Nghị lực của cô trò nhỏ không tay

GD&TĐ - Từ khi sinh ra, bé Nguyễn Như Linh (7 tuổi, học sinh lớp 2C Trường Tiểu học Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) đã không có đôi tay như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng nghị lực của em đã giúp em có thể học tập, sinh hoạt bình thường... bằng đôi chân của mình.

Nghị lực của cô trò nhỏ không tay

Nỗi lo lắng của người mẹ

Ngồi tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Như Nương (28 tuổi, mẹ bé Linh) vẫn không thể giấu được cảm xúc của mình khi nhớ lại những ngày tháng mang thai Linh. Chị và anh Nguyễn Văn Tuấn kết hôn với nhau năm 2007. Tới năm 2010, hai anh chị đang háo hức đón chờ sự ra đời của đứa con gái đầu lòng. Tuy nhiên, khi mang thai tới tháng thứ 8, chị Nương đi khám thai và được bác sĩ ở một phòng khám tư thông báo tình hình của con mình. Giấu đi cảm xúc đau đớn của người mẹ, chị Nương cùng chồng đi đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để khám lại thêm lần nữa.

Chị Nương kể: “Kết quả ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn không có gì thay đổi. Mọi hi vọng cuối cùng của tôi vụt tắt. Đứa con đầu lòng của tôi không có tay. Tôi như chết lặng, chỉ muốn khóc. Những người xung quanh hỏi gì tôi cũng không muốn trả lời”.

Những ngày tháng sau đó, chị Nương luôn ở trong trạng thái dễ cáu gắt, khó chịu. Hai vợ chồng đều có tâm lí chán nản, thất vọng, to tiếng với nhau. Thậm chí, tình trạng này còn kéo dài sau khi chị sinh bé Linh một thời gian nữa.

Sự khổ luyện của đôi chân

Khi lớn lên, Linh nhận ra sự khác biệt của mình so với mọi người. Bạn bè, bố mẹ đều có đôi tay. Tuy nhiên, Linh có một nghị lực phi thường và dần dần tập làm mọi thứ bằng... đôi chân. Tới nay, Linh có thể giúp bố mẹ gấp quần áo, quét nhà, tự ăn cơm.

Những ngày đầu đi học lớp Một, Linh bị một vài người bạn cùng lớp trêu đùa, chọc ghẹo. Tuy nhiên, cô bé mạnh mẽ không bị những lời nói đó làm tổn thương. Em mang câu chuyện đó tâm sự với mẹ, và luôn tự cố gắng sẽ học tập tốt. Điều đó khiến chị Nương và anh Tuấn phần nào rất yên tâm về cô con gái thiệt thòi của mình.

Hiểu được những khó khăn của con gái khi đi học, chị Nương chủ động dành thời gian để dạy Linh dùng bút bằng chân trước khi con vào lớp Một. Những ngày đầu tập kẹp bút vào hai ngón chân, Linh bị mỏi và đau liên tục. Mỗi lần như vậy, chị Nương luôn bên cạnh, xoa chân cho Linh và động viên con cố gắng.

Bằng sự tập luyện vất vả của mình, ngón chân của Linh ngày càng linh hoạt hơn, giúp em làm được nhiều thứ hơn. Thậm chí, em nằm trong số những học sinh viết đẹp nhất và làm toán nhanh nhất lớp. Ngoài ra, em cũng chia sẻ rằng, em thích học nhất môn Toán và Mỹ thuật. Khi mọi người trong gia đình nghỉ trưa, cũng là lúc Linh chú tâm vào những chiếc bút màu và tờ giấy trắng để vẽ những gì mà em yêu thích. Năm học vừa qua, với nghị lực và sự cố gắng của mình, Linh được trường và huyện Mỹ Đức tặng giấy khen cho học sinh vượt khó học giỏi. Khi được hỏi về ước mơ khi lớn lên, Linh không ngần ngại trả lời với chúng tôi rằng, em mong muốn được trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ.

Cô Lê Thị Hằng (giáo viên chủ nhiệm của em Linh) chia sẻ: “Ở lớp, Linh rất hăng hái phát biểu xây dựng bài. Nhưng hiểu được những thiệt thòi của em, bạn bè cùng lớp luôn đi cùng khi Linh đi vệ sinh. Bài tập về nhà, tôi cũng chỉ giao cho Linh một nửa vì em viết bằng chân rất khó khăn”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ