Qua hôm sau, mới tờ mờ sáng mạ đã loay hoay đưa kiệu ra rổ, xả vài gáo nước rồi bê rổ kiệu ra ngồi trước thềm nhà lột vỏ. Tôi cũng sà vào lột phụ nhưng chỉ "ngía" vài củ là chịu thua vì mùi hăng của kiệu xông lên mũi, lên mắt làm tôi chảy dãi nước mắt.
Nhưng mạ vẫn tiếp tục ngồi lột vỏ đến hai sàng kiệu mà chẳng hề gì. Bóc vỏ xong mớ kiệu, mạ đem tất cả ngâm với nước muối một đêm rồi đem ra ngâm nước mắm ngọt sau đó quẩy đôi triêng gióng sang chợ Đông Ba để bán dưa kiệu.
Bây giờ lớn lên, anh em mỗi đứa mỗi nghề, vậy mà khi nào gặp nhau trong bữa cơm chiều 30 Tất Niên mạ đều “lấy chuyện xưa để nhắc lại chuyện nay”:
“Tụi bây đến được giảng đường, có cái chữ như hôm nay cũng nhờ đôi triêng gióng của tau hàng trăm lần ra vào làng La Chữ để buôn kiệu bán ngày Tết đó”…
Ngoài truyền thống hiếu học nổi tiếng, làng La Chữ (thuộc xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), còn vang danh gần xa với món củ kiệu. Tiếc thay ngày nay cây kiệu từng là món ăn đặc biệt mỗi dịp Tết ở vùng quê này.
Từng nổi tiếng vùng đất trồng kiệu để tiến vua mỗi dịp Tết đến xuân về. Thế mà ngày nay nghề trồng củ kiệu chỉ còn lại hơn 20 hộ, bà Nguyễn Thị Chọn (65 tuổi, nông dân làng La Chữ) một người có thâm niên làm dưa củ kiệu nổi tiếng ở La Chữ khi nói về nghề của làng cũng phải ngao ngán, lắc đầu tiếc rẻ: “Nghề trồng kiệu ở đây không rõ đã bao nhiêu năm, nhưng như tui đã là đời thứ 3 trồng kiệu. Xưa kia, nông dân làng La Chữ trồng kiệu là chính. Nhưng hiện nay, trong số 10 người chuyên trồng kiệu theo kiểu “cha truyền con nối”, chỉ còn vài ba người.
Thay vào đó, nông dân chuyển sang trồng các loại rau màu như cải, hành, ngò…Bà Chọn là một trong những người hiếm hoi của làng La Chữ còn chuyên canh cây kiệu. Bà có năm luống đất, mỗi luống dài chừng 20m và chỉ trồng mỗi cây kiệu.
Bà Nguyễn Thị Hoa 50 tuổi, một nông dân khác làng La Chữ cho hay: Vào những ngày giáp Tết nguyên đán kiệu bán rất được giá. Tư thương luôn chờ sẵn trên đồng. Cận tết giá kiệu được tư thương mua 15- 20 ngàn đồng/kg nhưng không có kiệu để bán.
Theo bà Hoa, sở dĩ nông dân như bà chẳng mặn mà với cây kiệu bởi trồng kiệu phải mất 3 đến 4 tháng mới thu hoạch trong khi trồng các loại rau màu như cải, ngò, hành… thì chỉ mất khoảng một tháng.
Ngoài ra, trên một vùng đất dài tầm 40m, nếu trồng các loại rau màu khác cho thu hoạch 600 - 700 ngàn đồng; trồng kiệu thời gian dài hơn nhưng cũng chỉ thu nhập ngần ấy, thậm chí ít hơn.
Khi đem vấn đề này hỏi chủ nhiệm HTX nông nghiệp La Chữ, ông Lê Đình Thắm cũng lắc đầu buồn bã: “Lãnh đạo huyện, xã cũng từng đến động viên chúng tôi làm sao để khuyến khích bà con giữ nghề. Hiện cả làng còn chưa tới 30 hộ trồng kiệu, diện tích trồng chưa tới 1 ha.
Nếu mà về lâu về dài người nông dân quê tôi không còn trồng kiệu nữa nghĩ cũng xót lòng nhưng biết làm răng được, bây giờ bà con nông dân họ không còn mặn mà với giống cây đặc sản quê hương như ngày trước vì thu nhập không cao, trong lúc đó thời gian trồng cây kiệu thường dài ngày hơn so với các loại hoa màu khác…”.
Cũng theo ông Thắm, do đặc tính vùng đất nên cây kiệu La Chữ có hương vị riêng. Củ kiệu nồng, thơm, dòn hơn kiệu các vùng miền khác trong nước.
Vì vậy những ngày giáp Tết kiệu La Chữ “đúng hiệu” mua rất khó khăn, bởi lẽ từ ngày 26 Tết các lái buôn đã đến vùng trồng kiệu đặt mua hết các sào ruộng chuyên trồng kiệu trong xã đem vào các tỉnh phía Nam để bán, lấy danh nghĩa là kiệu Huế.
Người trong làng hay dân Huế muốn mua dưa kiệu La Chữ chính hiệu để ăn trong kịp Tết phải vào tận chợ La Chữ để săn tìm.