Ngành Du lịch giải bài toán khan hiếm nhân lực chất lượng cao

Ngành Du lịch giải bài toán khan hiếm nhân lực chất lượng cao

(GD&TĐ) - Tại Hội thảo Hướng nghiệp ngành Khách sạn và Lưu trú với chủ đề "Tương lai trong tầm tay bạn" vừa diễn ra tại Hà Nội, các ý kiến tham luận đều tập trung phân tích và khẳng định tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong ngành, coi đó là yếu tố quyết định tầm và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam.

Du lịch được đánh giá là một trong những ngành phát triển mạnh mẽ bậc nhất hiện nay tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, một trong những rào cản lớn nhất của nhân lực Việt Nam trong việc phát triển nghề nghiệp là thiếu tính chuyên nghiệp và khả năng hội nhập quốc tế. 

Con người vừa là nguồn nhân lực đầu vào lại vừa là sản phẩm đầu ra của quá trình kinh doanh du lịch. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành, nhiều dự án kinh doanh khách sạn cao cấp thuộc các thương hiệu quốc tế như: Hilton, Accor, Intercontinental, Starwood,... đã triển khai nhanh chóng tại Việt Nam, kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành vấn đề đầy thách thức của cơ chế thị trường.

Hội thảo thu hút rất đông sinh viên ngành Du lịch
Hội thảo thu hút rất đông sinh viên ngành Du lịch

Bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam - cho biết: Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đến năm 2015, ngành Du lịch cần tới 620.000 lao động trực tiếp, đến năm 2020, con số này lên tới 870.000 người. Theo đánh giá chung, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành kinh doanh khách sạn và cơ sở lưu trú ở Việt Nam hiện nay đều chưa đáp ứng được nhu cầu và chuẩn mực quốc tế.

Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực ngành Du lịch, vấn đề mấu chốt là sự kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp. Tất cả cần hướng tới mục tiêu chung "Vì sự phát triển bền vững của ngành Du lịch".

Cần nhấn mạnh rằng, một trong những lý do du khách quay trở lại một địa điểm du lịch chính là thái độ và khả năng phục vụ chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên khu du lịch đó.

Còn theo bà Nguyễn Phương Nam - Giám đốc Điều hành Khách sạn Prestige Hanoi, động thái thiết thực nhất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch chính là tập trung vào thực hành. Học viên của ngành cần được tiếp cận với những khóa học và giáo trình chỉ dành 10 - 15% thời lượng cho lý thuyết, còn lại 85 - 90% cho thực hành và trải nghiệm trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp và đã khẳng định được chất lượng.

Bà Nguyễn Phương Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp du lịch hiện nay đều có chung mong muốn là không phải mất công đào tạo lại nhân lực đã có bằng cấp. Họ đều mong có được nhân sự từ các khóa đào tạo uy tín, bài bản và khoa học để giải tỏa bớt gánh nặng này.

Sự cạnh tranh trong ngành du lịch không phải là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà là sự cạnh tranh mang tầm quốc tế. Ngành du lịch cần đặt ra và trả lời cho câu hỏi "Vì sao chúng ta chưa làm được như nhiều nước trên thế giới" để từ đó xem ngành du lịch và nhân lực du lịch Việt Nam đang ở ngưỡng nào. Muốn phục vụ chuyên nghiệp cần có người điều hành chuyên nghiệp. Đó là ý kiến của Bà Huỳnh Mỹ Linh - Giám đốc Nhân sự khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake.

Được thành lập vào năm 2012, CitySmart Hospitality Education (CHE) là trung tâm đào tạo quốc tế kết hợp giảng dạy lý thuyết và kỹ năng thực hành cho sinh viên để trở thành những chuyên gia hàng đầu trong ngành Quản lý Du lịch, Khách sạn và Nghệ thuât Ẩm thực.

Mục tiêu trong tương lai của CHE là trở thành cơ sở đào tạo quản trị du lịch, khách sạn quốc tế hàng đầu tại Việt Nam và hướng tới việc đóng góp cho thị trường một đội ngũ quản lý tài ba và nhân lực có tay nghề cao. 

Nắm bắt nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong xu thế hội nhập và cạnh tranh toàn cầu hiện nay của ngành du lịch Việt Nam, Trung tâm đào tạo quốc tế về quản lý du lịch, khách sạn và nghệ thuật ẩm thực CitySmart (CHE) và Elite Hospitality Group đã ký một thỏa thuận hợp tác nhằm đưa chương trình phát triển nguồn nhân lực START về giảng dạy tại Việt Nam.

START là một chương trình đào tạo nghề ngắn hạn của Viện Đào tạo Khách sạn và Lưu trú Hoa Kỳ (EI), một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Hiệp hội Khách sạn và Lưu trú Hoa Kỳ (AHLEI). Đây được đánh giá là một mô hình đào tạo mới mẻ tại Việt Nam và là khóa học đầu tiên đào tạo nhân lực ngành du lịch khách sạn chất lượng quốc tế tại Hà Nội.

Được biết đến rộng rãi như một chứng chỉ quốc tế hàng đầu về quản lý du lịch, khách sạn, START kết hợp chặt chẽ giữa việc cung cấp những kiến thức thực tiễn và trang bị kỹ năng cần thiết, giúp người học có được cái nhìn thực tế và định hướng lâu dài cho sự nghiệp.

START còn được công nhận bởi các thành viên của AHLEI, với mạng lưới hơn 10.000 nhà quản lý khách sạn, nhà đầu tư và nhà tuyển dụng lao động. Do đó, sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên có thể tự tin tìm kiếm cơ hội thực tập hưởng lương và việc làm tại các khách sạn 4 và 5 sao.

Sự hợp tác giữa CHE và EHG sẽ hỗ trợ sự phát triển nguồn nhân lực có trình độ, được trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng, đáp ứng những thách thức mới của ngành quản trị du lịch, khách sạn, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

Bảo Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ