Trong báo cáo của các địa phương gần đây, hầu hết đều ghi nhận: Các trường không xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan dạy sai quy định… nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
Ngoài học chính khóa, học sinh vẫn miệt mài học thêm hết môn này đến môn khác, mệt mỏi, rã rời… chỉ khác là trước đây, các em học ở nhà thầy cô giáo, còn bây giờ phải vào trường để học, hoặc vào cơ sở bồi dưỡng văn hóa.
Về bản chất, việc dạy thêm, học thêm không có gì thay đổi, có chăng chỉ là hình thức tổ chức khác đi một chút mà thôi.
Trước đây, khi chưa có Thông tư về việc cấm dạy thêm, học thêm tràn lan thì giáo viên chiêu sinh và dạy ở nhà mình.
Từ khi ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm nêu rõ: “Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.
Từ khi áp dụng Thông tư 17, giáo viên không dạy thêm ở nhà nữa, mà đem học sinh qua trường hoặc qua các “cơ sở bồi dưỡng văn hóa” để dạy.
Số tiền học sinh đóng hàng tháng, giáo viên dạy hưởng 80%, 20% còn lại trích nộp cho nhà trường hay cho cơ sở bồi dưỡng.
Không phải bỏ công chiêu sinh, xếp lớp nhưng Ban giám hiệu các trường và cơ sở bồi dưỡng văn hóa hàng tháng lại nhận được số tiền phần trăm không nhỏ.
Vì thế, trường học và cơ sở bồi dưỡng đã trở thành “tấm bình phong” chắc chắn, đương nhiên chuyện dạy thêm của nhiều thầy cô giáo đã trở thành hợp pháp.
Việc mở cơ sở bồi dưỡng văn hóa lại quá dễ dàng, người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm có trình độ, có sức khỏe, không trong thời gian kỉ luật… cần có đầy đủ cơ sở vật chất đúng quy định…
Chỉ với cái thị xã bé tẹo nơi tôi sống, cũng ngót nghét gần chục cái cơ sở bồi dưỡng văn hóa.
Những cơ sở này, chủ nhân có thể là hiệu trưởng mở cho người nhà dạy, là phó hiệu trưởng trường học mở cho chính mình, là giáo viên dạy các môn mà học sinh cần phải đi học thêm…
Học sinh có thể đăng ký học thêm tại trường từ 6 giờ tối đến 9 giờ, có thể học thêm ở các cơ sở bồi dưỡng vào bất kỳ thời gian nào trong ngày mà giáo viên dạy sắp xếp…
Để “lập lại trật tự” trước hết cần cấm tuyệt đối việc dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức cả trong và ngoài nhà trường.
Bởi vì còn cho phép dạy thêm dù đúng
quy định thì các cá nhân, trường học sẽ dễ dàng lách luật. Mà người Việt mình rất giỏi ở việc này.
Nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình học thêm nhưng thấy “con người ta” đi học nhiều, cũng nóng hết ruột gan nên đành cố theo.
Nếu đã cấm tuyệt đối dưới mọi hình thức thì các em ở thành thị đến
nông thôn, từ Nam ra Bắc cũng đều giống nhau.
Các em chỉ hơn nhau ở chỗ: Ai chịu khó tự học, tự nghiên cứu kiến thức sẽ vững hơn…
Bất kể chuyện gì dù khó đến đâu nhưng muốn làm thật sự và có quyết tâm đều sẽ thành công.
Đơn cử việc đội nón bảo hiểm khi đi xe máy cách đây mấy năm. Thời gian đầu, mọi người những tưởng không thể thực hiện nổi nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, mọi chuyện đã đi vào ổn định.
Dù có khập khiễng khi so sánh hai sự việc với nhau nhưng nếu quyết tâm cấm dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay thì hoàn toàn không có gì là khó.