Ngày làm việc thứ mười tám, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tăng giờ làm thêm là đi ngược lại sự tiến bộ

GD&TĐ - Ngày 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về hai dự án luật: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Bộ luật Lao động (sửa đổi). Về Bộ luật Lao động (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, quy định mở rộng khung làm thêm giờ tối đa lên đến 400 giờ/năm là đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp sáng 12/6. Ảnh: Quang Khánh
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp sáng 12/6. Ảnh: Quang Khánh

Buổi sáng, Quốc hội họp riêng, tiến hành thủ tục đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, trong buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Phiên thảo luận có 21 đại biểu đăng ký và phát biểu.

Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, việc ban hành luật là cần thiết, đồng thời, để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: Nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân; giấy tờ xuất nhập cảnh... Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi luật; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Các ý kiến thảo luận tập trung vào những vấn đề: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật; bố cục của dự án luật; các quy định liên quan đến tiêu chuẩn lao động; về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu...

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) nói về quy định mở rộng khung làm thêm giờ tối đa lên đến 400 giờ/năm: “Nhìn vào bản chất vấn đề thì rõ ràng nếu đặt ra vấn đề làm thêm giờ thì đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội. Thử tính trong một năm người lao động làm thêm đến 400 giờ thì họ còn có bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, để có thể phục vụ cho nhu cầu khác như học tập, giải trí, chăm lo cho gia đình, con cái…?”, đại biểu phân tích.

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ, làm thêm việc để có thêm thu thập cho gia đình và xây dựng xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, cần đưa ra quy định rõ ràng với một số nghề nghiệp gây nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe buýt, lái máy bay... có thể không cho tăng thêm giờ.

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, với sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng TM&CN Việt Nam để nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Chính phủ rút đề xuất nghỉ lễ vào 27/7

Cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 12/6, đa số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến trên hội trường không đồng tình với đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 (Ngày Thương binh, Liệt sĩ). Trước diễn biến đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ngày nghỉ 27/7 được dự thảo Bộ luật đề cập và nêu rõ tính nhân văn nhưng qua đa số ý kiến không đồng tình của đại biểu Quốc hội, “chúng tôi xin tiếp thu và Chính phủ xin rút nội dung này ra khỏi dự án Luật”. Trước đó, quá trình thảo luận, trong số gần 20 người đăng đàn về nội dung trên, chỉ có một đại biểu Quốc hội đồng tình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ