NGƯT Nguyễn Văn Hùng phân tích: Trong một giai đoạn phát triển của nước ta với nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp thì gắn với việc biên chế ổn định. Như các lĩnh vực khác, ngành Giáo dục cũng vậy.
Tuy nhiên, chuyển sang nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải năng động, cạnh tranh mạnh mẽ hơn, nhà trường nói riêng, ngành Giáo dục nói chung không thể không theo quy luật cung cầu, cần đáp ứng được nhu cầu của người học nói riêng, xã hội nói chung.
Muốn vậy, nhà trường cần luôn luôn đổi mới, thích nghi để tồn tại và phát triển. Do vậy, cần được tự chủ và phải tự chịu trách nhiệm. Muốn làm được điều này, cần tự chủ từ khâu tài chính, nhân sự.
Đội ngũ giáo viên là lực lượng lao động chính trong nhà trường, đòi hỏi phải nỗ lực, nâng cao trình độ, phẩm chất, sao cho hình ảnh người thầy là tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo.
Nếu cứ ràng buộc bởi biên chế sẽ không tạo điều kiện cho khả năng tự khẳng định mình của giáo viên trong từng nhà trường. Với việc ký hợp đồng sẽ tạo cho người lãnh đạo cũng như giáo viên trong nhà trường được quyền lựa chọn, yêu cầu sao cho thỏa mãn đôi bên vì người học và phát triển nhà trường.
Nhưng vấn đề này đòi hỏi nhận thức và chịu trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhà trường, từ hiệu trưởng đến giáo viên.
Tuy nhiên, với việc ký hợp đồng giáo viên, luồng nhân lực giỏi sẽ được chào đón và có thể được trả thù lao cao hơn. Giáo viên giỏi sẽ đổ xô vào các đô thị, các nơi có khả năng chi trả học phí cao hơn và sẽ có phân hóa mạnh giữa các trường, các vùng miền.
Do đó, ở các vùng khó khăn sẽ cần phải có sự trợ giúp của nhà nước, sẽ có ưu đãi cao nhằm thu hút giáo viên giỏi, tránh thiệt thòi cho người học ở những nơi này…
NGƯT Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Chủ trương ký hợp đồng là tất yếu, song việc triển khai cũng cần được nghiên cứu theo lộ trình và làm thí điểm theo mẫu ở các vùng miền khác nhau; cũng như cần tổng kết theo từng giai đoạn sao cho khi thực hiện đại trà sẽ không vướng mắc nhiều.
Việc thay đổi nhận thức và trách nhiệm cũng cần được nâng cao cho mọi người. Chúng ta cũng nên nghiên cứu mô hình các nước phát triển để có thể học tập, rút kinh nghiệm; hơn hết nền kinh tế nước ta đang còn giai đoạn mới đang phát triển, giáo dục luôn là ngành nhạy cảm, nên cần làm sao đảm bảo mọi yếu tố hài hòa, phát triển bền vững.
Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ gắn quyền hạn với trách nhiệm, tạo chế tài kiểm soát quyền lực. Việc này nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước. Cần các hội đồng giám sát, kiến tạo dân chủ thật sự trong nhà trường, nâng cao vai trò thực sự của công đoàn…
Việc bổ nhiệm hiệu trưởng cần công khai, minh bạch, công khai ngay kết quả, thậm chí có hội đồng thi hiệu trưởng nếu cần.
Cần đưa ra các chế tài ràng buộc trách nhiệm hiệu trưởng, các quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của giáo viên, công đoàn cũng như của người học, trách nhiệm giám sát xã hội.
“Tự chủ giáo dục gắn với tự chủ nhân lực, trong đó có ký thỏa thuận hợp đồng với giáo viên là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu, cân nhắc về lộ trình, biện pháp, có xét đến yếu tố lịch sử xã hội và vùng miền, nhất là chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục nên hết sức nhạy cảm” – PGS Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm.