(GD&TĐ) - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông ở Nghệ An được tiến hành trong hai ngày 23, 24/6 với ba môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Gọi và kiểm tra trước khi thí sinh vào phòng thi |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, kỳ thi này có 36.481 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đăng ký dự thi tại 68 hội đồng coi thi với 1.531 phòng thi. Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động 5.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ coi thi, bảo vệ và phục vụ thi.
Để đảm bảo kỳ thi thực sự nghiêm túc, Sở GD&ĐT Nghệ An đã giao Chủ tịch các Hội đồng coi thi thông báo tới thí sinh tất cả các những nội dung của quy định thi có liên quan đến các em; thực hiện bố trí giám thị theo nguyên tắc: không bố trí giám thị buổi có môn thi trùng với môn được đào tạo; phân công giám thị phòng thi theo hình thức bắt thăm nhưng phải bảo đảm giám thị không coi thi quá một môn đối với mỗi phòng thi, hai giám thị không cùng coi thi quá một lần; đồng thời giao Trưởng đoàn thanh tra coi thi giám sát việc bố trí giám thị, quá trình bắt thăm, phân công giám thi phòng thi.
Có mặt tại Hội đồng coi thi Trường THPT Thanh Chương I vào lúc 6.30 ngày 23/6, mặc dù trời mưa to, nhưng rất đông cha mẹ thí sinh đã đội mưa chở con đến trường thi và đang đội mưa chờ con trước cổng.
Thí sinh nhận xét tình trạng của bì đề thi sau khi được giám thị cho phép trực tiếp kiểm tra |
Theo đánh giá của các đoàn thanh tra lưu động và qua nhận xét của chính các thí sinh, có thể khẳng định: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2013 của Nghệ An đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, mặc dù thời tiết trong ngày thi đầu tiên không hề ủng hộ (mưa to và rất to kéo dài suốt cả ngày 23/6 trên địa bàn toàn tỉnh).
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Người phát ngôn của Sở GD&ĐT Nghệ An - cho biết: Theo báo cáo nhanh của 68 HĐCT, tình hình cả ba buổi thi đều diễn ra nghiêm túc, không có một sự cố đáng tiếc nào xẩy ra (kể cả việc đi lại của thí sinh và người nhà thí sinh). Tổng cộng có 154 em không đến dự thi; 6 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi; 1 giám thị bị đình chỉ coi thi do mang theo điện thoại khi làm nhiệm vụ trong khu vực thi.
Về đề thi của hai môn Toán và Ngoại ngữ không có điều gì đặc biệt, nhưng đề thi môn Ngữ văn được dư luận đặc biệt chú ý bởi vấn đề nóng “chủ quyền biển đảo” đã được đưa vào đề thi.
Theo cô giáo Lê Thị Việt Hà (Trường THPT Lê Viết Thuật - Vinh): Đề thi môn Ngữ văn khá hay. Cơ cấu đề thi cân đối giữa văn thơ và tiếng Việt, giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội; bao quát được chương trình đã học.
Riêng câu về nghị luận xã hội: "Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào” (Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá, Văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2011, trang 140). Từ hai câu thơ trên, em hãy viết đoạn văn (hoặc bài văn ngắn) với nội dung: biển như lòng mẹ”) rất thời sự nhưng không hề gượng ép, khô khan; ngược lại, rất mềm và đầy chất văn.
Thí sinh trong phòng thi |
Được biết, theo kế hoạch, năm nay Nghệ An sẽ tuyển 35.321 học sinh vào học lớp 10, trong đó có 385 em vào học ở 11 lớp 10 của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu; 28.526 em vào học ở 751 lớp 10 của 68 trường THPT công lập; 4.470 em vào học ở 103 lớp 10 của 22 trường THPT ngoài công lập và 1.940 em vào học ở 47 lớp 10 hệ bổ túc THPT của 20 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Nếu vậy, năm nay đã có khoảng 12.000 em (tương đương 24,75% số học sinh tốt nghiệp THCS) không đăng ký dự thi vào lớp 10 - nghĩa là không đăng ký dự tuyển vào học lớp 10 THPT và cả lớp 10 bổ túc THPT. Đây là điều rất đáng quan tâm qua các con số thống kê của kỳ thi này.
Kết thúc năm học 2011 - 2012, Nghệ An có 46.104 em được công nhận tốt nghiệp THCS, trong đó 40.392 em đăng ký dự thi vào lớp 10 và đã có 34.462 em được tuyển vào lớp 10 THPT, 1.625 em được tuyển vào lớp 10 bổ túc THPT; còn lại 10.017 em (21,73%) không tiếp tục học lên cho hết THPT, nhưng chỉ có 17 em rẽ sang hướng học nghề - vào học trung cấp chuyên nghiệp.
Nếu tình hình này cứ tiếp diễn thì việc phổ cập trung học cũng như việc phân luồng học sinh sau THCS của Nghệ An đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Song để ngăn chặn tình hình nói trên, một mình ngành GD&ĐT không thể xoay xở được mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của các ngành có liên quan.
Minh Đức