Nghề Thủy công: Những câu chuyện chưa kể

Nghề Thủy công: Những câu chuyện chưa kể

(GD&TĐ)-Cái tâm với nghề cùng cái tình dành cho đồng bào vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh, những người “Lính” thủy công đã sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm và cơ cực, thậm chí cả sự thiệt thòi của chính những người thân của mình, để đổi lấy dòng nước mát cho những người dân nghèo vùng cao biến giới hải đảo.

Cán bộ Viện Thủy công với người dân Sìn Hồ (Lai Châu). Ảnh: gdtd.vn
Cán bộ Viện Thủy công với người dân Sìn Hồ (Lai Châu). Ảnh: gdtd.vn

Cái nghề nó vận vào mình 

Trong chương trình Quà tặng biên cương, tôi đã gặp và vô cùng cảm kích những người “lính” của Viện Thuỷ Công (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Họ đều là những người có thâm niên gắn bó với nghề, hầu hết đều xuất thân từ trường Đại học Thủy lợi. Có người chọn nghề trong hoàn cảnh khó khăn, song có người hình dung được sự gian nan của nghề nhưng vẫn chọn nghề, yêu nghề và bám nghề. 
Anh Nguyễn Quốc Vượng, chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Nghệ An. Mỗi năm vào mùa tháng 6, tháng 7, đồng ruộng quê tôi khô trắng vì thiếu nước. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu sự cơ cực của những người dân sống thiếu nước. Vì vậy, tôi quyết định học ngành nước. Và ra trường, tôi tự nguyện làm anh “lính” thủy công. Từ khi gắn bó với công việc này, đem nguồn nước về cho đồng bào vùng cao biên giới, trong đó có quê hương tôi, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Thứ hạnh phúc tưởng chừng đơn giản, nhưng đôi khi là sự đánh đổi cả sinh mạng sống của người “lính” thủy công. Bởi rừng không phải lúc nào cũng mở rộng lòng nhân ái với mọi người. Sinh năm 1974 nhưng anh Nguyễn Khắc Vinh, đã có thâm niên trên 15 năm “vượt núi băng rừng”. Năm 2008, lúc ấy anh đi làm ở Nghệ An, phải đi bộ 8 cây số đường rừng mới có thể ra đến cửa khẩu Thanh Thủy (giáp nước bạn Lào) để bắt xe ôm về Thành phố Vinh. Một mình đi giữa khu rừng giáp biên giới, không có bóng dáng người dân sinh sống, sóng điện thoại chập chờn, cơn mưa rừng ập đến, ngày một to, cùng với tiếng sét đánh liên tục, phút giây yếu mềm, anh bất chợt thoáng nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi, anh lại nghĩ “chết thế này thì hơi đơn giản!”, thế là anh lại đội mưa đi hết quãng đường. Về Hà Nội, chưa kịp gạt bụi bặm, bất chợt, anh nhận điện thoại của bà xã “Anh ơi! em đã vào viện!”. Thì ra, khi anh đi công tác thì vợ ở nhà trở dạ. Anh vội vàng bắt xe ôm vào viện, đón con gái mà mừng rơi nước mắt. 
Cuộc sống đắp đổi qua ngày bằng những chuyến đi này đến những chuyến đi khác, khiến họ - những người con, người anh, người chồng, người cha của gia đình có những lúc phải đau đáu, dằn vặt về trách nhiệm của mình. Gặp tôi sau chuyến đi công tác, một người “lính” thủy công chào vội rồi quẩy quả quay xe đi đón con ở trường mầm non. Anh bảo, “công việc chẳng mấy khi ở nhà, thành ra lúc nào được ở bên gia đình đều cố gắng làm tất cả những gì có thể cho vợ con”. Nhắc về gia đình của mình, hầu như những người “lính” thủy công, ai cũng canh cánh một nỗi niềm, một sự thương yêu đến xót xa. Họ kể về những người vợ thay chồng nuôi con một mình, những đứa trẻ lớn lên đôi khi thiếu sự chăm sóc của người cha ở những giai đoạn quan trọng nhất, rồi lại đùa nhau tếu táo: có khi bố về con lại bảo “bác ơi bố cháu đi công tác rồi!!!”.
Dẫu biết rằng, nghề còn muôn vàn khó khăn nhưng khi tôi hỏi “nếu có nghề khác, các anh có thay đổi không?. Tất cả các anh đều lắc đầu “sao lại phải đổi?”. Nhìn ánh mắt và cái lắc đầu, tôi hiểu các anh yêu nghề không phải những hào quang lấp lánh mà bởi sự nhọc nhằn trong từng chuyến đi, nhọc nhằn của cuộc sống đồng bào. 
hình ảnh những người
Hình ảnh những người "lính" thuỷ công trong chuyến công tác khảo sát địa hình, để tìm vị trí đặt bể nước sạch lên khu Sìn Hồ (Lai Châu). Ảnh: gdtd.vn

Những chuyện chưa kể 

5h30 sáng, vội vã làm vệ sinh cá nhân buổi sáng, anh Nguyễn Khắc Vinh tất tả lên đường, trên lưng là chiếc ba lô lỉnh kỉnh đủ thứ, nào là cơm nắm, ít tép rang (đã chuẩn bị từ mấy hôm trước), 1 chai nước đun sôi để nguội, tập bản đồ, 1 cuốn sổ, vài cây bút bi và cái quan trọng nhất là 1 túi nilon đựng vài lọ dầu gió Trường sơn, gần chục lọ thuốc DEP (thứ thuốc bôi lên da để chống muỗi vắt). Vừa đi, anh Vinh vừa tranh thủ hỏi chuyện trưởng bản (người địa phương duy nhất trong đoàn biết tiếng kinh); “Thế ở nhà dùng nước đâu để tắm, giặt?”. Cả tuần tao mới tắm, nếu trời rét còn lâu hơn, cả nhà ai cũng thế thôi. Quần áo thì vài ngày vợ tao lại gùi lên trên suối để giặt nhưng đi về mất cả nửa ngày. Thế còn tắm? Ai lên đó thì tắm luôn, về nhà chỉ lấy khăn lau lại thôi, nước gùi về còn để nấu ăn chứ. Hai rồi ba tiếng đồng hồ, tôi nhìn đồng hồ đã 9h15 phút. Sau khi chui qua một đoạn rậm rạp mà hai thanh niên vừa phát quang, trước mắt chúng tôi là một khe nước nhỏ chảy ra từ khe núi.  Tôi hỏi trưởng bản: lấy nước cứ múc ở đây à? ừ, ban đầu còn trong, đến lúc nhiều người cùng lấy thì nó lại đục. Có hôm lên lấy nước lại bị con trâu nó xuống tắm đục ngàu cả lên, tao lại phải nằm ngủ một giấc chờ đến khi cái nước trong núi chảy ra đến trong mới dám lấy. “Tôi thấy nhiều nơi người ta mua đường ống dẫn nước về, sao ở đây không làm như vậy? Không có tiền mua ống nước đâu. Vậy ngoài chỗ này còn chỗ nào có nước chảy ra không? Cũng có mấy cái chỗ nước chảy thế này ở bên kia núi, nhưng bọn xấu nó chặt cây, phá hết cái rừng rồi nên cái nước nó không chịu ở nữa!.
Tôi lấy sổ sách ra ghi chép, vẽ sơ họa trong khi anh em trong đoàn đo đạc, lấy mẫu nước. Lúc sau, trưởng bản đến gần tôi bảo “Xong việc thì về thôi cán bộ, về nhanh không trời tối đấy”. Chúng tôi tranh thủ rửa chân tay, mặt mũi và vệ sinh để trở về. Vì ai cũng hiểu rằng về bản không có nước sạch. Đoàn người về đến nhà trưởng bản khi một vài nhà đã lên đèn. Chúng tôi dùng cơm xong đã gần 9h tối. Mọi người đều thấm mệt, tôi thay quần áo để đi nghỉ, trong lúc đó, cậu Thành trong đoàn vừa cởi chiếc sơ mi ra, trong ánh sáng lờ mờ của bếp lửa, tôi thấy có vệt gì đen đen, to bằng chừng đầu đũa ăn cơm ở trên lưng cậu ta, tôi liền bảo “Cái gì trên lưng mày kìa, hình như con vắt?” “Thành nhảy lên sợ hãi, đâu anh?”
Tôi và mấy anh em đến gần, đúng là một con vắt, nó đã nhảy lên người Thành và cắn no máu tươi khi nào không biết. Tôi lấy que gắp nó bỏ lên tờ giấy, thật đáng sợ. Anh em trong đoàn tất cả cởi bỏ hết quần áo đem hơ trên bếp lửa đề phòng những con vắt biết đâu vẫn bám trên quần áo rồi mới đi ngủ. Đêm đó, trời chuyển mưa giông lớn, tôi thao thức nghe tiếng mưa và nghĩ đến chặng đường về Thị xã. “Với tôi đó là một trong những chuyến đi làm công trình nước sạch vùng cao mà có lẽ cả cuộc đời tôi không bao giờ quên”, anh Vinh tâm sự.
Mặc dù chỉ có thói quen nhớ đến những kỉ niệm tốt đẹp, những gian nan vất vả về đến Hà Nội là anh quên ngay. Nhưng PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng không thể nào quên kỉ niệm của đời làm “Lính” Thủy công. Đó là,  năm 1997, khi còn là Phó giám đốc trung tâm Thủy công được giao chỉ đạo làm hồ treo ở Thượng Thôn và Hạ Thôn (Lục Khu, Cao Bằng). Lúc đó vùng Lục khu khát cháy, Tỉnh phải dùng xe chữa cháy chở nước lên cấp cho bà con. Đường lên Lục Khu lúc bấy giờ cực kì gian nan. Một ngày chỉ có một chuyến xe tải Zin 3 cầu xuất phát lúc 3 giờ sáng tại chợ Cao Bằng, đến Tổng Cọt lúc trời đã tối. Có thể không ai tin, trên xe lúc đó chở 80 người ???. 10 người trên cabin, 70 người đứng như xếp củi sau thùng. Tôi được xếp ngồi cabin nhưng cũng không thể chịu nổi vì chật chội, mỗi lúc lên xuống dốc lại dồn vào nhau.
Một buổi chiều mùa đông, lạnh thấu xương, tôi đến với anh em đang chỉ đạo thi công tại bể Hạ thôn. Lúc đó là 2 giờ chiều, chưa ai được ăn cơm. Gió lạnh quá, nghe tiếng ghi ta bập bùng tôi tìm đến thấy một cô giáo còn trẻ lắm đang ngồi trong lán. Cô vừa tốt nghiệp trung cấp sư phạm, người ở Hòa An (gần suối Lê Nin) lên đây đã được mấy tháng. Nhìn căn lán tạm bợ của cô giáo, 4 vách bưng bằng các tấm gỗ xẻ, khe hở lọt bàn tay, gió lùa vào càng khủng khiếp. Lần đấy, trước khi ra về tôi dặn anh em muốn làm gì cũng phải bưng kín vách cho lán cô giáo. Nghe đâu, sau đó cô giáo còn về tận Hà Nội để tặng cho một cậu cán bộ của tôi một chiếc khăn tay (?) để cám ơn.
Rồi tháng 3/2012, khi phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thủ đô làm chương trình Quà tặng biên cương, anh Nguyễn Quang Hòa, Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, giao cho chúng tôi nhiệm vụ tìm một địa điểm để trao tặng quà trong đợt đầu tiên của chương trình Quà tặng biên cương. Tiêu chí anh Hòa dặn, đó phải là vùng biên cương khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Lúc đó, trong đầu tôi nghĩ là phải làm cho bà con ở đây một công trình nước sạch bền vững lâu dài như công trình chúng tôi đã làm ở Sìn Hồ hoặc Chăn Nưa. Để tìm nguồn nước, chúng đã bị lạc trong rừng đến 3 giờ chiều chưa ra được đường cái đón xe. Đành phải tìm vào trường THCS Mù Sang cao kiếm cái gì ăn tạm. Tiếp chuyện chúng tôi là 2 cô giáo, tuổi chưa quá 20, một cô đang có bầu. Thế mà 2 cô đã mang ra tất cả thực phẩm dự trữ trong tủ để cho đoàn chúng tôi qua được bữa trưa hôm đó. Ra về chúng tôi xin thanh toán tiền ăn, nhất định các cô không nhận. Kỉ niệm đó đối với chúng tôi như một món nợ tinh thần.
Mỗi công việc đều có những hay và dở khác nhau, nhưng khi đã chọn một nghề, cho dù nó còn nhiều khó khăn vất vả, phương tiện kĩ thuật không phải lúc nào cũng hoàn hảo thì người ta vẫn có thể đi đến tận cùng niềm đam mê. Nghề Thủy công, khảo sát địa chất-địa hình cũng vậy, vất vả nhưng sẽ thỏa lòng cho những ai yêu thích khoa học và thích … đi đây đi đó.
Cao Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ