Nghị lực phi thường của cô bé từng là “con ma không tay”

Đinh Thị H"Lonh - Học sinh lớp 6 trường THCS bán trú xã Đăk Smar (Kbang, Gia Lai) nhỏ bé hơn bạn đồng trang lứa, có đôi mắt sáng trong cùng đôi chút nhút nhát của một đứa trẻ khi gặp người lạ.

Cô bé không tay Đinh Thị H"Lonh vẫn có thể cõng em
Cô bé không tay Đinh Thị H"Lonh vẫn có thể cõng em
Nghị lực phi thường của cô bé từng là “con ma không tay” ảnh 1Nghị lực phi thường của cô bé từng là “con ma không tay” ảnh 2Nghị lực phi thường của cô bé từng là “con ma không tay” ảnh 3Nghị lực phi thường của cô bé từng là “con ma không tay” ảnh 4Nghị lực phi thường của cô bé từng là “con ma không tay” ảnh 5Nghị lực phi thường của cô bé từng là “con ma không tay” ảnh 6
Đến trường với một cơ thể bị khiếm khuyết vì thiếu hẳn đôi tay, H"Lonh học trễ hơn so với chúng bạn một năm, nhưng luôn có thành tích học tập đáng nể.

Thầy Nguyễn Văn Tuy -  Giáo viên chủ nhiệm - kể: “Lần đầu gặp H’Lonh vào năm 2009 tôi đã thực sự ấn tượng, ngạc nhiên bởi một cô bé Bahnar không tay lại có tinh thần ham học so với các bạn đồng trang lứa hơn nữa lại còn học rất tốt, rất chăm ngoan

Ấn tượng tốt đẹp của thầy Tuy ngày càng được nhân lên khi thầy trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp mà cô học trò H"Lonh theo học.

Ở trong lớp, H’Lonh không hề tỏ ra thụ động mà luôn tự lập, vững vàng và năng động trong mọi việc, dù viết bằng chân nhưng tốc độ viết thì không hề thua kém các bạn trong lớp hơn nữa nét chữ lại to, rõ và khá đẹp.

“H’Lonh thực sự là nguồn động lực, là tấm gương sáng trong học tập, biết vượt lên hoàn cảnh để các em học sinh trong lớp nói riêng và cả xã Đak Smar nói chung học tập và noi theo” - Thầy Tuy tự hào nói.

Nhờ tình yêu con chữ từ nhỏ, nên trong suốt thời gian học tiểu học, năm nào H"Lonh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi và luôn là 1 trong 3 học sinh giỏi nhất của lớp 5B, trường Tiểu học Đăk Smar. Không chỉ học giỏi, mà H"Lonh còn có năng khiếu vẽ tranh rất đẹp.

 Đáng khâm phục hơn, ngoài thời gian đi học, H"Lonh còn giúp gia đình bằng cách nấu cơm, giặt đồ, xay gạo, giữ em… và đặc biệt là đi mót bắp.

“Cây bắp nào cao to quá, em dùng chân đạp ngã cây xuống, rồi dùng chân rứt quả bắp bỏ vào gùi mang về cho bố mẹ” - H"Lonh hào hứng kể.

Cô Lê Thị Tuyết - Giáo viên chủ nhiệm lớp 5B lúc H"Lonh còn học tiểu học - cho biết: “Tuy bị khiếm khuyết, nhưng H"Lonh luôn là học sinh chăm ngoan nhất lớp, học không thua kém bất kì bạn nào, các môn em luôn đứng đầu lớp. H"Lonh viết chữ lên tấm bảng rất đẹp, đều và thẳng. Ngoài ra, H"Lonh hát cũng rất hay”.

Chị Nguyễn Thị Phương - Cán bộ Lao động, Thương bin và Xã hội xã Đăk Smar - cho biết: Năm nào H"Lonh cũng nhận được học bổng trẻ em nghèo vượt khó của tỉnh Gia Lai. Năm 2013, H"Lonh đã được nhận thêm học bổng Việt - Nhật và có nhiều người liên hệ xin em về nuôi nhưng gia đình không đồng ý.

 Nói về con gái của mình, anh Đeng tự hào: “Hồi sinh nó ra vợ chồng mình sợ lắm, sau đó thì thương nó lắm. Cứ nghĩ H"Lonh không làm được gì, nhưng ai ngờ con mình lại làm giỏi giống như người bình thường, bây giờ mình rất tự hào về con gái mình”.

 Chia sẻ về ước mơ của mình, H"Lonh bộc bạch: “Em sẽ cố gắng học để sau này trở thành cô giáo dạy lại cho học sinh như cô giáo em bây giờ”.

 Tuổi thơ dữ dội và nghị lực phi thường

 Chị Đinh Thị En (Sinh năm 1976, trú làng Krối, xã Đăk Smar, Kbang, Gia Lai - mẹ của H"Lonh) vẫn còn nhớ như in câu chuyện cách đây 13 năm. 

Vào một đêm mưa, chị hạ sinh một bé gái, nhưng hỡi ôi, hình hài ấy lại thiếu đi đôi bàn tay. Thay vì vui mừng, thì chị rơi vào sợ hãi, thét lên và ngất xỉu.

Nghe vợ thét, anh Đinh Đeng (SN 1971) chạy vội đến bên vợ thì không tin nổi khi nhìn thấy đứa con “kỳ dị” của mình. Mặc trời mưa tầm tã, anh vẫn chạy khắp làng báo tin với mọi người đến xem thử có phải vợ mình vừa mới hạ sinh ra một “con ma” hay không.

Khi “mục sở thị” cháu bé, mọi người phán rằng gia đình Đeng bị Yàng (trời) phạt nên mới sinh con như vậy.

 Suốt 3 ngày sau đó, chị En chỉ biết khóc vì quá thương đứa con tội nghiệp của mình. Còn anh Đeng thì nghĩ ra viễn cảnh “rồi nó cũng sẽ nằm im một chỗ cho đến cuối cuộc đời chứ không làm được gì”.

 Quá buồn, anh chỉ biết tìm đến rượu giải sầu, nhưng trong men rượu, anh lại càng thương con hơn vì: “Trong làng này ai cũng đủ tay, đủ chân, riêng chỉ mỗi con gái mình phải chịu thiệt thòi như vậy”, từ đó, H’lonh được lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự chăm sóc chu đáo của người thân.

 May mắn, H"Lonh vẫn phát triển như những đứa trẻ khác, duy chỉ thiếu đôi tay nên cuộc sống sinh hoạt của em gặp muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu, tất cả mọi sinh hoạt của em đều do bố mẹ và người anh trai Đinh Ol (SN 1998) giúp đỡ.

 Nhưng ở đời Yàng chẳng bao giờ lấy hết của ai cái gì, khi “lấy” của H’lonh đôi tay thì bù lại Yàng đã ban cho em một đôi chân cực kỳ khéo léo. 

Khi lên 7 tuổi, với ý chí kiên định và sự quyết tâm của mình, H’lonh đã quyết tâm từ chối mọi sự giúp đỡ của người thân. Em bắt đầu lấy đôi chân khéo léo của mình làm đôi bàn tay khiếm khuyết.

 Chỉ vài tháng sau, tất cả mọi việc từ mặc áo, chải đầu, đánh răng… H"Lonh đều làm thành thạo từ đôi chân của mình. Thương cha mẹ và anh trai vất vả, H"Lonh bắt đầu tập làm các việc nhà, từ việc dùng cổ kẹp cây chổi quét nhà, nhen lửa nấu cơm, nước cho gia đình đến việc gom chén đĩa đi rửa… Tất cả mọi việc H"Lonh làm đều không thua kém một người có đủ đôi bàn tay lành lặn.

Khi H’lonh đã lên 8 tuổi, trong một buổi trưa, thấy anh trai (học lớp 2) đang làm bài tập về nhà thì cô bé đã tiến lại gần, mượn bút, vở của anh và dùng chân viết một số chữ cái khá thành thạo.

Trước sự đam mê con chữ của con gái mình, ngay ngày hôm sau bé H"Lonh đã được bố dẫn đến trường mẫu giáo để xin học. Được đi học, với H"Lonh mỗi ngày trôi qua là một niềm hạnh phúc.

Dù không có đôi bàn tay, nhưng bù lại với sự chăm chỉ và lòng quyết tâm của mình H"Lonh không những không thua kém bạn bè mà em còn giỏi giang hơn nhiều bạn cùng trang lứa.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ