Tiết mục độc tấu đàn t’rưng của Y Thu tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số TP Buôn Ma Thuột mới đây, đã thực sự mê hoặc tôi.
Tìm đến nhà Y Thu ở buôn Ea Bông, trong ngôi nhà dài truyền thống, bố Y Thu đã dày công sưu tầm hàng trăm hiện vật đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên.
Ông còn là một nghệ nhân nổi tiếng về cồng chiêng và rất am hiểu về các nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên, đây chính môi trường đã tạo cho Y Thu có một niềm đam mê với âm nhạc dân tộc.
Chẳng thế mà lên 6 tuổi Y Thu đã có thể diễn tấu được 6 loại nhạc cụ; 7 tuổi được vào đội cồng chiêng của tỉnh đi biểu diễn ở tận Thủ đô…
Chẳng vậy mà ngôi nhà đã nhiều năm nay trở thành điểm đến của rất nhiều du khách muốn tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên, và Y Thu luôn là tâm điểm…
Thật bất ngờ khi biết mỗi tuần Y Thu chỉ dành khoảng 1 giờ để tập các nhạc cụ. Nhưng em bảo một giờ đó, tâm hồn của em chỉ dành trọn cho âm nhạc.
Dường như âm nhạc dân tộc đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong cơ thể, nên mỗi khi chạm vào nó là em quên đi tất cả mọi thứ xung quanh…
Y Thu kể: Do bố và anh không có nhiều thời gian nên em chỉ học được cái “nền”, còn lại là do em tự mày mò mà thành. Tất cả các loại nhạc cụ như: T’rưng, đing tút, đing năm, đinh buốt, ky pah… Y Thu đều chơi được.
Năm 2009, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Tô Vũ đã nhận xét khi nghe nghe Y Thu độc tấu nhạc phẩm “Mùa hái quả” bằng đàn t’rưng: “Phải có khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế, sự rèn luyện chuyên cần và hơn thế là tài năng thiên phú, Y Thu mới chơi hay đến vậy…”.