Ngày 20/11 trong bối cảnh dịch bệnh: Lắng đọng cảm xúc về tình thầy trò

GD&TĐ - Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay đặc biệt với thầy cô giáo và HSSV khắp cả nước. Ở nơi dịch diễn biến phức tạp, chẳng có lễ, không cờ hoa, chỉ có những tấm thiệp điện tử, lời chúc online được trò gửi thầy cô.

Những tấm thiệp học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tự tay làm hết sức đơn giản nhưng mang thông điệp riêng đầy giá trị.
Những tấm thiệp học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tự tay làm hết sức đơn giản nhưng mang thông điệp riêng đầy giá trị.

Không lễ, không hoa vẫn đong đầy cảm xúc

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thầy, trò tạm dừng đến trường, dạy học online hơn 2 tháng qua. Ngày Nhà giáo Việt Nam cận kề, không có cờ hoa như những năm trước, thầy trò phải gặp, chúc nhau qua màn hình.

“Đa phần học sinh sẽ kiếm hoa dại về tự bó hoặc nhà trồng được cây gì, quả gì là mang tặng thầy cô thứ đó. Thế nên, 20/11 vào phòng thầy cô nào cũng thấy, nào là bí, ngô, dưa… rồi hoa rừng” – thầy Bảo nói.

Chia sẻ về Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết: Nếu như các năm trước, thầy trò cùng tham gia hoạt động của lớp, tại trường lớp, cùng chụp ảnh, tặng hoa thì năm nay ai ở nhà nấy.

“Dịch bệnh làm thay đổi mọi thứ, Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng vậy. Thầy trò đành gặp nhau qua màn hình, gửi lời chúc, động viên qua các ứng dụng trực tuyến. Có em ở vùng dịch, đang phải lo lắng nhiều thứ. Có thầy cô trong vùng phong tỏa, phải vừa dạy học, vừa chống dịch. Những ngày này gửi nhau lời chúc qua tin nhắn hay gọi video là vui rồi”, thầy Thuận chia sẻ.

Hơn 12 năm dạy học, thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng), chia sẻ: Học trò là người dân tộc Khmer, rất thật thà nên ít có hoạt động nhân ngày 20/11. Nhưng theo thầy Ngói, nét hồn nhiên của học trò làm thầy thương các em nhiều hơn.

Thay vì hoa, quà ngày 20/11, các em đều cố gắng học tập để đền đáp công ơn thầy cô. “Năm học vừa rồi, học trò lớp tôi đạt thành tích khá cao. Trong 37 em chỉ có 2 em đạt 7,5 điểm; 2 em đạt 7,75 điểm; còn lại đều đạt từ 8 đến 9,25 điểm. Sự phấn đấu, nỗ lực của học trò để đạt kết quả tốt là món quà quý nhất thầy cô mong muốn”, thầy Ngói tâm sự.

Những bức ảnh “tình thầy trò” là món quà đặc biệt lan tỏa tình yêu, sự gắn bó giữa các thầy cô giáo với học sinh vùng cao.
Những bức ảnh “tình thầy trò” là món quà đặc biệt lan tỏa tình yêu, sự gắn bó giữa các thầy cô giáo với học sinh vùng cao.

Công tác tại trường học vùng khó, thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) không quên những món quà “cây nhà lá vườn” mà học trò dành tặng cho thầy. Năm nay, thầy trò không thể gặp nhau, thầy Sa Quên có chút buồn nhưng thầy hy vọng tình hình dịch bệnh ổn định để sớm trở lại lớp. Chuẩn bị ngày 20/11, thầy, trò gửi lời chúc qua các buổi học trực tuyến.

Các em còn gửi lời chúc thầy cô trên Facebook, Zalo. Nhiều em đăng lại hoạt động những năm trước để ôn lại kỷ niệm. “Học trò nơi đây còn lắm khó khăn, những bó hoa các em tặng thầy cô thường tự tay làm, đơn sơ nhưng chứa đựng tình cảm.

Năm học 2019 - 2020, nhà trường tổ chức cho học sinh cắm hoa, sau đó trưng bày để tổ chức lễ 20/11. Hoa đã cắm xong, ngày hôm sau là tới lễ nhưng Sở GD&ĐT có văn bản về việc không tổ chức lễ 20/11 để phòng dịch. Để động viên nhau, thầy cô tự lấy hoa mà học sinh làm trước đó chụp hình rồi gửi cho học trò để chức mừng và động viên các em”, thầy Sa Quên kể.

Chia sẻ về kế hoạch cả lớp chuẩn bị tri ân thầy cô, em Thạch Kim Ngọc, học sinh lớp 11, Trường THPT Cầu Ngang A, cho hay: “Em và các bạn sưu tập các hình ảnh của lớp, thầy cô giáo để thiết kế một clip tri ân thầy cô. Trong clip có hình ảnh, video, âm thanh quá trình học tập, sinh hoạt ngoại khóa của giáo viên, học sinh. Mỗi bạn sẽ quay clip lời chúc của mình dành tặng thầy cô. Khi hoàn thành sẽ cùng nhau gửi đến thầy cô giáo nhân ngày 20/11”.

Đa phần các em sẽ kiếm hoa dại về tự bó hoặc nhà trồng được cây gì, quả gì là mang tặng thầy cô thứ đó.
Đa phần các em sẽ kiếm hoa dại về tự bó hoặc nhà trồng được cây gì, quả gì là mang tặng thầy cô thứ đó.

Món quà tinh thần

Chưa trở lại dạy học trực tiếp, nhưng Trường ĐH Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến chào mừng ngày 20/11. Để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch, các hoạt động diễn ra trên nền tảng trực tuyến.

TS Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, cho biết: Nhiều sân chơi lành mạnh, rèn luyện tư duy, sáng tạo, tăng cường tập hợp sinh viên trong thời gian thực hiện phòng chống dịch đều được tổ chức trực tuyến. Để tạo cơ hội cho sinh viên bày tỏ tấm lòng tri ân đối với cán bộ, giảng viên, Đoàn thanh niên nhà trường tổ chức cuộc thi với chủ đề “Thay lời tri ân”. Sản phẩm dự thi là video clip có nội dung hát múa, ghi lại khoảnh khắc, hình ảnh, tâm sự hoặc cảm xúc của bản thân về thầy cô, mái trường.

Những món quà chứa đựng nhiều tình cảm và giá trị tinh thần của học sinh vùng khó luôn được thầy cô trân trọng.
Những món quà chứa đựng nhiều tình cảm và giá trị tinh thần của học sinh vùng khó luôn được thầy cô trân trọng.

Bên cạnh đó, các đoàn khoa cũng tổ chức cuộc thi trên nền tảng trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản phẩm, ấn phẩm. Điển hình, Đoàn khoa Sư phạm - Xã hội tổ chức thiết kế ấn phẩm truyền thông về video, banner, thiệp với chủ đề “Tri ân thầy cô”; thi trắc nghiệm tìm hiểu chủ đề 20/11; giao lưu gặp gỡ online tri ân ngày 20/11…

“Ngày 20/11 là dịp để sinh viên thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến công ơn dạy dỗ của thầy cô trên con đường học tập. Nhà trường chỉ đạo lồng ghép các hoạt động chào mừng, kỷ niệm kết hợp với rèn luyện kỹ năng, giúp các em hiểu hơn về truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam, tạo sự tự tin, đoàn kết, sáng tạo, thi đua học tập, lao động, văn hóa văn nghệ”, TS Nguyễn Văn Thành cho biết.

Vừa thiết kế xong clip cùng các bạn, Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên Khoa Sư phạm - Xã hội Trường ĐH Kiên Giang, tâm sự: “Năm nay không thể gặp mặt thầy cô, không tổ chức lễ nên em và các bạn cùng làm thiệp điện tử để tri ân thầy cô. Em học ngành sư phạm nên hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam. Em cùng các bạn mong món quà tinh thần này giúp các thầy cô thêm yêu nghề, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”.

Dù trong tâm dịch nhưng các giáo viên vẫn tình nguyện chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho đồng bào phải cách ly.
Dù trong tâm dịch nhưng các giáo viên vẫn tình nguyện chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho đồng bào phải cách ly.

Bức “tâm thư” gửi từ tâm dịch

“Các thầy, cô thân mến! Đây là năm đầu tiên chúng ta đón một ngày 20/11 không cờ hoa, cũng không có các hoạt động văn nghệ, thể thao như thường lệ.

Hôm nay, trong số toàn thể gần 50 cán bộ, giáo viên nhà trường, vẫn có thầy cô và hàng trăm học sinh đang còn phải cách ly. Nhiều thầy cô từ sớm đã có mặt trong khu nhà bếp, để chuẩn bị bữa ăn cho đồng nghiệp, học sinh của mình.

Tôi biết, ở mỗi hoàn cảnh, các thầy cô sẽ có tâm trạng khác nhau và có lẽ ai cũng đôi chút chạnh lòng. Nhưng, tôi tin chúng ta vẫn rất tự hào vì đã cùng nhau sống, chiến đấu để ghi dấu một ngày 20/11 đặc biệt, để hướng về những ngày tiếp sau không còn dịch bệnh!...”.

Những dòng thư mộc mạc, ngắn gọn nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm được thầy Tường Duy Trung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Nhà, huyện Điện Biên (Điện Biên) hoàn thiện để gửi đến cán bộ, giáo viên của mình trong ngày 20/11.

“Trong điều kiện hiện tại, chúng tôi không thể tổ chức hoạt động gì, chỉ biết gửi đến các thầy cô bức tâm thư từ tấm lòng để động viên tinh thần. Mong rằng, khi đọc những dòng chia sẻ ấy, mọi người sẽ cảm nhận được sự quan tâm và thông điệp mà tôi gửi gắm, cùng đồng lòng, quyết tâm sớm chiến thắng dịch bệnh” – thầy Trung bộc bạch.

Kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên trên địa bàn, trường được trưng tập làm khu cách ly. Thời gian cao điểm, hơn 260 học sinh và 23/48 cán bộ giáo viên toàn trường là F1, cách ly tại 7 địa điểm khác nhau trên địa bàn.

Tất cả giáo viên còn lại thường trực tại địa bàn, mỗi người một việc tham gia chống dịch. Mặc dù đã qua hơn nửa tháng, song đến thời điểm này, số ca F0 tại Mường Nhà vẫn tiếp tục gia tăng.

Tại Trường Mầm non Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên) những ngày cận kề dịp lễ 20/11, nhiều cô cũng tất bật sớm tối. Cô Phạm Bích Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cùng nhiều giáo viên trở thành “đầu bếp” cho 4 điểm cách ly trong xã. Những ngày đầu, cả trường chỉ có 10 cô cùng 3 đồng chí dân quân phân nhau đun nấu, vận chuyển đều đặn mỗi ngày 2 suất ăn cho 350 - 370 người.

Cô Nguyệt chia sẻ: Từ ngày 2/11 đến nay, 100% quân số nhà trường không rời vị trí. Do người nấu ít mà suất ăn nhiều nên hôm nào các cô cũng phải chuẩn bị bữa trưa từ 7 giờ sáng, đến 12 giờ mới dọn dẹp xong, có hôm đến 13 giờ chiều. 14 giờ lại chuẩn bị cơm tối, đến 20 giờ. Xong xuôi mới trở về phòng nấu ăn, tắm gội, rồi soạn bài, xây dựng kế hoạch, gửi bài phối hợp dạy trẻ tại nhà.

“Làm liên tục khi nhân lực có hạn nên không tránh được mệt mỏi nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng. Ngày 20/11 năm nay chắc chắn không hoa, không quà rồi. Nhưng chúng tôi vẫn có những tin nhắn, lời chúc mừng, động viên nhau cùng đón một ngày lễ không quên” – cô Nguyệt nói.

Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên trường THPT Cầu Ngang trong một dịp kỉ nhiệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên trường THPT Cầu Ngang trong một dịp kỉ nhiệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bó hoa rừng tặng thầy cô

Chiều 18/11, tại Trường Tiểu học Tà Chải, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), cuộc thi Vẽ bưu thiếp chúc mừng thầy cô thu hút sự hào hứng tham gia của đông đảo học sinh nhà trường. Mỗi lớp học trở thành một “trường thi” nhỏ, để các trò thỏa sức sáng tạo.

Trên nền những tấm thiệp một màu, các em tự tay vẽ lên những đường nét hoa văn, hình tượng ý nghĩa và tô đủ sắc màu theo trí tưởng tượng, để tri ân thầy cô của mình.

Thầy Hà Văn Mười, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Tà Chải, huyện Bắc Hà, tâm sự: “Mặc dù, những tấm thiệp rất đơn giản, mộc mạc, nhiều nét vẽ còn nguệch ngoạc nhưng chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Qua đó, học sinh sẽ thêm hiểu về truyền thống tôn sư trọng đạo, thể hiện tấm lòng, sự tri ân với thầy cô của mình. Song cũng là dịp để các em phát huy khả năng sáng tạo của bản thân”.

Tương tự, nhiều ngày qua các hoạt động tri ân thầy cô thông qua hình thức trải nghiệm này đã diễn ra sôi nổi tại Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên). Không chỉ tổ chức làm thiệp và hoa “Tri ân thầy cô”, ngay từ đầu tháng 11, nhà trường đã phát động cuộc thi ảnh “Nét đẹp thầy trò” và liên tiếp nhận “tác phẩm” dự thi từ các lớp học, điểm trường gửi về.

“Những bức ảnh được giáo viên, học sinh, thậm chí phụ huynh chụp lại về tình cảm, sự chăm sóc, gắn bó giữa thầy, cô giáo với học trò. Tất cả sản phẩm thu được, chúng tôi đều lưu lại và trưng bày ở lớp học và khuôn viên trường. Mỗi lần nhìn, thầy cô đều thấy hạnh phúc vì cảm nhận được tình cảm, sự gắn kết với các em. Còn học trò thì phấn khởi khi được tôn trọng” – thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.

Tại Trường Tiểu học Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), ngày 16/11 – trước thời điểm dịch bùng phát trên địa bàn, các hoạt động thi đua sáng tạo quà tặng thầy cô giáo đã diễn ra nhộn nhịp. Vì hạn chế tổ chức tập trung, các hoạt động đều được đưa về gói gọn trong khuôn viên lớp học.

Em Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 4D, chia sẻ: “Để thực hiện món quà ý nghĩa tặng thầy cô, chúng em chia thành các nhóm. Bạn nào khéo tay thì làm bưu thiếp. Các bạn có năng khiếu hát, múa thì biểu diễn, rồi chúng em quay video và gửi lời chúc mừng đến cô. Chúng em hy vọng cô sẽ vui khi nhận món quà này”.

Chưa phải chịu những tác động của dịch bệnh, song Trường Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) lại đóng chân trên địa bàn khó khăn, với đa phần học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện nghèo. Chính bởi vậy, sự tri ân mà các em gửi đến thầy cô cũng hết sức đặc biệt.

Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trường nhà trường, giãi bày: “Vì ở vùng khó nên ngày 20/11 hàng năm, chúng tôi sẽ tổ chức cụm trường trong cùng xã. Có nhiều hoạt động tọa đàm, giao lưu văn nghệ, thể thao vui lắm, chủ yếu là để động viên nhau. Chứ cuộc sống ở đây còn nghèo khó, phụ huynh cho con em mình đi học đầy đủ đã là món quà lớn rồi”.

“Năm nay, thầy cô, học sinh không đến trường, không tổ chức lễ 20/11 nên em và các bạn cùng thiết kế thiệp điện tử có lồng ghép nhạc, hình ảnh trường, lớp gửi tặng thầy cô. Dù không gặp mặt nhưng em và các bạn luôn nhớ thầy cô và mong sớm được gặp lại”, em Huỳnh Bảo Tín, học sinh lớp 9 Trường THCS Tam Bình huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.