Ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp giáo dục có “tỉnh giấc”

Ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp giáo dục có “tỉnh giấc”

Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. 

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” ngày 9/5 vừa qua, Thủ tướng khẳng định, giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra nên cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế. Các bộ, ngành phải xắn tay áo tháo gỡ cho doanh nghiệp có nhu cầu cần vốn. Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI tiến hành cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020 vừa qua về thực trạng của doanh nghiệp, có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III/2020, 22% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh và 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động vì không có vốn.

Động thái của NHNN giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, thêm nguồn vốn lãi suất thấp hơn để cho các khách hàng bị thiệt hại do Covid-19 vay vốn. Sáng 13/5, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo biểu lãi suất niêm yết tại Ngân hàng Vietinbank, Agribank, BIDV... thì lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng đang ở mức 4,0%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty Du học E.T.A.S (Lò Đúc, Hà Nội) cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn. Công ty vẫn phải trả các khoản chi phí cho vận hành như thuê văn phòng, tiền lương, bảo hiểm cho nhân viên. Nguồn thu chính của công ty là tư vấn du học các nước Mỹ, Canada, Anh, Australia... đều đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch. 

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: “Việc đánh giá chính xác, cụ thể về thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra để có giải pháp tương ứng là rất khó bởi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, mọi đánh giá về tác động mức độ ảnh hưởng thiệt hại cũng là tương đối. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các bộ, ngành cần nghiên cứu và kịp thời đưa ra các giải pháp, thậm chí kiến nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh hơn. Một số ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét có gói bù lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại, tuy nhiên, việc miễn giảm thuế sẽ khả thi hơn, dễ thực hiện, đúng đối tượng. Với các ngân hàng, ngoài việc miễn giảm lãi và giãn nợ, vẫn nên có những biện pháp để hạ lãi suất cho vay xuống thấp hơn”.

Các nước đóng cửa, khách hàng trong nước gặp khó khăn tài chính không thể cho con đi du học hoặc không còn giữ ý định cho con đi du học khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Công ty đang cố gắng duy trì để giữ thị trường cho giai đoạn sau khi hết dịch. Để cầm cự được trong một thời gian, công ty rất cần được hỗ trợ về tài chính. Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giúp công ty giảm thiểu được chi phí để duy trì hoạt động cầm cự, vượt qua thời kỳ khó khăn.

Theo một số chuyên gia tài chính, việc giảm lãi suất có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp. Nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chưa tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 300 nghìn tỷ. Việc giảm lãi suất này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay, mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng những cơ hội để bứt phá đặc biệt khi dịch bệnh qua đi. Cùng với việc đảm bảo ổn định vĩ mô, NHNN hạ lãi suất điều hành để dần tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn đối với cả nền kinh tế.

TS Lê Văn Sơn, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi của NHNN diễn ra giúp các ngân hàng thương mại tiếp cận vốn chính sách với chi phí rẻ hơn. Nó tạo thêm điều kiện để đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Còn trần lãi suất cho vay được giảm thêm 0,5% cũng giúp các doanh nghiệp mặc định được giảm chi phí tài chính mà không cần phải chờ đánh giá, xét duyệt để được hỗ trợ giảm lãi suất của các gói tín dụng từ phía ngân hàng.

Lãi suất mới “thức tỉnh” doanh nghiệp “ngủ đông”

Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN chỉ giúp các ngân hàng có cơ sở để hạ lãi suất cho các khoản vay mới. Trong bối cảnh làm ăn khó khăn hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch, hầu hết các doanh nghiệp đều cố xoay xở để nuôi bộ máy, trả lãi cho các khoản vay trước đó chứ chưa tính đến việc vay mới. Không nhiều doanh nghiệp dám vay mới để đầu tư sản xuất kinh doanh, chưa kể việc xét duyệt cho vay cũng không phải dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp tỏ ra lạc quan bởi lãi suất mới sẽ giúp họ “cầm cự” qua giai đoạn khó khăn.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển giáo dục INNEDU (TPHCM) cho rằng, thời điểm hiện nay, học sinh đã trở lại trường nhưng các chương trình ngoại khóa và kỹ năng vẫn đóng băng. Công ty vẫn đang gặp khó khăn trong kinh doanh sau hơn 3 tháng không có 1 đồng doanh thu nào. 

Điều mà công ty mong ngóng là được hỗ trợ giảm lãi suất các khoản vay cũ hoặc áp dụng mức lãi cho vay mới khi đáo hạn nợ cũ. Hầu hết các doanh nghiệp giáo dục hiện nay hoặc phá sản hoặc cố gắng duy trì trạng thái “ngủ đông” để chờ dịch bệnh đi qua, cần nguồn vốn để duy trì thuê mặt bằng và giữ chân các nhân sự đã qua đào tạo. Và việc áp dụng lãi suất cho vay ở mức 5%/năm cũng là nguồn động viên lớn lao đối với các doanh nghiệp về giáo dục bởi công sức, tâm huyết, thời gian và sản phẩm của họ luôn cần sự kỳ công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ