Nghê Việt - Bước ra từ văn hóa truyền thống

GD&TĐ - Từ câu chuyện hồn Việt ẩn chứa trong hình tượng linh vật nghê, đã đến lúc chúng ta phải coi các giá trị văn hóa truyền thống là tài nguyên để từ đó khai thác phục vụ cho đời sống hôm nay. Vậy, hình tượng nghê trong thế kỷ XXI là gì? Làm sao để giữ được giá trị văn hóa truyền thống, hồn Việt trên từng sản phẩm tiếp nối, sáng tạo vẫn là trăn trở của nhiều nghệ sĩ.  

Khách tham quan được giới thiệu về nghê Việt tại từng mẫu vật trưng bày
Khách tham quan được giới thiệu về nghê Việt tại từng mẫu vật trưng bày

“Hồi sinh” cho linh vật Việt

Những ngày này, tại Không gian văn hóa Hoa Lư (Ninh Bình) đang diễn ra trưng bày “Tư liệu Nghê - linh vật Việt” do Sở VH-TT Ninh Bình phối hợp với Công ty Vạn Bảo Ngọc tổ chức nhân 4 năm thực hiện Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL. Triển lãm giới thiệu hàng trăm tư liệu, hình ảnh về nghê được sưu tầm khắp nơi trên cả nước và sản phẩm nghê được chế tác từ nguyên mẫu đôi nghê Việt - tại Đền vua Đinh (Hoa Lư).

Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc - Giám đốc Công ty Vạn Bảo Ngọc chia sẻ: Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để những tài nguyên văn hóa truyền thống như hình tượng linh vật nghê không bị bỏ quên. Vậy, hình tượng nghê trong thế kỷ XXI là gì? Làm sao để giữ được giá trị văn hóa truyền thống, hồn Việt trên từng sản phẩm. Hiện, chúng tôi đã sản xuất được một số mẫu sản phẩm với hình tượng nghê, được thực hiện trên khá nhiều chất liệu như: Khánh bình an, khánh an khang thịnh vượng có khắc hình ảnh nghê hay nguyên mẫu nghê sưu tầm với nhiều màu sắc, chất liệu... phong phú. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ đưa được nhiều hơn hàm lượng văn hoá Việt ứng dụng vào phục vụ đời sống đương đại.

Phải khẳng định rằng, từ Công văn số 2662 ngày 8/8/2014 của Bộ VH-TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, với những hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề đã giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú, đa dạng, độc đáo của linh vật Việt Nam.

Cùng với đó là sự diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của chúng. Tất cả góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về linh vật Việt. Không chỉ có vậy, sự kiện này còn đem đến cơ hội để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa truyền thống.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên nhớ lại thời điểm cách đây 4 năm khi công văn mới ban hành nhưng đã tạo được một làn sóng ủng hộ rộng rãi trong xã hội. Nhiều biểu tượng, sản phẩm, linh vật “ngoại lai” đã được di dời khỏi các di tích đền, miếu, đình, chùa… thay thế bằng linh vật phù hợp, mang hồn Việt như: Rồng, voi, nghê, sấu, chó… Trong đó, nghê là một trong những linh vật được quan tâm thay thế sư tử “ngoại lai”.

Nghê Việt có đặc điểm nổi bật là sự hiền lành, thuần hậu. Trong quá trình giao thoa văn hóa, tạo hình nghê được cách điệu theo đúng bản sắc văn hóa của người Việt, với những chi tiết, biểu tượng hài hòa của vũ trụ như mây, gió, sấm chớp, đao lửa, tạo nguồn sáng, gửi gắm không khí ấm áp, cầu mưa thuận gió hòa, cầu hạnh phúc, sự sinh sôi…

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho rằng, điểm thành công lớn nhất của Công văn 2662 chính là sự tác động của công văn đến các nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc phục dựng biểu tượng, linh vật truyền thống Việt Nam.

Một trong những mẫu sáng tạo và hiện vật nghê được trưng bày
  • Một trong những mẫu sáng tạo và hiện vật nghê được trưng bày

Ứng dụng trong đời sống hiện đại

Trong khuôn khổ cuộc trưng bày, đã diễn ra một cuộc tọa đàm nhỏ với sự tham gia của nhà sử học Dương Trung Quốc, GS. TSKH Vũ Ninh Giang, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hậu Yên Thế… Từng có những công trình nghiên cứu công phu về linh vật nghê của người Việt, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết, nghê đến với chúng ta từ một nơi rất xa (Trung Á).

Do sự giao lưu, tiếp biến văn hoá, người Việt đã đúc kết, sáng tạo hình tượng nghê thành tinh hoa văn hoá Việt, mang hồn Việt. Các cụ xưa có câu: “Nghê chầu, chó chực”. Khác với sư tử ngoại lai, nghê không bao giờ quay mặt ra ngoài không gian kiến trúc… Giờ đây, giới nghiên cứu không chỉ thấy nghê chầu trước các cổng đền, chùa, lăng, miếu…, mà nghê xuất hiện khắp nơi trong không gian tín ngưỡng của người Việt. Nghê vờn rồng, đứng trong tứ linh, trên áo vua, đội án thư, trên cửa võng... khắp các không gian kiến trúc tâm linh Việt.

Trả lời câu hỏi có nên xây dựng, đề xuất với Nhà nước công nhận hình tượng nghê như một linh vật biểu tượng quốc gia, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, linh vật mang tầm biểu tượng quốc gia thì phải lớn và xứng tầm. Đó có thể là hình ảnh con rồng, chim lạc gắn với truyền thuyết “con lạc, cháu hồng” tổ tiên của người Việt. Nghê chỉ nên là biểu tượng của văn hoá truyền thống.

Đồng quan điểm, GS. TS Vũ Ninh Giang cũng cho rằng, nghê Việt mang hồn Việt. Bao đời nay, dân tộc Việt Nam phải đối mặt với sự đồng hóa của văn hóa ngoại lai nhưng ta đã bảo tồn được giá trị văn hoá của người Việt và chấp nhận sự tiếp biến văn hóa. Nghê chính là một trong những đặc trưng cho sự tiếp biến và giao lưu văn hóa ấy.

Từ câu chuyện hồn Việt ẩn chứa trong hình tượng linh vật nghê, đã đến lúc chúng ta phải coi các giá trị văn hóa truyền thống là tài nguyên để từ đó khai thác phục vụ cho đời sống hôm nay. Đừng để những giá trị ấy mai một trong các nhà kho, bảo tàng. Ông bày tỏ quan điểm, đôi nghê lấy nguyên mẫu từ Đền vua Đinh do Công ty Vạn Bảo Ngọc chế tác rất xứng đáng được đề xuất, công nhận là bảo vật quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.