Ngày của mẹ cha, ngày ta nhìn lại mình...

Tạm gác những thú vui thường nhật, nhiều bạn trẻ tìm lên chùa làm việc thiện, nghe sư thầy giảng kinh, và nhận thức lại những ý nghĩa đúng đắn của ngày lễ Vu Lan để có những hành động thiết thực hơn, tích cực hơn cho gia đình và cho xã hội.

Ngày của mẹ cha, ngày ta nhìn lại mình...

Cứ đến 2 ngày cuối tuần của tuần thứ 3 trong tháng, Phạm Thị Nhật Anh, cô sinh viên khoa Toán Tin (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) lại dẹp mọi công việc sang một bên, sắp xếp thời gian học ra bến xe khách Sơn La (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), kịp bắt chuyến xe buýt về chùa Hưng Khánh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Thói quen này đã kéo dài suốt 2 năm qua, kể từ khi Nhật Anh may mắn được bạn rủ tham gia Mùa Vu Lan báo hiếu năm 2012 tại chùa. Lần đầu tiên Nhật Anh hiểu được ý nghĩa sâu sắc của màu hoa trắng, sắc hoa đỏ cài áo.

Lần đầu tiên em được trao hoa đỏ cho những người không còn mẹ… “Hôm đó ai cũng khóc, cả nam lẫn nữ, không khí tĩnh lặng ở chùa càng khiến những câu chuyện về tình đời, tình mẹ trở nên thiêng liêng”.

Ngay hôm sau Nhật Anh đi xe khách về nhà, về ăn cơm mẹ nấu, kể với mẹ về ngôi chùa và những gì sư thầy nói... Lần đầu tiên cô con gái từng được gọi là “đại ca”, hay nóng nảy, giận dữ trở nên từ tốn, biết lắng nghe và thủ thỉ tâm sự với mẹ như "con gái".

Chính chị Phí Thị Vấn (Đông Triều, Quảng Ninh) – mẹ của Nhật Anh cũng không thể tưởng tượng nổi, có một ngày, cô con gái của mình biết vào bếp, biết nhận lỗi về mình và bày tỏ tình yêu với mẹ, gắn bó với gia đình hơn bằng những món ngon do chính tay con nấu.

Theo kinh Vu Lan, ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện được nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ ra sao nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. 

Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ.

Nhưng do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình để tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy khi bát đưa lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. 

Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát được mẹ. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Tuy nhiên, ngày nay, không ít người chăm chăm đi chùa, làm lễ linh đình, đốt vàng mã tiền nghìn bạc vạn vào Lễ Vu lan nhưng cha mẹ ốm đau trong nhà lại không chăm sóc, khi cha mẹ nhờ vả lại cáu bẳn, bực bội. Khi, thắp hương, làm lễ cầu khấn người đã mất, các thế lực siêu nhiên thì sẽ được phù hộ, độ trì. ý nghĩa tốt đẹp của Lễ Vu lan đã bị biến tướng đi.

Theo Đại đức Thích Thanh Huân - Trụ trì chùa Pháp Vân - Phó văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việ : Tháng bảy Âm lịch là tháng báo hiếu. Việc đi chùa, cúng lễ, làm việc thiện của người dân là nhằm tạo phúc an lành để báo hiếu cha mẹ hiện tại cũng như người đã khuất. 

Tuy nhiên, việc báo hiếu phải thể hiện ngay trong cuộc sống thực, lúc cha mẹ còn sống. Đức Phật cũng dạy cha mẹ chính là vị Phật thiêng liêng mà mỗi người cần báo hiếu, tri ân.

Nếu tháng bảy, ngày rằm chỉ chăm chăm đi thắp hương, cúng bái, đốt vàng mã mà quên đi việc chăm sóc cha mẹ, ông bà hiện tại thì đó là việc bất hiếu. Như vậy, có Phật trong nhà không thờ mà thờ ông Phật ngoài đường.

Trong kinh Phật dạy, muốn báo đáp ân sâu của cha mẹ, thì khi cha mẹ còn sống, thể hiện sự chăm sóc tới đời sống vật chất và tinh thần để cha mẹ được an vui, hướng cha mẹ làm những điều phúc thiện.

Khi cha mẹ đã quá vãng, anh chị em trong gia đình, họ hàng sống hòa hợp, đoàn kết với nhau, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp, làm những điều thiện, có ích cho xã hội, đem phúc lành đó hồi hướng cho những người đã mất thì họ sẽ được siêu thoát. Đó là sự thể hiện báo ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên tốt nhất và ý nghĩa nhất!

Cũng theo Đại đức Thích Thanh Huân Tấm lòng hiếu đạo có sẵn trong tâm thức của mỗi người, tuy nhiên, dù ở thời kỳ nào vẫn cần thường xuyên bồi đắp, nuôi dưỡng những giá trị nhân văn cao cả đó. Có lúc, dòng xoáy của cuộc đời khiến con người bị lúng túng, không biết ứng xử như thế nào cho đúng mực.

Việc hoàn thiện chính bản thân mình trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội, và phải luôn cẩn trọng, không để đánh mất mình, nhất là không để cho cha mẹ phải lo lắng, phiền lòng, sống sâu sắc với chính mình và với ông bà, cha mẹ, trân quý thời gian ở bên những người thân và lắng nghe những tâm tư, tình cảm của họ, đó cũng là cách thể hiện lòng hiếu đạo của những người con.

Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi con người chúng ta bài học sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng, đừng để đến khi cài hoa trắng lên ngực mới hối hận vì chưa tròn chữ hiếu. 

Mùa báo hiếu cũng cho chúng ta nhận thức lại những ý nghĩa đúng đắn của ngày lễ Vu Lan để có những hành động thiết thực hơn, tích cực hơn cho gia đình và cho xã hội.

Theo Tuổi trẻ thủ đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ