Ngày mới ở Phong Điền

GD&TĐ - Những con đường dẫn vào trung tâm huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) những ngày này rực rỡ sắc màu với sự xuất hiện của rất nhiều cờ đỏ sao vàng, nhiều băng rôn, áp phích, cờ phướn, những hàng rào xinh xắn đứng cạnh bên những cột cờ thẳng tắp. 

Ngày mới ở Phong Điền

Tất cả nhằm chào đón sự kiện quan trọng mà đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu từ năm 2011 đến nay để hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của TP Cần Thơ, đồng thời là đơn vị thứ 2 của đồng bằng sông Cửu Long đạt tiêu chuẩn này (sau thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang).

Niềm vui không của riêng ai

Vừa treo xong lá cờ Tổ quốc lên cổng nhà, ông Lê Văn Khởi - ngụ tại ấp Mỹ Phụng, xã Mỹ Khánh - phấn khởi nói: “Người dân chúng tôi tự hào và vui mừng lắm, vì quê hương mình thực sự đổi mới, sáng, xanh, sạch, đẹp, văn hóa, văn minh. Mấy bữa nay xóm vui như mở hội... Nói thật, trước đây nghe tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, biết thế thôi, rồi không ngờ làm thật, làm quyết liệt. Đường mở to đẹp, trường học, trạm y tế, điện thắp sáng, mương cấp thoát nước phục vụ nông nghiệp. Té ra cái nông thôn mới thiết thực quá, như thế làm gì mà bà con chẳng ủng hộ, chẳng vui khi nhìn thấy kết quả ngày hôm nay”.

Có được niềm vui lớn như vậy, đầu tiên phải kể đến công tác tuyên truyền vận động về ý nghĩa, tầm quan trọng, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân khi địa phương được công nhận nông thôn mới. Toàn bộ hệ thống chính trị bao gồm các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến thị trấn, xã, ấp đồng lòng vào cuộc.

Cạnh đó mỗi đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, đội viện, hội viên đều trở thành những cộng tác viên, tuyên truyền viên một cách tích cực, đầy trách nhiệm. Muốn vậy bản thân từng cá nhân phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới. Ông Phan Ngọc Lĩnh, một cán bộ hưu trí, đảng viên lớn tuổi, ngụ tại xã Giai Xuân, cho biết: “Mình là đảng viên phải đi trước trong mọi hoạt động để nêu gương, để vận động quần chúng chung tay xây dựng nông thôn mới một cách thuyết phục...”.

Chia sẻ về niềm vui đang đến, ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho rằng để đạt được sự thành công như ngày hôm nay, bên cạnh sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, sự đồng thuận của cộng đồng, cũng cần ghi nhận các địa phương trong huyện (kể cả các tổ dân cư, thôn xóm tới các chi bộ) đã linh động vận dụng khai thác, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống tuyên truyền của Đài Truyền thanh huyện, thị trấn, xã với các chuyên đề xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng việc biểu dương các nhân tố tích cực, phê phán, góp ý những hạn chế, tiêu cực, tuyên truyền nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm quý, hiệu quả từ các địa phương để học tập, làm theo. Ngoài ra, Phong Điền còn vận dụng tốt đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ các ban, ngành, đoàn thể để lồng ghép việc tuyên truyền lẫn những tiêu chí cụ thể để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến với hội viên, đoàn viên trong sinh hoạt thường xuyên của đơn vị mình.

Thành quả của lòng dân

“Mọi việc chỉ có thể thành công khi lòng dân đã thuận và ủng hộ. Chính cách làm linh động, quyết liệt, bài bản nên sau 5 năm triển khai huyện Phong Điền đã huy động và đầu tư các công trình hơn 1.813 tỷ đồng, trong đó người dân tự nguyện đóng góp gần 260 tỷ đồng – một nguồn xã hội hóa to lớn góp phần không nhỏ vào thành công của ngày hôm nay”, ông Nguyễn Văn Sử chia sẻ.

Minh chứng cho điều này, khi trao đổi với chúng tôi ở UBND xã, ông Trần Văn Hai (một người dân trong xã) không giấu được sự phấn khởi xen lẫn tự hào, cho biết: “Khi cán bộ địa phương tới vận động hiến đất để làm giao thông nông thôn và nhà văn hóa, tôi cũng hỏi cho kỹ cần đất làm gì, sử dụng ra sao… Khi đã hiểu ra mục tiêu, gia đình tôi họp lại trao đổi với nhau, té ra ai cũng ủng hộ ngay chứ không phải mình tôi. Thế là quyết định hiến hơn 700 thước đất. Nhà nước làm cho dân hưởng chớ ai, bởi vậy so đo làm chi...”.

Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trong huyện Phong Điền đạt 34,7 triệu đồng (tăng 14,2 triệu đồng so với năm 2011). Đi đâu trên Phong Điền hôm nay ai ai cũng bắt gặp sự trù phú bạt ngàn màu xanh cây trái. Nếu như nhiều địa phương khác chăm bẳm trồng lúa thì Phong Điền tập trung phát triển kinh tế vườn với những loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nay toàn huyện có hơn 6.000 ha gồm: Dâu Hạ Châu, vú sữa, nhãn, sầu riêng và măng cụt. Bên cạnh đó, Phong Điền còn đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có đường giao thông nông thôn gắn với đê bao chống lũ bảo vệ vườn cây.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chỉ 5 năm qua, huyện Phong Điền đã thực hiện hơn 54 km đường liên huyện, 78 km đường liên xã, 93 km đường nông thôn ấp và 160 km đường giao thông nhỏ với tổng kinh phí 375 tỷ đồng, xây 220 km đê bao chống lũ bảo vệ vườn cây, với kinh phí 248 tỷ đồng. Từ đó có khá nhiều nông dân có thu nhập trên 400 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ hết chi phí.

Trước khi chia tay, ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khảng khái khẳng định với chúng tôi: “Không phải được công nhận rồi là xong đâu. Đó chỉ mới là giai đoạn khởi đầu. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục đầu tư các vườn cây có giá trị kinh tế cao như: Dâu, nhãn Idor, cam mật, sầu riêng, chôm chôm… kết hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái vườn với chất lượng ngày càng cao, phong phú mới lạ và hấp dẫn... Phát triển bền vững mới là mục tiêu mà Phong Điền hướng tới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ