Ngăn chặn tình trạng bỏ học bằng những việc làm thiết thực

GD&TĐ - So với những địa bàn vùng cao tỉnh Quảng Nam, những năm học trước, huyện miền núi Nam Trà My có tỷ lệ HS nghỉ học, bỏ học sau kỳ nghỉ Tết, nghỉ hè khá cao. 

Ngăn chặn tình trạng bỏ học bằng những việc làm thiết thực

Tuy nhiên, trong năm học này, tình trạng HS nghỉ học kéo dài, rồi dẫn đến bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn. Có được kết quả tích cực đó là nhờ ngành GD-ĐT địa phương, các trường học trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp hay nhằm kéo HS trở lại trường, lớp.

Quan tâm đến tâm lý, thói quen HS

Đến với các trường học đóng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa ở huyện miền núi Nam Trà My, chúng tôi được chứng kiến không khí học tập sinh động, nghiêm túc.

Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra hết sức sôi động, với sự tham gia đầy hào hứng, sôi động của HS, thầy cô giáo.

Theo cô Nguyễn Thị Ngoan - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Nam Trà My, những năm học trước, tỷ lệ HS kỳ nghỉ Tết, nghỉ hè chiếm tỷ lệ khá cao, chiếm hơn 5% số lượng HS toàn trường.

Nhưng đến năm học này tình trạng đó gần như được hạn chế đến mức thấp nhất, gần 100% HS đã trở lại lớp học ngay trong tuần học đầu tiên.

Có được kết quả đáng vui mừng này là nhờ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ngay trong tuần học đầu tiên nhằm “lôi kéo” HS trở lại trường, lớp sau kỳ nghỉ Tết.

“Nhằm ngăn chặn thói quen nghỉ học kéo dài sau kỳ nghỉ Tết, rồi dẫn đến bỏ học giữa chừng, nhà trường đã có sáng kiến thay đổi lịch, thời gian các hoạt động ngoài giờ lên lớp và các hoạt động văn hóa, thể thao. Trong đó, các giải bóng chuyền, bóng đá, hội thi văn nghệ, hội diễn văn nghệ được nhà trường tổ chức sau những kỳ nghỉ Tết, nghỉ hè.

Chính nhờ các hoạt động này mà các em HS đã tự giác trở lại trường, hào hứng tham gia các hoạt động. Thầy cô giáo không còn vất vả đi vận động từng HS đến trường nữa.

Đây là giải pháp mang tính tâm lý nhằm “đánh” vào sự ham vui, yêu thích các hoạt động văn hóa, thể thao của các em mà thôi. Đối với HS vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi nghe nhà trường có tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ là em ấy tự giác trở lại trường ngay. Từ đó, thông qua các hoạt động này, thầy cô giáo sẽ tiếp cận trò chuyện, động viên các em phấn đấu học tập” - Vô Ngoan chia sẻ.

Quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Với điều kiện đường sá đi lại khó khăn, cách trở rừng núi, sông suối, cứ sau mỗi kỳ nghỉ Tết là đến mùa thu hoạch cây đót nên làm gia tăng tình trạng HS nghỉ học.

Vấn đề này không chỉ trở thành nỗi lo của ngành GD-ĐT, trường học, mà còn là sự trăn trở của chính quyền các địa phương. Bởi vậy, trong thời gian qua, ngành GD-ĐT, trường học, chính quyền địa phương luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng HS nghỉ học, bỏ học sau các kỳ nghỉ.

Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Don (xã Trà Don, Nam Trà My) - cho hay: Vấn đề làm thế nào để ngăn chặn tình trạng HS nghỉ học, bỏ học sau mỗi kỳ nghỉ là nỗi lo thường trực của những người cán bộ, giáo viên công tác trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trong những năm học trở lại đây, tình trạng này gần như đã được hạn chế nhờ có những giải pháp căn cơ.

Nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của phụ huynh, HS; tích cực tổ chức các hoạt động ngoài giờ tạo hứng khởi cho các em HS xuyên suốt trong cả năm học; xây dựng môi trường học tập thân thiện, giúp các em yên tâm học tập, để các em thực sự xem trường là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Một nguyên nhân cơ bản khác là nhờ chuyển đổi mô hình trường phổ thông thành trường phổ thông dân tộc bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho HS đến trường.

Các em HS được thầy cô giáo chăm sóc tận tình, gần gũi, kèm cặp, hướng dẫn học tập nên chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Còn theo thầy Võ Đăng Thuận – Phó Trưởng phòng phụ trách phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My, những năm trước, cứ đến sau Tết âm lịch, nghỉ hè là nhiều lớp học ở các trường trên địa bàn là thiếu vắng HS.

Nhiệm vụ kéo HS trở lại với trường lớp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD&ĐT, các trường học đề ra thực hiện, xem đó như một tiêu chí thi đua của đơn vị mình. Sau nhiều năm “loay hoay” đến nay gần như các trường học đã tìm được lời giải cho bài toán này.

Thầy Thuận cho biết thêm: Trong tổng số 31 đơn vị trường học, đến nay, huyện Nam Trà My đã xây dựng được 16 trường PTDT bán trú, trong đó có 5 trường PTDT bán trú tiểu học, 10 trường PTDT bán trú THCS và 1 trường PTDT bán trú tiểu học – THCS.

Hiệu quả mà mô hình trường học PTDT bán trú mang lại cho ngành GD&ĐT huyện miền núi Nam Trà My quả thật rất lớn. Mô hình trường PTDT bán trú đã không chỉ tạo điều kiện ăn ở, học tập thuận lợi cho các em HS đồng bào dân tộc, mà còn giúp các trường học nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là ngăn chặn được tình trạng HS nghỉ học, bỏ học giữa chừng.

Chính nhờ ý nghĩa thiết thực đó mà hiện nay UBND huyện Nam Trà My đang tiếp tục triển khai thực hiện mở rộng, chuyển đổi, thành lập thêm 5 trường PTDT bán trú tiểu học, để hoàn thành mục tiêu 100% trường tiểu học, THCS đều trở thành trường PTDT bán trú. Tất cả những điều đó sẽ là những giải pháp căn cơ đưa giáo dục miền núi huyện Nam Trà My có những bước phát triển vững chắc.

“Đến thời điểm này gần như 100% HS đã trở lại trường học, không còn tình trạng nghỉ học kéo dài như năm học trước đây. Để có được kết quả đáng phấn khởi này, các thầy cô giáo và Ban giám hiệu các trường đã có nhiều giải pháp hay nhằm kéo HS trở lại với trường lớp.                                                                                                                                                                                                                 Việc các trường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho các em ngay ngày đầu tiên trở lại trường, thay vì học ngay là một trong những giải pháp hay, linh hoạt nhằm vận động HS trở lại trường lớp hiệu quả” - Thầy Võ Đăng Thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ