"Ngày hội tiếng mẹ đẻ" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ và các giá trị văn hoá trong quá trình học tập của học sinh.
Ngày hội cũng là diễn đàn để các nhà quản lý của ngành GD, các giáo viên, các cán bộ dự án hỗ trợ phát triển giáo dục ....chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn trong việc áp dụng mô hình song ngữ và sử dụng giáo viên trợ giảng là người địa phương ở các trường tiểu học nằm trong địa bàn dự án mà hai tổ chức Cứu trợ trẻ em VN và Tầm nhìn Thế giới đang triển khai.
Trong ngày hội, các trường tiểu học của huyện Văn Chấn và BTC đã tổ chức các gian trưng bày giới thiệu bản sắc văn hóa, ẩm thực dân tộc Mông, Dao và tổ chức nhiều trò chơi dân gian để các em học sinh tham quan, có cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn, củng cố niềm tự hào về nét đặc trưng văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc ở vùng cao phía bắc.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động của ngày hội đã diễn ra chương trình toạ đàm mang chủ đề "Rào cản ngôn ngữ trong học tập và vai trò của tiếng mẹ đẻ trong việc hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng học tập" do ông Dương Trung Quốc - Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chủ trì.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đại diện Cục Nhà giáo, Vụ Mầm non (Bộ GD&ĐT), Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, phòng GD&ĐT các huyện trong tỉnh Yên Bái và huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên cùng các giáo viên, phụ huynh và cán bộ chính quyền địa phương đã chia sẻ về thực trạng khó khăn, những thách thức trong thực hiện bình đẳng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số mà Yên Bái đang phải đối mặt hiện nay.
Các ý kiến đã tập trung đề xuất giải quyết các thách thức về rào cản ngôn ngữ trong học tập, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, đề cao văn hóa dân tộc của học sinh trong việc nâng cao chất lượng học tập của trẻ.
Mô hình sử dụng giáo viên trợ giảng trong cộng đồng, thực hành dạy tiếng Việt/tiếng phổ thông như ngôn ngữ thứ hai dựa trên phát triển ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ trong việc hỗ trợ học tập của trẻ em dân tộc thiểu số mà Tổ chức Cứu trợ trẻ em và Tầm nhìn thế giới phối hợp với Sở GD&ĐT Yên Bái, phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn thực hiện tại các trường thuộc dự án “Tạo cơ hội giáo dục bình đẳng cho trẻ em dân tộc thiểu số” được khẳng định là giải pháp tình thế nhưng vô cùng thiết thực và hiệu quả.
Mô hình “Bà mẹ trợ giảng” thực hiện với học sinh mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2 đã giúp các em tăng cường tiếng Việt dựa trên nền tảng kiến thức và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ đã giúp các em tăng cường vốn tiếng Việt, tự tin trong giao tiếp, hứng thú đến trường, tiến bộ nhanh hơn trong học tập.
Chất lượng giảng dạy và học tập đã được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, phụ huynh người dân tộc cũng quan tâm và có sự hiểu biết hỗ trợ nhiều hơn cho việc học tập của con em mình.