“Ngắn hạn” liên kết nghiên cứu

GD&TĐ - Trong nền kinh tế tri thức, mối quan hệ và gắn kết giữa trường ĐH với doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Nhiều hình thức hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp đã được triển khai trong nghiên cứu KH-CN.       Ảnh minh họa/INT
Nhiều hình thức hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp đã được triển khai trong nghiên cứu KH-CN. Ảnh minh họa/INT

Không những giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính, giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động, mối quan hệ này còn đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.

Chính bởi tầm quan trọng của mối quan hệ này mà Cộng đồng châu Âu đã tiên phong trong việc đề ra chính sách bắt buộc các trường đại học trong khối phải cộng tác với nhau và với các doanh nghiệp. Ở Anh, tỷ lệ vốn mà doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động này (so với tổng số vốn tương ứng trong các trường đại học) chiếm khoảng 11%. Ở Hoa Kỳ, nhà nước có vai trò lập chính sách ưu đãi hợp lý để tác động cho sự hợp tác nhiều bên này.

Tại Việt Nam, để thúc đẩy, phát triển mối quan hệ này, nhiều hình thức hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp đã được triển khai trong nghiên cứu KH-CN; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên; hỗ trợ tinh thần đổi mới sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp; tham gia quản trị nhà trường..

Một số mô hình hợp tác đã triển khai khá thành công. Đặc biệt, không chỉ tăng cường hợp tác, ở một số trường ĐH còn thành lập hẳn doanh nghiệp trực thuộc với mục tiêu làm cầu nối giữa trường với các doanh nghiệp và địa phương, hỗ trợ cho công tác đào tạo và nghiên cứu. Chẳng hạn như Công ty BK-Holdings của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên của Trường Đại học KHTN (ĐHQG HN)…

Tuy vậy, so với tính chất và yêu cầu của nền kinh tế tri thức, mối quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa nhà trường và doanh nghiệp đến nay vẫn chưa như mong muốn. Theo Tạp chí Mặt trận, chỉ có 4% doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo ĐH trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 29% doanh nghiệp tham gia hội thảo, tọa đàm, giảng dạy ở các cơ sở đào tạo.

Nguyên nhân, trước hết do mỗi bên còn có những khó khăn nhất định. Với trường ĐH, dù có 2 nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học nhưng thực tế, đa số trường vẫn nặng với “gánh” đào tạo. Việc tập trung nguồn lực cho mối quan hệ này ít nhiều phát sinh những mâu thuẫn lợi ích trong bản thân đơn vị, do kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị thiếu thốn và đội ngũ vẫn phần đông chuyên về giảng dạy. Doanh nghiệp Việt Nam lại đa phần vừa và nhỏ, chưa nhận thức hết được vai trò hợp tác với trường ĐH trong nghiên cứu chuyển giao để đổi mới công nghệ, thiếu sự tin tưởng ở nhà trường, còn sợ rủi ro…

Đáng chú ý, mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH), Luật Doanh nghiệp, Luật Chuyển giao công nghệ… có đề cập đến mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp nhưng chưa rõ ràng về vấn đề hợp tác. Hành lang pháp lý về quyền tự chủ, tự trị ĐH công lập, việc thành lập doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong các trường ĐH... vẫn chưa đảm bảo.

Đến nay, một số trường công lập mạnh dạn thành lập doanh nghiệp để xúc tiến hợp tác nghiên cứu, nhưng vẫn còn bị vướng bởi các quy định về hoạt động của các trường công lập sử dụng ngân sách Nhà nước. Cơ chế chính sách hiện hành cũng chưa đề cập tới sự hỗ trợ của Nhà nước đối với mối quan hệ giữa trường ĐH và doanh nghiệp như chính sách về tài chính, thuế…

Phát huy hiệu quả mối liên kết hợp tác nhà trường - doanh nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các bên, cần thiết có “bà đỡ” phù hợp về chính sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ