Nghe giọng nói bắt hình dong

Một nghiên cứu mới cho thấy khả năng phán đoán các đặc điểm về tuổi tác, chiều cao, cân nặng của một người lạ qua ảnh hoặc giọng nói là giống nhau.

Khả năng phán đoán đặc điểm người khác của con người dựa trên giọng nói cũng giống như dựa trên hình ảnh. Ảnh:Corbis
Khả năng phán đoán đặc điểm người khác của con người dựa trên giọng nói cũng giống như dựa trên hình ảnh. Ảnh:Corbis

"Các nghiên cứu trước đây có xu hướng xem xét các đánh giá qua khuôn mặt và giọng nói tách biệt nhau, còn chúng tôi thì muốn xem liệu hai cách đánh giá đó có giống nhau không" - Nhà nghiên cứu Harriet Smith (Đại học Nottingham Trent) cho biết.

"Chúng ta luôn phán đoán về người khác dựa vào hình dáng và giọng nói. Ví dụ như khi nói chuyện với một người lạ qua điện thoại, chúng ta sẽ tưởng tượng ra trông người đó sẽ thế nào. Chúng tôi muốn xem các tưởng tượng đó chính xác đến đâu".

Các nhà nghiên cứu đưa cho 47 người tham gia thí nghiệm xem ảnh của 18 người cùng với 18 đoạn ghi âm giọng nói, yêu cầu họ đưa ra các phán đoán về đặc điểm của những người này.

Người tham gia không được biết rằng các khuôn mặt và giọng nói của cùng một người. Mỗi khuôn mặt và giọng nói được chấm trên thang đánh giá từ 0 đến 7 trên một số tiêu chí.

Họ sẽ phải đưa ra các phán đoán về tuổi, tình trạng sức khỏe, chiều cao, tình trạng quá cân, độ nam tính hay nữ tính.

Khi khớp các kết quả, với 1 có nghĩa là khớp hoàn toàn và 0 tức là không có điểm chung, các nhà nghiên cứu thấy rằng các đánh giá về khuôn mặt nữ tính cũng được đánh giá là có giọng nữ, tương tự với nam, với kết quả là 0,94.

Phán đoán các đặc điểm về chiều cao và tình trạng sức khỏe, mức độ khớp cũng cao, lần lượt là 0,84 và 0,77. Trong đánh giá về tuổi, sai lệch khi xem ảnh và nghe giọng chỉ là 4 năm.

Ở một thí nghiệm khác cho thấy, con người có khả năng khớp khuôn mặt với giọng nói của một người lạ, độ chính xác là 60%.

Nhóm nghiên cứu của Smith cho rằng, khả năng kết nối khuôn mặt với giọng nói chính xác của con người có thể giúp ích nhiều cho cảnh sát.

Nếu ai đó chứng kiến một tội ác, nhưng không nhìn thấy khuôn mặt của tội phạm, người đó vẫn có thể cung cấp thông tin chỉ điểm dựa vào âm thanh nghe được. Nhóm cũng đang tìm hiểu xem liệu có thể có một ứng dụng pháp lý nào được cảnh sát sử dụng dựa trên lời khai của các "nhân chứng qua tai" không.

Về nguyên nhân của khả năng này, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể đó là kết quả của quá trình tiến hóa.

Nghiên cứu này được công bố trên số ra tháng 1 của tạp chí Tâm lý học tiến hóa. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng khi tương tác, con người thường xuyên nghe thấy giọng nói của một ai đó trong khi không nhìn mặt, chẳng hạn như nói chuyện điện thoại, hay trong các căn phòng khác nhau.

Họ cho rằng con người sẽ nhanh chóng chấp nhận hoặc từ chối một khuôn mặt phù hợp với một giọng nói, để chuyển sự chú ý đến đúng người vào đúng thời điểm.

Smith nói thêm: "Các kết quả đánh giá cho thấy rằng khuôn mặt và giọng nói là "tín hiệu sao lưu" cho đặc điểm về thể lực và các phẩm chất, có thể ảnh hưởng cả đến sự lựa chọn bạn đời".

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.