Ngày hội trên rẻo cao

Ngày hội trên rẻo cao

Bỡ ngỡ khi lần đầu gói bánh

Sân Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) những ngày cuối năm trở nên rộn ràng và đông đúc hơn thường lệ.

Từ sáng sớm, các em học sinh của trường được bố mẹ đưa đến để chuẩn bị cho buổi trải nghiệm gói bánh chưng. Giữa sân trường, những tấm bạt được thầy cô chuẩn bị sẵn, trải ra trên mặt sân làm chỗ ngồi cho học trò.

Sau khi ổn định, hàng trăm em học sinh khởi động buổi trải nghiệm bằng lời giới thiệu về Tết Nguyên đán của các thầy cô. Những món ăn trong ngày Tết và ý nghĩa của nó trong dịp Tết cổ truyền. Giới thiệu xong một lượt, các thầy cô mang mớ lá dong, thúng gạo nếp, nhân đậu xanh... đã được sơ chế sẵn cho từng lớp. Sau khi được thầy cô hướng dẫn, hàng trăm học sinh liền bắt tay vào công việc. Em lau lá dong, xé lạt, một vài em khác phụ cắt lá, đặt vào khuôn.

Lần đầu tiên gói bánh chưng nên nhiều em còn bỡ ngỡ. Từng lớp gạo, đậu xanh, thịt được các em vụng về xếp vào bên trong. Chiếc bánh các em mới tập gói ban đầu còn méo mó, vương vãi nhưng sau khi được thầy cô và phụ huynh chỉnh lại đã trở nên gọn gàng, vuông vắn. Mỗi em một việc, tiếng trò chuyện, góp ý, tiềng ồ, à khi thấy sản phẩm của bạn đẹp khiến sân trường trở nên huyên náo, rộn rã.

Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tu Mơ Rông cho biết: Nguyên liệu gói bánh chưng của trường được một nhà hảo tâm hỗ trợ, với mong muốn góp chút ít tấm lòng giúp các em học sinh vùng cao có một cái Tết ấm no, đủ đầy hơn.

Những chiếc bánh được hoàn thiện, chuẩn bị đưa đi luộc. Ảnh: T.G
 Những chiếc bánh được hoàn thiện, chuẩn bị đưa đi luộc. Ảnh: T.G

Hạnh phúc khi thưởng thức sản phẩm của mình

Em Lê Y Yến Kiều (học sinh lớp 5A) chia sẻ: Đây là năm đầu tiên em được trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết cổ truyền. Nhờ đó, em biết được những nguyên liệu cần thiết để gói bánh chưng, gồm: Gạo nếp, lạt, lá dong, đậu xanh, thịt heo. Bên cạnh đó, em cũng biết được bánh chưng là món ăn truyền thống, không thể thiếu của người Việt Nam trong dịp Tết đến, xuân về.

“Mặc dù những chiếc bánh không được đẹp và vuông vắn, nhưng em rất vui vì được tham gia hoạt động với các bạn. Em háo hức đợi chờ những chiếc bánh do mình gói được luộc chín để mang về khoe với bố mẹ và cho các em ăn cùng”, Yến Kiều rạng rỡ tâm sự.

Ngồi hoàn thiện lại từng chiếc bánh mà các em học sinh vừa gói xong, chị Y Luyến (SN 1984, thôn 4, thôn Đăk Kar) vui mừng vì từ giờ trở đi, không chỉ con chị mà các cháu nhỏ khác biết cách gói bánh chưng truyền thống ngày Tết.

Chị Y Luyến tâm sự: Năm nào cũng vậy cứ đến ngày 23 Tết các thành viên trong gia đình lại quây quần bên nhau gói bánh chưng. Năm nay, con mình biết gói bánh chưng rồi nên cháu thích lắm, cứ lân la phụ giúp. Gói xong các con còn tranh nhau ra trông nồi bánh luộc trên bếp nữa.

“Thấy các con biết thêm nhiều thứ như vậy mình vui lắm. Nhờ có nhà trường, thầy cô nên con mình ngoan ngoãn lên nhiều, biết phụ giúp bố mẹ việc gia đình. Mình mong trường sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, trải nghiệm như thế này để các con học tập, giúp đỡ, đoàn kết với nhau hơn”, chị Y Luyến nói.

Sau khi gói bánh chưng, cả thầy và trò đỏ lửa nấu bánh để kịp chia cho các em. Qua một thời gian dài luộc, những nồi bánh chưng đủ lửa, bốc mùi thơm phức của lá dong lẫn nếp dẻo được đưa ra khỏi lò. Mỗi em học sinh được phát một chiếc bánh chưng để thưởng thức. Nhìn thành quả mình góp sức làm ra, các em với ánh mắt hạnh phúc nhìn nhau rồi bóc từng lớp lá ra ăn ngon lành.

Cô Hồ Thị Thùy Vân, chia sẻ: Một đơn vị từ thiện hỗ trợ nhà trường 3 triệu đồng để tổ chức Tết cho các em học sinh. Tuy nhiên, nhận thấy việc mua bánh kẹo tổ chức cho các em như những năm trước không mang lại hiệu quả.

Do đó, cô Vân cùng các thầy cô trong trường đã góp thêm kinh phí mua nguyên liệu về cho các em học sinh trải nghiệm gói bánh chưng. Còn lá dong và lạt do phụ huynh đóng góp. Sau khi hoàn thành, người dân mang những chiếc nồi to đến để cùng thầy cô thổi lửa nấu bánh.

Thông qua hoạt động trải nghiệm, các em biết được ý nghĩa và cách gói bánh chưng ngày Tết, tăng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hoạt động này mỗi năm, bên cạnh đó sẽ tạo ra nhiều hoạt động tập thể khác để các em tự tin, năng động hơn. Cô Hồ Thị Thùy Vân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.