Người dân chen chúc mua vé xe tết tại bến xe miền Đông |
Trong khi nhiều người lao động khá háo hức với việc kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán lên 9 ngày, đại diện nhiều đơn vị vận tải và bến tàu, xe cho rằng việc này không làm giảm áp lực tàu xe trong dịp tết.
Ngay từ khi có thông tin Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký văn bản đưa ra đề xuất trên, rất nhiều người dân tỏ ra vui mừng. Anh Mai Văn Nam, một công nhân đang làm việc tại TP.HCM, hồ hởi: "Tôi rất đồng tình với đề xuất của bộ trưởng Bộ GTVT. Chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt là những người làm việc xa quê hương có thời gian về ăn tết cùng gia đình".
Bạn đọc Giáng Long viết: "Tôi nhiệt liệt hoan nghênh ý kiến của bộ trưởng, nhà tôi cũng ở xa, sát tết mới về quê chẳng kịp làm gì, đến đi lại cũng khó khăn nói gì chuẩn bị các thứ khác".
"Doanh nghiệp trở tay không kịp"
Tuy nhiên, ông Huỳnh Lê Khanh - giám đốc phòng tổng vụ Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung) - cho biết việc nghỉ tết thêm hai ngày có thể có lợi cho người lao động, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
Theo ông Khanh, mọi kế hoạch sản xuất, ngày nghỉ và những kế hoạch khác thường công ty đã hoạch định từ đầu năm. Nếu thực hiện thêm hai ngày nghỉ thì doanh nghiệp trở tay không kịp. Phải điều chỉnh lại sản xuất, ảnh hưởng đến mọi thứ như kế hoạch nhận hàng, giao hàng, kế hoạch ngày nghỉ, ngày đi làm lại… Nói chung là vừa ảnh hưởng đến nhân sự, vừa ảnh hưởng đến cả kinh phí để thay đổi kế hoạch sản xuất.
“Với lại hằng năm chúng tôi đã cho người lao động nghỉ trước tết và sau tết là 10 ngày dù quy định chỉ có 7 ngày, nay phải cho nghỉ thêm hai ngày nữa thì quá nhiều. Chúng tôi không ủng hộ phương án này”, ông Khanh nói.
Còn ông Phan Văn Hiển - trưởng phòng nhân sự Công ty Jc int’l Vina (khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) - cho biết đề xuất của Bộ GTVT quá chậm so với lịch thông báo nghỉ tết của nhiều doanh nghiệp.
Chẳng hạn tại công ty ông, ngay từ đầu tháng 11 đã thông báo lịch nghỉ tết (nghỉ từ 26-12 âm lịch và đi làm lại ngày 6 hoặc 8-1 âm lịch) và lịch nghỉ này dựa trên thỏa thuận giữa công ty và người lao động.
"Phương án này trên có thể áp dụng với doanh nghiệp nhà nước hoặc công nhân viên chức nhà nước, với doanh nghiệp như chúng tôi thì không thực hiện theo. Nếu công nhân thắc mắc thì chúng tôi (mà đại diện là công đoàn công ty) sẽ giải thích rõ hơn, vì chúng tôi đã giải quyết ngày nghỉ dài hơn quy định của Nhà nước, thậm chí ngay cả việc nghỉ 9 ngày thì cũng ít hơn ngày chúng tôi cho công nhân nghỉ", ông Hiển nói.
Một số công nhân Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung II, đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) cho hay chưa nghe công ty hay tổ chức nào nói về việc đề xuất được nghỉ thêm trước tết. Tuy nhiên, hằng năm Công ty Freetrend đã cho công nhân nghỉ tết 10 ngày trước và sau tết. Nếu được nghỉ thêm hai ngày trước tết thì cũng tốt, vì có thời gian nhiều hơn để có thể về thăm quê với những người tận miền Bắc, miền Trung hay có thêm thời gian nghỉ sau một năm làm việc căng thẳng cũng tốt cho sức khỏe.
Còn chị Đào Thị Mỹ Trà - công nhân một công ty ở quận Thủ Đức - cho rằng nhiều công nhân không muốn nghỉ thêm trước tết hai ngày. Lý do là hằng năm công ty cho nghỉ cuối ngày 28-12 âm lịch, vì vậy công nhân về quê sẽ có nhiều ngày nghỉ sau tết hơn, nếu về trước tết sớm thì ngày vào lại nhanh hơn. "Công ty cũng cho nghỉ tết 9-10 ngày rồi. Nghỉ thêm hai ngày sau tết thì tốt, chứ trước tết không ai muốn", chị nói.
Không giảm áp lực tàu xe
Trong khi đó, không như thường lệ, năm nay Ga Sài Gòn triển khai việc bán vé tàu tết từ ngày 1-10 (sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ năm 2012). Ngoài ra, do triển khai nhiều hình thức bán vé qua website, qua các đại lý, tin nhắn… nên áp lực hành khách tập trung đông tại ga Sài Gòn đã được giảm rất nhiều.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này Ga Sài Gòn vẫn còn nhiều vé đi các ga đường dài như Vinh, Phủ Lý, Hà Nội trong ngày 29-1-2014 (tức 29 tháng chạp). Như vậy rõ ràng rất ít hành khách chọn đi những ngày quá cận tết.
Theo đại diện ga Sài Gòn, năm nào cũng vậy, hành khách đi các tuyến có lộ trình miền Trung và miền Bắc chủ yếu tập trung vào các ngày 25 và 26 (tháng chạp), tiếp theo là các ngày 24, 27 và cuối cùng là 23, 28. Những trường hợp đặc biệt lắm mới về ngày 29.
Mặt khác, việc tăng cường các tàu chạy trong dịp cao điểm tết đã có kế hoạch từ trước, vì vậy việc nghỉ sớm thêm hai ngày cũng không giảm lượng khách đi các ngày 25, 26 để sang các ngày khác.
Trong khi đó, mặc dù năm nay bến xe miền Đông không tổ chức bán vé trước, nhiều hãng vận tải đồng loạt bán vé tết từ 1-1-2014 (tức mồng 1 tháng chạp), ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe miền Đông, nhìn nhận tình hình xe cộ đi lại trong dịp tết cũng không có gì thay đổi nếu nghỉ sớm hơn hai ngày. Bởi theo ông Hải, hành khách đi ôtô về quê ăn tết thường chọn ngày 25 và 26 tháng chạp nên việc nghỉ sớm hai ngày cũng không làm thay đổi đến vận tải ôtô.
Trong khi đó, ông Trương Ngọc Thu - phó giám đốc Hãng xe Phương Trang - cho biết đối với những hành khách ở xa thì thời gian đi cao điểm thường sau 23 tháng chạp.
"Theo quan sát nhiều năm, sau khi đưa “ông Táo về trời”, người dân đón xe về quê để đến ngày 25 tháng chạp dọn dẹp mồ mả ông bà. Còn những hành khách đã định cư lâu năm ở TP.HCM thì chọn ngày gần hơn như 25 hoặc 26", ông Thu giải thích.
Ông Thu cũng nhận định thời điểm 28 và 29 tết (mà Bộ GTVT đề xuất được nghỉ) chủ yếu là thời điểm vét do không mua được vé những ngày trước đó hoặc là những người làm việc ở các đơn vị có quy định chặt chẽ về mặt thời gian. Vì vậy theo ông Thu, việc đề xuất cho nghỉ thêm hai ngày không giảm áp lực gì nhiều cho các nhà xe vì nhà xe đã có kế hoạch chuẩn bị trước. Cụ thể năm nay Hãng xe Phương Trang đã mua mới 100 xe giường nằm (loại 45 chỗ ngồi) để tăng cường cho các tuyến đưa khách về quê ăn tết.
Còn việc được nghỉ thêm 2 ngày, theo ông Thu, chủ yếu tạo điều kiện cho cán bộ công chức có thêm thời gian nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, mua quà cáp biếu người thân.
Theo Tuổi trẻ