Nghề giáo thật đặc biệt!

Nghề giáo thật đặc biệt!

(GD&TĐ)-Tâm tư của một cô giáo trẻ trong ngày nhà giáo, có chút băn khoăn, trăn trở, chút suy tư, nhưng trên hết vẫn là niềm tự hào về nghề, về tình cảm thầy trò “tự thân nó đã là tốt đẹp và mãi là như thế!”:

“Những ngày này, người ta cũng lo nhiều việc. Tháng gần cuối năm, người lo hoàn tất các thủ tục hồ sơ chờ thanh tra, kiểm tra; người mải miết kiếm tìm cơ hội cho năm mới; lại cũng chẳng ít người miên man nghĩ chuyện xa xưa, chuyện mai sau. Chỉ có một điều rất chắc, ấy là dịp này ai ai cũng nghĩ về nghề giáo về những người thầy giáo, cô giáo của mình của mọi người, cho dù điều đó có thể thoáng qua trong đầu. Ấy nghĩa là nghề giáo thật đặc biệt.

Tôi đến với Sư phạm, trở thành giáo viên là một cơ duyên. Mang theo tâm trạng có chút tò mò, có chút băn khoăn, có chút “phục tùng” - nhưng tuyệt đối không hồi hộp – tôi bước chân vào giảng đường sư phạm. Bốn năm đại học, hai năm cao học trôi qua nhanh đến nỗi, nhiều khi ngoảnh lại vẫn tự hỏi mình và hỏi bạn bè thân “chúng mình đã làm được gì ấy nhỉ?” và lại cười trừ cho qua, lắc đầu rất nhẹ “hóa ra cũng không làm được gì nhiều!”. Giờ bạn cũ gặp nhau, câu chuyện bao giờ cũng mở đầu bằng những chuyện tưởng như xa xưa lắm: “này, cậu còn nhớ thầy dạy ….. không? Hôm trước gặp thầy ở ngoài đường, thấy vẫn chẳng thay đổi mấy”, “cô dạy Thể dục mình ngày xưa, cô dạy bóng chuyền ấy, mới lấy chồng nhé. “Thầy dạy Triết bây giờ vẫn phong độ lắm, và giọng nói vẫn truyền cảm như xưa. Nhớ ngày xưa tớ nghỉ học một hôm mà thầy gọi điện khắp nơi hỏi xem tớ đi đâu, làm gì mà không thấy đến lớp”...

Khi ấy, chợt nhận ra rằng dường như thời gian trôi qua nhanh hay chậm là thế, dù ra trường bao năm đã khác xưa là thế thì cái đọng lại trong lòng mỗi người vẫn là biết bao kỉ niệm về thầy cô, trường lớp, bạn bè. Chúng tôi vẫn gọi đùa đó là những kỉ niệm “êm đềm” dù lắm lúc, cái sự êm đềm cũng thật dữ dội. Mỗi lần gặp nhau, vẫn chừng ấy câu chuyện mà chẳng bao giờ thấy cũ. Dường như mỗi thầy cô chèo đò, hết chuyến này đến chuyến khác, đều để lại trong lòng khách sang sông những câu chuyện, những tấm lòng mà đám học trò dù lớn bao nhiêu vẫn nhớ, vẫn nhắc như thứ dư vị ngọt ngào nhất có thể có của một thời.

Tôi đã là cô giáo!

Tôi đứng trên bục giảng nơi ngày xưa tôi từng nhìn lên. Tôi đứng trong giảng đường nơi bốn năm – lâu rồi – vẫn qua lại. Chỉ có điều giờ tôi ở đây với một tư thế khác, tâm thế khác. Ngày xưa tò mò, băn khoăn, phục tùng nhưng tuyệt đối không hồi hộp. Hiện tại tuyệt đối không tò mò, băn khoăn, phục tùng nhưng lại vô cùng hồi hộp. Mỗi lần đón sinh viên mới, tiếp nhận một lớp học mới, tôi hồi hộp vì chẳng rõ mình sẽ gặp những bạn trẻ thế nào? Họ cần gì, muốn gì? Họ mang những tâm tư gì vào lớp học? Mục tiêu họ muốn đạt tới là gì?... Chừng ấy câu hỏi làm tôi – một cô giáo – phải trăn trở về những gì sẽ làm.

Thời gian gần đây thấy người ta nói về giáo dục nhiều quá, nói về nghề giáo nhiều quá. Nói hay thì mình thấy vui mừng mà những lời nói không hay thì mình thấy ấm ức. Người ta nói nghề giáo nghèo lắm, lương tháng chẳng đủ để nuôi thân sao dám nghĩ đến ai. Nhỡ có ốm đau bệnh tật thì biết làm thế nào. Mà giờ ra đường có gặp công an hỏi “xe có chính chủ không”, không khéo sẽ lại hết một tháng lương. Ngẫm cho cùng thì sự đúng sai cũng chỉ là tương đối, có chăng là do cách nhìn.

Mình nhìn nghề giáo thế nào nhỉ? Ừ thì lương thấp đấy, ừ thì có chỗ nọ, chỗ kia xin việc khó khăn đấy, vậy nghề giáo có gì? Nghề giáo có niềm vui, cái niềm vui nghe thật lạ lùng nhưng quả thật sẽ chẳng có niềm vui nào có thể vui hơn thế. Đó là vui về sự khôn lớn, về sự trưởng thành của những thế hệ học trò của mình… vui vì người khác vui. Nghề giáo có “của để dành” - cái “của” mà nhiều khi chính các thầy cô cũng không hay biết và cũng chẳng phải các thầy cô làm mọi thứ vì học trò để có cái “của” ấy. Đó chính là tình cảm thiêng liêng mà một năm, mười năm, hai mươi năm, thậm chí hơn thế, người ta vẫn giữ cho nhau giữa xã hội xô bồ .

“Hôm nay báo viết về gương một anh công an dũng cảm bắt cướp, ti vi nói về một vị bác sĩ tài ba, nhà doanh nghiệp xuất xắc, cô giáo viên trẻ sẵn sàng xung phong lên vùng cao gieo cái chữ…”... Ừ, học trò mình đấy, hỏi có vui được hay không? “Anh ơi! Vá hộ em cái xăm….!”, “Xong rồi đây em…em là con của thầy…?”, “dạ vâng”, “anh ơi bao nhiêu tiền ạ?”, “không phải tiền em ạ….cho anh gửi lời hỏi thăm thầy…”; (Chuông điện thoại reo!), “Em chào cô, em là…nghịch nhất lớp... đây cô… Chúng em có lỗi với cô quá, ra trường bao lâu mà chẳng hỏi thăm cô được mấy….nghe cô ốm….cả lớp đã họp…ngày mai sẽ có xe đón cô tận nhà đưa cô đi viện, mọi chi phí phẫu thuật đã được đài thọ cô ạ….em chào cô, mai chúng em đến ạ….”. Đó là những câu chuyện có thật của tôi, của gia đình bạn bè tôi, và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện như thế trên đất nước này. Nghề giáo đấy! Ai biết thế nào là “giàu”?

Người ta nói tình cảm thầy trò giờ khác xưa nhiều lắm…! Mọi thứ chẳng được như xưa…, nghe vẳng xa những từ “lạnh lùng”, “vô cảm”, “thực dụng”. Nhớ lại những ngày xưa, 20/11 thật đúng là một ngày hội, cả lớp 50 người, đi bộ, đạp xe đủ kiểu rồng rắn đến nhà thầy cô chỉ đơn giản là được trò truyện nhân ngày ý nghĩa đó. Món quà chỉ là những bông hoa đồng nội, cái bút, quyển sổ hay chút quà quê, ngẫm thấy thật vui.

Giờ thì sao nhỉ? Chẳng lẽ người ta nói đúng?! Chỉ cần nhìn hơi khắt khe một chút, sẽ thấy học sinh bây giờ tự do hơn trong cả phát ngôn và hành động. Cũng qua rồi cái thời học sinh và thầy cô là quan hệ kiểu “kính nhi viễn chi” - chỉ dám ngưỡng vọng từ xa chứ chẳng mấy khi dám lại gần. Học sinh lại đưa nhiều yếu tố xã hội đương đại vào môi trường sư phạm làm người ta băn khoăn liệu như thế có mô phạm hay không? Ngẫm cho cùng thì sự đúng sai cũng chỉ là tương đối, có chăng là do cách nhìn. Nhìn sâu thêm, rộng thêm một chút thôi, sẽ có ít nhiều điều “biện minh”, “cứu cánh”.

Học sinh giờ năng động lắm! Nhiều em chủ động tìm thầy để học hỏi, xin chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều em xông xáo ra ngoài môi trường sư phạm, rèn luyện các kĩ năng thực tế mà Nhà trường chưa trang bị hết cho các em. Nhiều em hăng hái, say mê kiếm tìm cái mới – từ cái mới trong học thuật đến cái mới trong hoạt động phong trào... Các em thôi “kính nhi viễn chi” để đến gần hơn với thầy cô giáo,  mạnh dạn chia sẻ với thầy cô tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và cả những rắc rối thường nhật. Xét ra, chia sẻ bao giờ cũng là nhu cầu bản năng của mọi con người. Và học trò vẫn tìm đến thầy cô đấy chứ! 20/11giờ không còn nhiều cảnh “rồng rắn” nữa có thể ít hoa hơn nhưng thay vào đó là những bông hoa đẹp trên thiếp điện tử, những lời chúc qua email, qua tin nhắn, qua facebook, những comment của các em vẫn đầy tình cảm. Thời đại bây giờ là thế mà, ta phải làm quen theo những cách tiếp cận mới. Chứ thực ra tình cảm thầy trò, tự thân nó đã là tốt đẹp và mãi là như thế.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay là một ngày khá đặc biệt trong quan niệm của nhiều người: tròn 30 năm kể từ Lễ kỉ niệm đầu tiên. 30 năm không nhiều nhưng đủ dài để xã hội biết tôn vinh những hi sinh, nỗ lực của mọi thế hệ giáo viên; để các thế hệ trẻ hiểu dù xã hội biến đổi ra sao, vẫn luôn luôn có một ngày mà tất cả chúng ta đều hướng lòng tri ân tới các thầy cô giáo.

Năm nay, chẳng rõ, vào đúng ngày kỉ niệm, trời có trở gió nữa hay không? Nhiều người bảo tự nhiên họ thấy nao lòng – nao lòng tiếc nuối về một thời học trò đã qua, nao lòng khi nghĩ đến những người đã từng yêu thương, truyền thụ tri thức và bài học cuộc sống cho mình ở trường cũ, nao lòng nhớ những người chèo đò thầm lặng, nao lòng cả khi nghĩ tới tương lai – ngay cả tương lai gần thôi, rằng có hẹn nhau đến thăm thầy cô giáo cũ được không... Nao lòng thường làm người ta buồn, buồn man mác. Nhưng rồi cảm xúc ấy cũng qua nhanh như một đêm trở gió. Rồi vào những ngày đặc biệt như thế này, ít nhiều người ta đã lắng lại để nhớ, tri ân và thì thầm lời biết ơn sâu sắc nhất tới thầy cô của mình...          

Quang Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ