Ngành du lịch lao đao giữa dịch corona

Ngành du lịch lao đao giữa dịch corona

Ảnh hưởng tới toàn cầu

Ngày 27/1/2020, Chính phủ Trung Quốc ban lệnh cấm người dân đi du lịch theo nhóm trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCov) đang hoành hành tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của nước này. Từ trước đó, những thông tin lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đã khiến khách du lịch trên toàn cầu “chùn bước”, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, đặc biệt tại các quốc gia láng giềng với Trung Quốc.

Điển hình, với sự đóng góp lên tới 20% GDP, sự sụt giảm của ngành du lịch của Thái Lan do bị virus Corona tấn công đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của nước này trong tháng đầu năm 2020.

Thái Lan là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc khi mỗi năm thu hút khoảng 11 triệu lượt người, chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế tới đây. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan, doanh thu ngành du lịch Thái Lan bị thiệt hại hơn 1,5 tỷ USD trong năm nay. Mục tiêu năm 2020 đạt 12 triệu khách đã bị “phá sản”, Thái Lan phải tạm dừng đón các tour khách từ Trung Quốc.

Một số điểm đến khác như Indonesia, Hồng Kông, Đài Loan... cũng đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ châu Âu, Úc, Mỹ,... do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trước đó, du lịch Đông Nam Á đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thu hút khách quốc tế với 138 triệu khách quốc tế trong năm 2019. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức ấn tượng 7,8% trong vòng 9 năm trở lại đây.

Du lịch Việt Nam sẽ sụt giảm nghiêm trọng

Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống của con người thì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona còn gây ra những tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam. Trước hết chính sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong khi đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt cho biết khách đặt tour đi Trung Quốc hủy trên dưới 200 đoàn, chiếm khoảng 10% lượng khách của công ty.

“Không chỉ thiệt hại về tour Trung Quốc, ngay cả các tour đi đi nước ngoài (outbound) hoặc đi trong nước (inbound) cũng bị hủy. Cho tới nay, số lượng khách hủy tour đã lên tới hơn 50%. Đây là một con số chưa từng có trong ngành du lịch”, ông Long chia sẻ. Theo ông Long, nếu tình trạng này kéo dài 3 - 6 tháng thì rất mệt mỏi cho các công ty du lịch.

Đồng tình với ông Long, ông Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Công ty du lịch Tân Đại Quang cũng cho biết tỷ lệ hủy tour đến nay đã lên đến 60 – 70% tổng số tour được đặt trước tại công ty ông.

Bên cạnh tour chính là những rắc rối liên quan đến việc hoàn vé máy bay đặt trước cũng như tỷ lệ đặt phòng khách sạn giảm sút đáng kể. Theo ghi nhận, tỉ lệ khách lẻ hủy đặt phòng trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến tăng cao trong khi nhiều khách sạn 4 - 5 sao ở TPHCM cho biết công suất phòng hiện rất thấp, có nơi chỉ 30 - 35% ngay trong mùa du lịch.

Không chỉ riêng doanh nghiệp của ông Long hay ông Huy mà toàn ngành du lịch trong nước đều gặp tình trạng tương tự khi nguồn cầu du lịch trong nước sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí.

Sẽ tìm thị trường mới?

Nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới. Các công ty lữ hành cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú đều nỗ lực để tuyên truyền về bệnh dịch nhằm cải thiện hơn hình ảnh của mình, từ đó kéo lại được sự yên tâm đến từ khách du lịch khi tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hơn nữa nguồn cầu du lịch ngoài Trung Quốc cũng tăng cao. Dù dịch bệnh bùng nổ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch, nhưng cả doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu, định hướng lại sự phát triển của ngành.

Ông Từ Quý Thành - Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (DN lữ hành chuyên khai thác thị trường Trung Quốc), nhận định việc tạm thời đóng cửa du lịch đối với khách Trung Quốc là dịp tốt để cải tổ, sàng lọc đối tượng khách. Không còn xô bồ quá đông khách Trung Quốc, các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh… sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho khách nội địa và khách quốc tế đến từ các quốc gia khác.

Đồng quan điểm, TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, đánh giá thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam quá chú trọng thành tích, mải chạy theo con số nên vô hình trung bị phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc – nhóm khách du lịch không bền vững so với các vùng khác như châu Âu hay châu Mỹ.

Theo ông Lương, dịch bệnh, khách Trung Quốc giảm là tin buồn nhưng ở một góc độ khác cũng là cơ hội để ngành du lịch thật sự nhìn nhận nghiêm túc lại mục tiêu, định hướng phát triển. Khai thác khách Trung Quốc cần tập trung vào phân khúc cao cấp, cùng với đó quay lại các thị trường truyền thống có hiệu quả như Tây Âu, Bắc Mỹ. Đây là các đối tượng vừa tạo ra nguồn thu lớn, vừa không gây áp lực đến hạ tầng du lịch, xã hội.

Ngày 3/2/2020, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, ngay từ khi Trung Quốc công bố dịch bệnh bùng phát và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Tổng cục Du lịch đã thông báo và hướng dẫn trong toàn ngành về các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn cao nhất cho khách du lịch. Đồng thời, Tổng cục Du lịch thành lập một chuyên mục trên trang thông tin chính thức để cập nhật thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho khách du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ