, cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam hiện nay.
“Đem ra tình cảm, đem về niềm tin” |
4. Trong suốt chuyến đi, điều mà chúng tôi đều nhận thấy và cảm phục là tinh thần tổ chức, kỷ luật, ý chí chiến đấu, sự tận tụy của tất cả các cán bộ, chiến sĩ trên các vùng đảo. Trong những câu chuyện với các anh trên đảo Trường Sa Lớn, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài, An Bang… các anh luôn niềm nở, chân tình nhưng cũng luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn nguyên tắc, kỷ luật quân đội. Các anh đến từ nhiều vùng quê: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ… hoàn cảnh, giọng nói khác nhau nhưng tất cả đều cùng có chung vẻ rắn rỏi, cương nghị trong sắc da ngăm đen mặn nồng của sóng và gió biển. Từ người sĩ quan chỉ huy từng 30 năm gắn bó với biển đảo đến các tân binh mới ra đảo vài tháng đều cùng có chung một lý tưởng, một niềm tin, một tinh thần sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Nhưng, như người ta vẫn nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” những người canh giữ đảo xa trong lúc đảm đương trọng trách bảo vệ chủ quyền đất nước chắc hẳn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về một mái ấm gia đình, thèm được nghe tiếng bi bô của con trẻ. Thật khó để có thể nói hết, viết hết về những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của các anh trong những công việc thường ngày để giữ sự bình yên cho đất nước, bảo đảm môi trường thuận lợi cho việc triển khai các dự án nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình kết hợp kinh tế với quốc phòng đồng thời xây dựng hệ thống bảo đảm, an sinh, tạo dựng niềm tin để ngư dân yên tâm cho thuyền ra khơi xa, bám biển, đánh bắt dài ngày trên biển.
Ở Trường Sa, tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nhà chiến lược quân sự, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi: “Tướng sĩ một lòng phụ tử - Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Sức mạnh của Trường Sa hôm nay, sự yên bình của vùng biển đảo không chỉ có sức mạnh, sự quan tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; của cách thức tổ chức, hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu; của tri thức và công nghệ, vũ khí hiện đại mà còn có trách nhiệm, tình cảm giữa các tướng sĩ trong binh chủng Hải quân anh hùng. Trách nhiệm và tình cảm ấy đã tôi rèn niềm tin sắt đá, là bức trường thành vững chắc được tạo dựng ở Biển Đông bởi những người canh giữ đảo.
PGS.TS Nguyễn văn Kim
(Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)