(GD&TĐ) - Hội đồng Bảo an LHQ vừa nhất trí thông qua một nghị quyết về Syria. Nói như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì đây là “bước đột phá lịch sử” trong tiến trình giải quyết vấn đề Syria.
Một thỏa hiệp được thực hiện sau khi Mỹ, Anh, Pháp không nằng nặc đưa vào điều khoản cho phép tự động sử dụng vũ lực khi Damascus vi phạm thỏa thuận, đổi lại, Nga và Trung Quốc cũng nhượng bộ bằng cái gật đầu cho phép thanh sát rộng rãi các cơ sở vũ khí hóa học ở Syria.
Bước đột phá lịch sử
Vào tối thứ Sáu, rạng sáng thứ Bảy (28/9, giờ Việt Nam), 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết mang tính lịch sử về việc tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria. Như vậy, vũ khí hóa học ở Syria sẽ được tiêu hủy càng sớm càng tốt và trong tương lai, mọi hoạt động sản xuất, sử dụng vũ khí hóa học ở đất nước này sẽ bị nghiêm cấm.
Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov thì nghị quyết về vũ khí hóa học của Syria khác xa so với nghị quyết về Lybia trước đó. Ông Pushkov cho rằng, nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria “không cho phép những đòn trừng phạt bằng vũ lực” và như vậy nó mới được tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua.
Theo lời Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon thì nghị quyết này cho phép tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria trong thời gian ngắn nhất có thể. Ngoài ra, Ban Ki Moon còn cho rằng hội nghị giải quyết xung đột Syria sẽ được triệu tập vào giữa thàng 10 tại Geneva sẽ có nhiều hy vọng.
Trong 2 năm qua, Hội đồng Bảo an LHQ không thể đưa ra bất cứ nghị quyết nào về Syria. Nga và Trung Quốc đã chặn tất cả các nỗ lực của Mỹ, Anh và Pháp trong việc can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria.
Các nước phương Tây phản đối Moskva và Bắc Kinh khi cho rằng trách nhiệm không chỉ của chính quyền Bashar Assad mà còn của phe đối lập. Giờ đây, khi các bên tìm được tiếng nói chung chứng tỏ họ đã có những nhân nhượng nhất định.
Báo Kommersant trích nguồn tin ngoại giao riêng cho biết: Trong cuộc đàm phán tại Geneva gần đây, Nga và Mỹ bất đồng về số lượng cơ sở vũ khí hóa học ở Syria. Washington cho rằng Syria có tới 50 cơ sở, trong khi Moskva khẳng định, có tới một nửa số này là các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm và tất nhiên, chúng phải được xóa tên khỏi danh sách các cơ sở vũ khí hóa học mà người Mỹ đưa ra.
Tiêu hủy vũ khí hóa học quan trọng hơn lật đổ Bashar Assad
Thanh sát viên của LHQ quay trở lại Syria |
Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận, Moskva và Bắc Kinh phải nhượng bộ, cho phép các thanh sát viên không chỉ thanh sát các cơ sở mà Damascus nêu tên trong danh sách mà có quyền kiểm tra bất cứ cơ sở nào trên lãnh thổ Syria nếu họ muốn.
Đổi lại, Mỹ, Anh, Pháp lần lượt đồng ý không áp nghị quyết về Syria theo điều 7 của Hiến chương LHQ, tự động áp dụng các biện pháp trừng phạt quân sự trong trường hợp không tuân thủ yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ. Các bên đồng ý rằng tất cả các vi phạm nghiêm trọng đại loại như tự ý sử dụng vũ khí hóa học sẽ được xem xét riêng rẽ.
Nga cũng đạt được thỏa thuận với các nước phương Tây rằng trách nhiệm trong việc thực hiện quyết định của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) không chỉ thuộc về chính quyền Syria mà cả phe đối lập.
“Việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận, nhưng điều đó không có nghĩa là ai đó có thể tiếm quyền kết tội và áp đặt trừng phạt. - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Đại hội đồng LHQ - Mọi sự cố liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học của bất kỳ ai ở Syria phải được điều tra nghiêm túc, chuyên nghiệp và sau đó, Hội đồng Bảo an LHQ phải xem xét trên cơ sở các bằng chứng, sự kiện chứ không suy đoán, giả định”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, dù có sự đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề Syria, Washington vẫn giữ quan điểm “không loại trừ đe dọa dùng vũ lực đối với Syria”.
Trong khi đó, theo các nhà phân tích, việc thực hiện sáng kiến Nga - Mỹ về tiêu hủy vũ khí hóa học vô tình đã “hợp pháp hóa” chế độ của Tổng thống Bashar Assad - chế độ mà phương Tây muốn lật đổ càng nhanh càng tốt.
Nói như David Schenker - Chuyên gia Viện Chính sách Trung Đông của Mỹ - thì Washington quá hiểu điều này, rằng muốn tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria không thể phủ nhận vai trò của chính quyền Bashar Assad.
Như vậy, chế độ Bashar Assad vẫn tồn tại như một đối tác ít nhất cho đến khi chiếc conteiner chở hóa chất cuối cùng rời Syria. Thời gian dành cho kế hoạch này không thể ngày một, ngày hai mà ít nhất phải 1 năm như Tổng thống Syria Bashar Assad tuyên bố. Khi đó, Bashar Assad sẽ mãn nhiệm và ra đi như một người chiến thắng.Tuy nhiên, có một thế lực nào đó truy tố vị tổng thống này như một tội phạm chiến tranh thì đó là điều không ai dám chắc.
Duy Long tổng hợp