Học sinh nói vẫn nhớ chữ là mừng
Cô Lầu Y Hua dạy lớp 1 tại điểm bản Phà Lõm, Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. Khi thực hiện cách ly xã hội, việc ôn tập, kiểm tra học sinh thực hiện qua các hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, cô Y Hua chia sẻ việc dạy học này rất hạn chế, khó khăn đối với học sinh vùng cao, đặc biệt là độ tuổi lớp 1. Các cháu còn quá nhỏ để biết sử dụng các ứng dụng trên điện thoại. Trong khi không phải bố mẹ nào cũng có điện thoại vào được mạng Internet.
“Nói thật là lo lắm, chỉ sợ học sinh quên hết chữ. Cô tìm nhiều cách để liên lạc với học sinh như gọi video qua Facebook, Zalo và gọi điện thoại, rồi nói các em đọc chính tả, làm toán cho cô nghe. Chỉ cần thấy em nào nói, đọc được tiếng Việt là mừng rồi, vì ở nhà các em đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ”, cô Y Hua nói.
Tại huyện Quỳ Hợp, nhiều trường đã tổ chức dạy học trực tuyến chương chính khóa cho học sinh. Qua quá trình triển khai, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: Khi dạy học trực tuyến Phòng đã hướng dẫn cụ thể các trường phân công tổ chuyên môn xây dựng bài giảng, tổ chức dạy học trực tuyến chung cho từng khối và linh hoạt thời gian để phù hợp cho từng học sinh.
Nhưng để triển khai theo diện rộng rất khó. Chỉ có khoảng 40% học sinh trên địa bàn huyện có đủ điều kiện để học trực tuyến. Còn lại, chủ yếu vẫn phải sử dụng hình thức đến từng nhà giao bài cho học sinh. Riêng với học sinh tiểu học, nếu triển khai tôi nghĩ chỉ dạy được từ lớp 3 – lớp 5, còn lớp 1, 2 thì khó khả thi.
Dạy học theo giờ đi rẫy về của phụ huynh
Với bậc THCS, việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi hơn nhưng tỷ lệ học sinh tham gia vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Thầy Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng Trường THCS Lục Dạ (huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết: Toàn trường có hơn 420 học sinh nhưng chỉ có khoảng 100 em tham gia học trực tuyến qua phầm mềm LMS của hệ thống E-learning.
Khó khăn trước hết là hoàn cảnh của đa số học sinh còn thiếu thốn, nhiều gia đình không có điện thoại thông minh, kết nối Internet ở trong bản yếu, chậm, khó theo dõi bài giảng của thầy cô. Vì vậy, nhà trường triển khai thời khóa biểu và giáo viên lập phòng học trực tuyến cho từng khối thay vì từng lớp.
Đặc biệt, các lớp học trực tuyến của Trường THCS Lục Dạ chủ yếu được bắt vào buổi tối. “Vì lúc này bố mẹ học sinh mới đi rẫy về, các em mới mượn được điện thoại để vào mạng Internet. Vì vậy, các thầy cô cũng phải đổi lịch dạy – học theo để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình học sinh”, thầy Nguyễn Văn Hào nói.
Hiện các lớp học trực tuyến có sự tương tác mạnh ở khối 8 và 9. Trong đó có những lớp Ngữ văn khối 9 của cô Nguyễn Thị Thúy có 35 em, lớp Vật Lý 9 của thầy Nguyễn Văn Tấn có 20 – 25 em, lớp Địa lý 8 của thầy Hồ Lâm có gần 20 em tham gia. Có hôm mất điện, học sinh vẫn nhắn tin hỏi thầy cô có học bài hay không. Còn khối 6 và 7 rất ít, chỉ có khoảng 10 em mỗi phòng học trực tuyến.
Với những học sinh ở bản xa, không vào được phòng học trực tuyến, nhà trường duy trì việc giao bài, đề cương ôn tập qua tin nhắn Facebook, Zalo hoặc gửi đến từng thôn bản. UBND huyện Con Cuông cũng ra chỉ thị 04 yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai tiếng kẻng, tiếng trống học bài, có đoàn thanh niên đôn đốc, kiểm tra việc ôn tập, tự học của học sinh.
Sẽ triển khai dạy học trực tuyến lâu dài
Trường THPT Kỳ Sơn (Nghệ An) có hơn 1.300 học sinh, hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Các em ở rác rác nhiều xã bản vùng sâu, vùng xa, biên giới… nơi chưa có điện, sóng điện thoại chập chờn. Để học sinh tham gia các phòng học trực tuyến, nhà trường đã lên lịch và thông báo thời khóa biểu trước 1 tuần. Đồng thời giao giáo viên chủ nhiệm, cán sự lớp thông tin cho các bạn học sinh trong lớp biết và chuẩn bị.
Thầy Trần Thanh Vân - Phó hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn, đồng thời đang phụ trách môn Toán 12. Lớp học trực tuyến của thầy khá đông học sinh tham gia với trên 30 em/tiết. “Lớp cuối cấp, các em chuẩn bị thi THPT quốc gia nên đều có ý thức lo lắng học tập. Có em nhà ở xã biên giới Mỹ Lý, trong bản không có điện, ko sóng điện thoại, em nhờ chị chở ra UBND xã để có sóng ngồi học trực tuyến. Một số em không có điện thoại thì đến nhà bạn để ngồi học cùng”, thầy Vân kể.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn cũng cho biết thêm, trong thời gian học sinh nghỉ học, giáo viên sinh hoạt chuyên môn bình thường và phân tích cấu trúc đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020.
“Ban giám hiệu cũng đã giao giáo viên xây dựng ma trận đề thi để đẩy lên hệ thống LMS cho học sinh tải về ôn tập. Cái được của dạy học trực tuyến không chỉ cho học sinh mà còn nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng CNTT vào dạy học của giáo viên.
Sau này, khi học sinh đi học trở lại, chúng tôi vẫn sẽ duy trì hình thức dạy học trực tuyến. Đặc biệt là triển khai thi thử, chấm thi THPT quốc gia thử cho học sinh trên hệ thống trực tuyến để các em làm quen, chuẩn bị cho thi thật”, thầy Trần Thanh Vân cho biết.