Mắc bệnh tim, bỏ ăn cơm để ăn quả chua
“Năm 2001, sức khỏe tôi đột ngột giảm sút, có những khi đang đứng bỗng ngất xỉu. Đi khám thì bác sỹ bảo bị bệnh tim. Các bác sỹ cũng ngạc nhiên bởi bệnh tình như thế mà tôi vẫn có thể sinh được 2 đứa con. Hồi đó cháu thứ 2 mới được 5 tuổi. Cũng từ đó, tôi sợ không dám ăn cơm và thức ăn nữa vì ăn vào tức ngực, khó thở”, chị Phan Thị Thanh (SN 1975, trú xóm Bói Lợi, xã Nam Cát, Nam Đàn, Nghệ An) cho biết.
Đó là thời điểm hết sức khó khăn của chị Thanh, bệnh tật khiến chị không ăn uống được, nằm liệt giường. Gia đình thậm chí đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. “Không ăn được cơm nhưng miệng tôi lúc nào cũng cảm thấy thèm ăn thứ gì đó chua chua. Khế, ổi, táo… tôi ăn hết. Dần dần tôi quên hẳn vị của cơm. Không ăn cơm nên cũng không ăn thịt, cá gì cả”, chị Thanh kể lại.
Từ đó đến giờ, đã 15 năm trôi qua, người phụ nữ này trở nên nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới vì thực đơn ăn uống hàng ngày kỳ lạ của mình.
Ông Phan Văn Yên - bố chồng chị Thanh - cho biết: Ban đầu gia đình rất lo lắng cho khẩu vị có phần kỳ lạ này của con dâu. Trước kia, nó ăn uống không khác gì mọi người cả. Tuy nhiên, 15 năm qua, con dâu tôi vẫn sống chung ổn định với bệnh tim dù hầu như không ăn cơm hay thức ăn. Thế nên gia đình cũng yên tâm phần nào.
Ông Yên còn khoe: “15 năm nay nó không ăn cơm nhưng đến bữa cơm nước chu toàn cho bố mẹ chồng lắm. Nhà có giỗ chạp một tay nó nấu cả đấy. Không ăn cơm, không ăn cả thức ăn, không bao giờ nêm nếm nhưng nấu nướng luôn vừa miệng cả nhà”.
Tuy ngoài việc ăn uống không giống ai, thì mọi sinh hoạt khác của chị không ảnh hưởng gì nhiều. Dù không làm được việc nặng nhọc nữa, nhưng trong gia đình, chị vẫn lo lắng nội trợ chu toàn. Khi chúng tôi đến, chị Thanh đang đổ thóc giống ra ngâm, chuẩn bị cho vụ mùa mới trước khi nhóm bếp nấu cơm cho gia đình. Chồng chị Thanh làm nghề thợ xây, đi vắng cả ngày. Còn 2 cậu con trai đã lớn, con trai đầu đang đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, còn đứa sau thì đang học trường CĐ Công nghệ Việt Hàn )TP Vinh).
Bà Phan Thị Mỹ (SN 1929) – mẹ chồng chị Thanh không tiếc lời khen cô con dâu có phần đặc biệt của mình. “Mẹ Thanh ốm đau bệnh tật nhưng hiếu thảo lắm, không chê được điều gì. Không phải từ khi bị bệnh mà từ khi về làm dâu, chưa bao giờ nghe mẹ Thanh nặng nhẹ một câu, lo cơm nước, sắm sanh quần áo mới cho bố mẹ chồng chu đáo lắm”- nói rồi bà chỉ vào chiếc áo mới con dâu sắm cho.
Được cả xóm để phần “thức ăn”
Mang trọng bệnh, lại không ăn cơm nên cả nhà rất lo lắng, động viên chị cố gắng ăn một chút cơm, cháo để có sức uống thuốc, chống chọi với bệnh tật. Nhưng lâu dần, thấy sức khỏe của chị Thanh cũng có vẻ ổn định, mọi người đành để chị làm theo ý thích của mình. Có thời điểm, như ông Yên nói, con dâu ông mỗi ngày ăn hết… cả yến khế.
Lúc đầu, chị còn có cảm giác với vị ngọt, lâu dần chỉ có những thứ hoa quả có vị chua mới khiến miệng chị “đã” thèm. Những quả có vị ngọt như cam ngọt, quýt ngọt, chuối, táo tàu dần dần bị loại ra khỏi thực đơn của chị Thanh. Bữa ăn hàng ngày của chị chỉ quanh quẩn với các loại không quá chua cũng không quá ngọt như khế ngọt, táo, cam…
Biết bệnh tình của chị, lúc đầu dân làng tò mò, lạ lẫm, sau rồi thì thương. Thế là nhà ai có quả gì “hợp khẩu vị” với chị Thanh đều để dành phần đem sang cho. Bố mẹ chồng hay chồng chị Thanh đi chơi đâu cũng không quên mang mấy quả ổi, quả khế... về.
“Không biết có phải ăn quá nhiều đồ chua hay không mà vừa rồi tôi đi khám, bác sỹ bảo dạ dày cũng có vấn đề nặng rồi. Tôi cũng cố gắng ăn cơm, xôi, thìa cháo, bánh quy hay mì tôm sống nhưng cố lắm chỉ được vài miếng là cảm giác đau tức, khó thở. Bác sỹ bảo, phải cố gắng ăn để uống thuốc, không ăn được thì uống sữa. Từ tháng 10 năm ngoái tôi bắt đầu uống sữa nhưng quả chua thì không bỏ được.
Mùa này có táo, mỗi ngày tôi phải ăn hết 2 cân, cứ lúc nào thèm thì ăn, có khi cả ngày ăn hết cả rổ. Tôi cũng không biết vì sao mình có sở thích kỳ lạ này nhưng ăn vào thấy dễ chịu, không khó thở thì cứ ăn vậy thôi”, chị Thanh cho biết.
Hằng ngày, chị đều dậy sớm cơm nước, quét dọn nhà cửa. Nhưng bệnh tim không chữa được, nhiều khi vẫn hành hạ chị, gây choáng váng. Chị cũng không dám đi đâu ra ngoài, chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn.
Nói về trường hợp đặc biệt của chị Thanh, bà Nguyễn Thị Hoài – cán bộ Trạm Y tế xã Nam Cát - cho hay: “Tôi có nghe chuyện chị Thanh không ăn cơm trong một thời gian dài. Mắc bệnh tim nên thỉnh thoảng chị Thanh vẫn lên Trạm xin giấy chuyển viện hay tiêm chuyền.
Xét về y học thì với thể trạng của người bệnh tim nặng như chị Thanh, việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nếu đúng là không ăn uống đầy đủ cả về chất và lượng như thông tin gia đình cung cấp suốt 15 năm qua như vậy thì rất lạ”.