Nghi án Huynh đệ Hồi giáo “nằm vùng” ở Nhà Trắng

Một viên tướng Mỹ về hưu tố cáo Hội Huynh đệ Hồi giáo ở Trung Đông đã cài người của họ vào Nhà Trắng để lũng đoạn chính sách của Mỹ tại khu vực.

Các thành viên Huynh đệ Hồi giáo thể hiện dấu hiệu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập năm 2012 - Ảnh: AFP
Các thành viên Huynh đệ Hồi giáo thể hiện dấu hiệu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập năm 2012 - Ảnh: AFP

Vừa qua, Trung tướng không quân về hưu Tom McInerney đã bất ngờ xác nhận sự hiện diện của các thành viên Huynh đệ Hồi giáo trong chính phủ Mỹ khi thảo luận về cuốn hồi ký mới ra mắt của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, theo trang Examiner.

Ông Robert Gates vừa xuất bản cuốn hồi ký có tên Duty: Memoirs of a Secretary at War (tạm dịch: Bổn phận: Hồi ức của một bộ trưởng chiến tranh), trong đó chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden vì đưa ra những quyết định về an ninh quốc gia dựa trên động cơ chính trị. Tướng McInerney đã ca ngợi ông Gates về nỗ lực đưa ra ánh sáng những chuyện “thâm cung bí sử” song nói rằng ông nên làm điều đó sớm hơn.

“Chúng tôi có Huynh đệ Hồi giáo trong chính phủ Mỹ ngày nay”, ông McInerney phát biểu với Đài phát thanh WMAL ở Washington. Ảnh hưởng của Huynh đệ Hồi giáo với giới hoạch định chính sách ở Washington không phải là điều mới mẻ.

Song sự xác nhận của ông McInerney được cho là mang ý nghĩa đáng kể bởi ông là cựu quan chức cao cấp đầu tiên đề cập đến việc này. Ông McInerney từng là trợ lý Phó tham mưu trưởng không quân và là Phó tư lệnh không quân Mỹ tại châu Âu.

Tuy nhiên, ông McInerney từ chối đề cập đến danh tính của những người được cho là đặc tình của Huynh đệ Hồi giáo ở Washington: “Tôi không có chính xác tên tuổi của họ song có một danh sách ít nhất 10 hoặc 15 người trong chính phủ Mỹ”.

Nguy cơ an ninh

Theo trang Middle East Online, vào tháng 12.2012, tạp chí Rose El-Youssef ở Ai Cập tiết lộ có 6 lãnh đạo Hồi giáo ở Mỹ hợp tác với chính quyền Tổng thống Barack Obama là gián điệp của Huynh đệ Hồi giáo và có ảnh hưởng đáng kể với các chính sách của Mỹ.

Tờ báo khẳng định 6 người đàn ông này đã biến Nhà Trắng “từ vị trí thù địch với các tổ chức Hồi giáo trên thế giới thành ủng hộ viên lớn và quan trọng nhất của Huynh đệ Hồi giáo”.

Bài báo nêu tên Arif Alikhan, trợ lý Bộ trưởng An ninh nội địa về xây dựng chính sách; Mohamed Elibiary, thành viên Hội đồng cố vấn an ninh quốc gia; Rashad Hussain, đặc sứ Mỹ tại Tổ chức Hội nghị Hồi giáo; Salam al-Marayati, đồng sáng lập Hội đồng các vấn đề Hồi giáo; Imam Mohamed Magid, Chủ tịch Hội Hồi giáo Bắc Mỹ; và Eboo Patel, thành viên một hội đồng cố vấn về tôn giáo của ông Obama.

Tầm ảnh hưởng của Huynh đệ Hồi giáo ở Washington cũng được tường thuật trong cuốn sách Impeachable Offenses: The Case to Remove Barack Obama from Office (tạm dịch: Những hành vi có thể bị luận tội: Vụ án nhằm cách chức Barack Obama) của hai tác giả Aaron Klein và Brenda J.Elliott. Cuốn sách cáo buộc ông Obama đã hỗ trợ cho sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông bằng cách đưa thành viên của các nhóm này vào những ủy ban cố vấn về an ninh quốc gia quan trọng.

Cuốn sách xác nhận chính quyền Obama có thể đã để lộ thông tin về an ninh quốc gia thông qua Huma Abedin, cựu phó chánh văn phòng của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Vào tháng 6/2013, các thành viên của đảng Cộng hòa ở quốc hội, dưới sự dẫn đầu của hạ nghị sĩ Michele Bachman, đã cáo buộc Abedin “có ba người thân trong gia đình, gồm người cha quá cố, người mẹ và người anh trai, có liên hệ với các gián điệp Huynh đệ Hồi giáo”. Tuy nhiên, cáo buộc này bị nhiều người xem là vô căn cứ. Tờ Washington Post khi đó đã mô tả bà Bachman bị “hoang tưởng”.

Trong cuộc phỏng vấn nói trên, tướng McInerney đã nhắc lại nghi án về bà Abedin. “Cha mẹ cô ta là Huynh đệ Hồi giáo, và các trực giác của cô ta đi theo đường hướng đó”, tướng McInerney nói. Viên tướng 76 tuổi còn nói các chuyên gia về Hồi giáo Frank Gaffney và Claire Lopez có nhiều thông tin hơn về việc này.

Lũng đoạn chính sách

Là Chủ tịch của Trung tâm chính sách an ninh, ông Gaffney từng xuất bản tác phẩm có tên The Muslim Brotherhood in the Obama Administration (tạm dịch: Huynh đệ Hồi giáo trong chính quyền Obama).

Cuốn sách này được xuất bản để đề cập đến vấn đề từng được các nghị sĩ đảng Cộng hòa Michele Bachmann, Trent Franks, Louie Gohmert, Tom Rooney và Lynn Westmoreland đưa ra trước quốc hội vào tháng 7.2012. Chính 5 nghị sĩ này đã yêu cầu tổng thanh tra ở các bộ An ninh nội địa, Tư pháp và  Ngoại giao phải điều tra về nghi án nói trên.

Tờ Examiner trích phát biểu của hạ nghĩ sĩ Rooney khi đó: “Huynh đệ Hồi giáo công khai kêu gọi bạo lực chống nước Mỹ song chúng ta biết chính tổ chức này có thể xâm nhập vào hàng ngũ, thậm chí trong quân đội… Chúng ta cần các cơ quan an ninh hàng đầu điều tra thấu đáo mức độ hoạt động của các thành viên của tổ chức này trong cộng đồng quốc phòng và hồi giáo, và ảnh hưởng của điều đó với an ninh quốc gia”.

Trong khi đó, bà Claire Lopez, một nhà nghiên cứu cao cấp của CSP, từng viết trong một báo cáo đăng tải trên website của Viện Gatestone rằng việc cài cắm người của Huynh đệ Hồi giáo vào chính phủ Mỹ đã bắt nguồn từ lâu, “mặc dù thành công của họ chỉ gia tăng đáng kể dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama”.

Bà Lopez cũng cho rằng “ưu thế về thông tin” mà Huynh đệ Hồi giáo có được là đầu tàu chính trong chính sách của Mỹ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và cuộc chính biến Mùa xuân Ả Rập do Huynh đệ Hồi giáo lãnh đạo.

“Dưới thời chính quyền Obama bị ảnh hưởng bởi Huynh đệ Hồi giáo, chính sách Mỹ đã thay đổi mạnh mẽ theo hưởng ủng hộ hoàn toàn những phong trào thánh chiến đó, từ các tay súng al-Qaeda ở Libya cho đến Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, và cả các phe nổi dậy cho liên hệ với al-Qaeda và Huynh đệ Hồi giáo ở Syria”, bà Lopez nói.

Huynh đệ Hồi giáo

Hội Huynh đệ Hồi giáo là một tổ chức chính trị Hồi giáo đa quốc gia, vốn bị Ai Cập đặt ra ngoài vòng pháp luật trước cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011. Sau cuộc chính biến, Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập được hợp pháp hóa và gặt hái nhiều thành công rực rỡ về chính trị tại đây. Họ thống trị trong các cuộc bầu cử nghị viện và tổng thống năm 2012 trước khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi của tổ chức này vào năm ngoái. Từ đó đến nay, Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập bị trấn áp mạnh mẽ và mới đây đã bị Cairo liệt vào hàng tổ chức khủng bố.

Theo Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ