Nghi án buôn người chấn động Thái Lan

Nghi án buôn người chấn động Thái Lan
Phụ nữ và trẻ em người Rohingya tại một khu tạm cư ở tỉnh Phang Nga, Thái Lan - Ảnh: Reuters
Phụ nữ và trẻ em người Rohingya tại một khu tạm cư ở tỉnh Phang Nga, Thái Lan - Ảnh: Reuters
Liên Hiệp Quốc yêu cầu điều tra gấp về cáo buộc giới chức Thái Lan dính líu đến đường dây buôn người tị nạn đến từ MyanmarTrong một bài điều tra đăng tải ngày 5.12, hãng tin Reuters đã phanh phui đường dây buôn người tị nạn Hồi giáo Rohingya ở Thái Lan. Phóng viên của hãng tin này bỏ ra 2 tháng điều tra xuyên qua 3 lãnh thổ và phát hiện có sự liên quan của giới chức thuộc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan.
Người Hồi giáo Rohingya được xem là tộc người không có lãnh thổ. Phần lớn sống ở Bangladesh rồi di chuyển đến Myanmar. Vụ xung đột sắc tộc giữa người Rohingya và người Phật giáo Rakhine ở Myanmar vào năm ngoái khiến 140.000 người Rohingya mất nhà cửa. Hàng chục ngàn người buộc phải trốn sang Thái Lan lánh nạn bằng đường bộ và cả trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ. Nhưng phần lớn bị giới chức Thái Lan phát hiện và đưa vào những trại tị nạn ở phía bắc Bangkok.
Buôn người có tổ chức
Theo Reuters, người tị nạn sau khi bị giới chức Thái Lan dụ dỗ viết cam kết “không quay lại” đã được đưa ra khỏi Thái Lan bằng đường biển đến một vùng đất khác, nhưng thực chất là bị giao cho một nhóm buôn người chờ sẵn ở ngoài khơi. Nhóm buôn người sau đó đưa những người tị nạn trở lại miền nam Thái Lan, giáp giới với Malaysia và giam giữ họ trong những trại bí mật giữa rừng. Tại đây, những người Rohingya bị đánh đập, thậm chí bị giết chết nếu phản kháng. Họ chỉ được trả tự do sau khi có người thân bỏ tiền ra chuộc.
Tờ South China Morning Post ở Hồng Kông cũng có bài điều tra vụ buôn người này. Tờ báo cho biết phóng viên của họ đã đi theo người tị nạn vào một khu trại trong rừng sâu, nơi giam giữ 1.500 người ở tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan. Theo South China Morning Post, chỉ trong 2 tuần lễ đã có 16 người chết ở trại giam này.
Thái Lan là nước tiếp nhận nhiều người Rohingya nhất từ Myanmar nhưng trước làn sóng người tị nạn gần đây, nước này đã thay đổi chính sách, trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ thay vì giam giữ trong các trại tị nạn.
“Điều tra ngay lập tức”
Giới chức Thái Lan nói việc di chuyển người Rohingya trên nước Thái chưa cấu thành hành vi buôn người. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Reuters, thiếu tướng Chatchawal Suksomjit, thuộc lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, thừa nhận nước này có một chính sách bí mật vốn sử dụng các mạng lưới buôn người để tống khứ người Rohingya ra khỏi đất nước. Theo Reuters, có 9 người đã bị bắt ở Thái Lan do dính líu đến hoạt động buôn người Rohingya trong năm 2013, trong đó có 2 quan chức.
Tiết lộ của Reuters đã lập tức châm ngòi cho làn sóng chỉ trích Thái Lan. Ngày 6.12, LHQ và Mỹ đã yêu cầu điều tra ngay lập tức thông tin trên. “Những cáo buộc này cần phải được điều tra nhanh chóng”, người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn LHQ Vivian Tan nói trong một thông báo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cũng tuyên bố: “Chúng tôi có biết những tường thuật cáo buộc giới chức Thái Lan dính líu đến việc bán người tị nạn Rohingya cho những kẻ buôn người. Chúng tôi thúc giục chính phủ Thái Lan tiến hành cuộc điều tra nghiêm túc và minh bạch về vấn đề này”.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã từ chối bình luận về bài báo. Tuy nhiên, bà Yingluck cho hay Bangkok sẵn sàng hợp tác với LHQ và Mỹ để làm sáng tỏ vụ việc. Tổ chức Theo dõi nhân quyền có trụ sở ở New York (Mỹ) đã cảnh báo Thái Lan có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của Washington nếu bị hạ bậc trên bảng xếp hạng thường niên về nạn buôn người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo Minh Quang
Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ