Ngành GD phải quyết định trong tuyển dụng giáo viên

GD&TĐ - Từ sau khi có Thông tư liên tịch số 11/2015 giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT về phân cấp quản lý đối với lĩnh vực giáo dục, một số chỉ đạo về tài chính, con người, thi đua… mỗi địa phương thực hiện một kiểu và không thực hiện đúng mức như chỉ đạo của Chính phủ. Điều này dẫn đến những khó khăn, bất cập cho ngành Giáo dục trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngành GD phải quyết định trong tuyển dụng giáo viên

Quản lý chuyên môn nhưng không quản lý con người

Theo phân cấp quản lý, cấp Sở GD&ĐT chỉ tuyển GV bậc THPT còn từ cấp THCS trở xuống sẽ do chủ tịch huyện quyết định. Có nơi, chủ tịch huyện sẽ giao Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ và Tài chính, nhưng có nơi làm ngược lại.

Ngay như ở Đà Nẵng, một số quận, huyện, dù không còn là chủ công nữa nhưng ngành GD-ĐT vẫn có vai trò tham mưu trong quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên; thế nhưng, cũng có một số địa phương, lãnh đạo Phòng GD&ĐT thậm chí không biết sự biến động trong đội ngũ vì “ai nghỉ hưu hay nhận quyết định phân công công tác cũng đều qua Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT không còn là nơi quản lý nhân sự của ngành mình mà chỉ đơn thuần là nơi phụ trách về công tác chuyên môn” – một vị trưởng phòng cho biết.

Cho dù vẫn có sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT, nhưng ông Nguyễn Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) nhận xét rằng mức độ tác động giữa Phòng GD&ĐT với Phòng Nội vụ trong công tác nhân sự là không nhiều như trước đây mà chỉ là cơ quan tham mưu. Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, trước đây, Phòng Nội vụ chỉ làm việc về con số, thống nhất có bao nhiêu chỉ tiêu tuyển dụng với ngành Giáo dục.

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng cho rằng, việc phân cấp trong quản lý giáo dục trên thực tế đã có sự biến dạng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ đạo và nâng cao chất lượng giáo dục. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017, ông Quốc chia sẻ câu chuyện rằng ông đã từng tổ chức một buổi gặp mặt các Trưởng, Phó trưởng phòng các Phòng GD&ĐT quận/huyện trên địa bàn tỉnh chỉ để biết mặt vì “làm Giám đốc Sở mà không biết lãnh đạo Phòng GD&ĐT các địa phương mới được bổ nhiệm”.

Phối hợp đồng bộ trong tuyển dụng và bổ nhiệm

Ông Lê Trung Chinh – Bí thư quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) thừa nhận, theo quy định của Thông tư 11 thì vai trò của Phòng GD&ĐT trong điều động, bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự là không có. “Thế nhưng, nếu không có sự tham gia của ngành GD thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục vì so với một số vị trí công việc khác thì hoạt động giáo dục có tính chất đặc thù, giáo viên có vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học, và công tác chuyên môn thì cũng do con người làm”.

Chính vì vậy, theo ông Chinh, cần có sự phối hợp giữa ngành Nội vụ và ngành GD. Thế nhưng, ông Nguyễn Lâm cho rằng, sự phối hợp là do ngành Nội vụ thấy là cần thiết chứ không hề có một văn bản nào thể hiện yêu cầu phải có sự phối hợp giữa hai ngành trong tuyển dụng.

Cũng đã có ý kiến cho rằng, nếu cấp Phòng GD&ĐT không quản lý giáo viên mà chỉ quản lý về mặt chuyên môn thì khi tuyển dụng giáo viên mà không ổn thì trách nhiệm có phải thuộc về Phòng GD&ĐT hay không? Nếu chỉ đơn thuần là chuyên môn thì rõ ràng công tác bán trú ở trường tiểu học không thuộc trách nhiệm quản lý của Phòng GD&ĐT vì tiểu học không có chức năng nuôi, không nuôi bán trú như ở mầm non. Thế thì khi có sự cố xảy ra trong công tác bán trú thì ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này? Và mặc dù chỉ được giao làm công tác chuyên môn nhưng khi xảy ra “sự cố” như dạy thêm trái phép, bạo hành, chất lượng giáo viên kém… thì Phòng GD&ĐT là nơi “đứng mũi chịu sào”.

Từ kinh nghiệm phối hợp giữa Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ trong công tác tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, bà Nguyễn Thị Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà (Đà Nẵng) cho rằng, cần có sự giám sát giữa các đơn vị trong tuyển dụng, bổ nhiệm để tránh việc tuyển dụng tràn lan hoặc thừa – thiếu cục bộ. Hai ngành phải cùng nhau rà soát để xây dựng chỉ tiêu biên chế trên cơ sở nhu cầu của các trường. Khi trao quyết định, cũng nên là để ngành GD trao vì còn phải hướng dẫn những GV mới cách tiếp cận công việc nhằm giúp giáo viên trẻ nắm bắt được chức trách, nhiệm vụ của mình khi bước vào giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ