(GD&TĐ) - Từ đường 12B bên dưới chợ Rạnh, theo con đường tráng nhựa uốn lượn vòng vèo qua rặng tre, cánh đồng ruộng bậc thang lúa xanh mơn mởn là về với làng Vó Cối xã Vĩnh Tiến – Kim Bôi (Hoà Bình). Làng Vó Cối hôm nay đã đổi thay nhiều. Hai bên đường lấp ló sau vườn cây, rặng tre là những căn nhà xây kiên cố. Đường làng rộng rãi và sạch sẽ. Những chiếc xe máy nhiều loại, đủ đời đã thay cho đôi chân hay những chiếc xe đạp ngày xưa.
1.Ký ức trở về…
Cô gái chỉ đường cho tôi còn rất trẻ có đôi mắt trong veo, nụ cười tươi như hoa:
- Anh cho em cùng theo vào nhà ông nhé. Em chưa được nghe ông kể chuyện Bác Hồ về thăm Kim Bôi ngày ấy!
Một ông già phương phi và nhanh nhẹn ra mở cổng. Tôi không tin đây là ông cụ đã ở tuổi 82. Đó là ông Bùi Văn Tình, nguyên tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hòa Bình - Bí thư huyện ủy Kim Bôi từ năm 1963. Căn nhà hai tầng của ông nhỏ nhắn và gọn gàng ngăn nắp giữa vườn cây trái bốn mùa tươi xanh. Ông đang ở cùng với vợ chồng người con trai út của mình. Ông mời tôi cốc nước màu vàng sẫm, thơm lạ và nói:
- Người Mường có thói quen uống nước cây rừng. Nói thật anh đừng cười nhé với tôi bia, rượu không thích bằng thứ nước truyền thống này đâu!
Tôi lặng lẽ ngắm nhìn người Bí thư Huyện ủy năm xưa, lắng nghe từng lời ông nói. Giọng ông vẫn đầy sinh khí và hào hứng khi kể về những giờ phút được gặp Bác kính yêu...
Tám giờ ngày 19/8/1964 chúng tôi đang chuẩn bị họp hội nghị Huyện ủy mở rộng, có anh Vũ Kiên Phó Bí thư Tỉnh ủy về dự. Bỗng thấy có một người đậm, mặc quần soóc, áo cộc tay bước vào hỏi: “Đồng chí nào là Bí thư Huyện ủy? Tôi đứng lên và bước tới, lúc đó mới biết là đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác Hồ. Tôi thông báo dừng cuộc họp và theo anh Vũ Kỳ ra gốc đa bên dòng suối Bo. Khi đến nơi, tôi nhận ra Bác cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Anh Vũ Kỳ đưa tôi đến giới thiệu với Bác và các đồng chí trong đoàn. Bác bảo: “Bác đi công tác và muốn vào thăm các chú nhưng thời gian không có nhiều. Tôi mừng quá không sao nói nên lời vì không ngờ Kim Bôi có vinh dự lớn lao này. Khi xe vừa dừng bánh ở sân huyện ủy, Bác xuống xe và đi thẳng vào khu nhà ăn của cơ quan. Thấy anh em đang thịt lợn, Bác hỏi ngay:
- Các cháu mổ lợn làm gì?
Anh em thưa với Bác hôm nay có Hội nghị nên thịt lợn cải thiện. Bác lại hỏi:
- Hội nghị gì mà ăn to thế?
Khi nghe anh em báo cáo với Bác đây là lợn do anh chị em trong cơ quan chăn nuôi được, Bác mới vui lòng và đi thăm tiếp. Bác vào nhà ăn tập thể xem từng chạn bát, chạn để thức ăn và Người ra thăm giếng nước rồi cả khu vệ sinh công cộng. Khi quay lại phòng họp, Bác nói với tôi:
- Bác thấy nước giếng rất trong nhưng thành giếng các chú để thấp quá. Nếu các cháu nhỏ đến chơi dễ xảy ra tai nạn, chạn để thức ăn lưới đã rách ruồi sẽ bay vào. Khu vệ sinh phải luôn sạch sẽ mới giữ cho môi trường trong lành!
Tôi cảm động quá bởi Bác là vị lãnh tụ cao nhất, lo toan những việc quốc gia đại sự mà vẫn quan tâm đến nơi ăn, chốn ở và những điều bình thường nhất của cán bộ nhân dân. Khi Huyện ủy mời cơm Bác và đoàn, Bác nói: “Bác đã có cơm rồi, các chú cứ cho anh em ăn cơm đi! Sau giờ nghỉ, Bác cho gọi tôi vào để Người hỏi thăm về tình hình ở Kim Bôi. Nhìn chiếc giường ở phòng khách mà Bác và các đồng chí đang ngồi. Bác hỏi ngay:
- Các chú đóng chiếc giường này hết nhiều tiền không?
- Dạ thưa Bác tiền công hết 90 đồng ạ, còn gỗ là các xã ủng hộ!
Bác lại hỏi:
- Chú làm bí thư Huyện ủy lương được bao nhiêu?
Tôi thưa với Bác:
- Thưa Bác, lương cháu được nhà nước trả 90 đồng một tháng ạ!
Bác cười và nói rất vui: “Thế thì đóng một cái giường hết tiền lấy gì mà ăn? Mình còn nghèo sao lại lãng phí thế? Tôi giật mình vì biết Bác đã phê bình chúng tôi chưa biết tính toán tiết kiệm từ cái nhỏ, nhưng Người nói rất khéo nên không ai tự ái được. Thấy tôi hơi lúng túng, Bác chuyển ngay vấn đề. Bác hỏi thăm:
- Kim Bôi các cháu sản xuất những gì? Báo cáo cho Bác và đồng chí Bí thư thứ nhất cùng Thủ tướng nghe xem!
Tôi báo cáo tóm tắt hình kinh tế, sản xuất và làm nghĩa vụ với nhà nước, chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho miền Nam ruột thịt. Nghe xong, Bác hỏi thăm đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện. Tôi báo cáo trung thực với Bác về những khó khăn, đời sống của nhân dân Kim Bôi vẫn còn có nơi đứt bữa, phải ăn độn sắn, khoai và đặc biệt có vùng còn phải ăn cả củ rừng khi giáp hạt. Bác chăm chú nghe và nói rằng:
- Bác thấy Kim Bôi có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn còn thiếu ăn. Vậy các chú phải lãnh đạo nhân dân tăng vụ, làm thế nào đưa năng suất cao hơn. Phải tích cực trồng màu trên đất một vụ để giải quyết thiếu lương thực. Đất Kim Bôi hợp với cây sở, cây trẩu nên cho trồng nhiều hơn nữa. Ngoài ra nên vận động bà con trồng thêm các cây có dầu như đỗ, lạc, đậu tương và tích cực chăn nuôi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ còn kéo dài, miền Bắc còn phải tích cực chi viện cho tiền tuyến. Bác mong Kim Bôi phải lo cho dân đủ và góp sức để chi viện cho miền Nam ruột thịt!
Tôi ngồi lặng đi nuốt từng lời Bác nói. Khi biết thời gian ở Kim Bôi không nhiều, tôi đứng lên thưa với Bác:
- Thưa Bác Kim Bôi có vinh dự được Bác về thăm. Anh em trong cơ quan xin được gặp Bác!
Người trao đổi với anh Vũ Kỳ và đồng chí Lê Duẩn, đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi nói với tôi:
- Còn ít thời gian, Bác sẽ gặp các cô, các chú trong Huyện ủy!
Khi tôi thông báo cho anh em tập trung ở sân, Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước ra. Bác giơ tay chào mọi người và hỏi:
- Các cô, các chú, các cháu đang làm gì. Phong trào thi đua ở Kim Bôi thế nào?
Đại diện anh chị em đứng lên báo cáo với Bác là Kim Bôi đang hăng hái thi đua làm việc bằng hai để cải thiện đời sống, chi viện cho miền Nam đánh Mỹ xâm lược. Nét mặt Bác rất vui, Bác lại căn dặn:
- Kim Bôi có nhiều lợi thế để phát triển như trồng cây công nghiệp. Đất đai bỏ hoang hóa còn gần 400 mẫu phải tìm cách tận dụng để có thêm nhiều lương thực. Hơn 300 công mẫu đang làm lúa một vụ, nay phải trồng thêm hoa màu. Có như vậy mới nhân dân mới đủ ăn. Kim Bôi có tự túc được lương thực thì mới có sức chi viện cho chiến trường miền Nam được!
Những lời ngắn gọn của Bác hơn bốn mươi năm nay vẫn còn đọng sâu trong tâm trí tôi cho đến bây giờ. Nhớ lời Bác dặn, sau đó cả Mường Động mở một phong trào thi đua khai hoang, phục hóa đưa hàng trăm mẫu đất đai vào sản xuất. Kim Bôi cũng là nơi khởi đầu của phong trào ba chuồng, bốn hố trong toàn tỉnh Hòa Bình. Ông Tình ngừng lời, cầm cốc nước lá cây nhưng chưa uống được. Ông nói với tôi rằng tiếc quá anh ạ. Tôi hỏi lại ông:
- Được gặp Bác, chắc còn điều gì ông chưa nói được?
- Tôi tiếc là vì do chuyến đi của Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị rất bí mật và thời gian về thăm ngắn nên không có một bức ảnh nào để lại làm lưu niệm cho nhân dân Mường Động!
Tượng đài Bác Hồ bên nhà máy thủy điện Hòa Bình |
2. Ấm áp lời Bác năm xưa…
Cựu bí thư huyện ủy nhấc kính ra lau những giọt nước mắt. Nhìn ông già ở tuổi 82 khóc, tôi bồn chồn một cách lạ lùng. Giọng ông lặng đi:
- Năm 1969 Bác mất, tôi cũng hết khóa ở huyện ủy Kim Bôi và được điều về tỉnh làm công tác khác. Nhưng những cử chỉ, lời nói của Người với nhân dân Mường Động, với riêng tôi mang theo suốt cuộc đời. Đất nước Việt Nam chúng ta thật may mắn có Hồ Chủ tịch. Non sông chúng ta được vẻ vang và vinh quang cũng nhờ có Bác kính yêu phải không anh?
Suy nghĩ của người cán bộ thế hệ trước về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng nghĩa với các đồng chí lãnh đạo ở Kim Bôi trong thời kỳ hội nhập hôm nay. Ông Đinh Văn Dực - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Bôi nhỏ nhẹ:
- Thế hệ chúng tôi không có may mắn và vinh dự được đón Bác kính yêu. Song những lời Bác dặn cán bộ, Đảng viên và nhân dân Kim Bôi năm ấy thì không bao giờ phai nhạt trong tâm thức!
Hơn bốn mươi năm qua kể từ ngày Bác về thăm. Nghe theo lời Bác, Kim Bôi đã vươn lên bằng sức nội tại của 28 xã, thị trấn trong huyện nhà. Kim Bôi hôm nay là nơi phát triển kinh tế khá của tỉnh Hòa Bình. Kim Bôi cũng là mảnh đất thiên nhiên ban tặng cho nhiều địa danh để phát triển ngành công nghiệp không khói. Rừng Kim Bôi ngày càng xanh hơn, đồi núi trọc, đất trống càng ít đi. Nhân dân Kim Bôi đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế rất nhanh và rộng khắp trong toàn huyện. Kim Bôi đã và đang khai thác thế mạnh của mình để tiến tới một huyện giàu có phồn vinh, đem đến ấm no hạnh phúc cho muôn nhà như Bác kính yêu căn dặn khi Người về thăm Mường Động năm xưa.
Phạm Huy Định