Ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội trong sinh viên

GD&TĐ - Internet và các trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho sinh viên, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt.

Ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội trong sinh viên

Hạn chế mặt trái của mạng xã hội

PGS TS Đinh Văn Hải- Trưởng phòng Công tác Chính trị và công tác sinh viên (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Cùng với sự tiến bộ của xã hội, Internet nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng ngày càng phát triển, đây là xu thế tất yếu khách quan. Tuy nhiên, cần phải hạn chế tối đa mặt trái của nó, nhất là trong môi trường sư phạm.

Trong những năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã huy động nguồn lực để ngăn chặn các trang web có nội dung xấu, chứa phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy trên toàn bộ mạng và các máy tính trong trường. Việc này là cần thiết để giảm thiểu sự suy thoái đạo đức của một bộ phận giới trẻ cũng như hạn chế các yếu tố làm ảnh hưởng đến việc học của sinh viên.

Thêm vào đó là công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội. Hiểu biết về các trang mạng xã hội cho sinh viên đã được nâng lên thông qua các buổi sinh hoạt công dân, lồng ghép nội dung trong các môn học.

Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cho thanh niên, làm cho họ biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Các thông tin tung lên mạng phải đúng với quy định của pháp luật, của đơn vị, địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Thầy Hải chia sẻ: Các thầy cô giáo cần thường xuyên giáo dục, định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp, nâng cao sức đề kháng trước tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội, làm sinh viên thấm sâu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giáo dục, rèn luyện cho họ có bản lĩnh vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh.

Đặc biệt quan tâm, coi trọng việc bồi dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội, rèn luyện thói quen, kỹ năng sống cho thanh niên, nhất là kỹ năng điều tiết và kiểm soát bản thân. Làm tốt điều này sẽ giúp cho sinh viên có đủ tự tin, bản lĩnh và phương pháp phòng tránh với những chiêu bài tiêu cực trên các trang mạng xã hội.

Thực tiễn cho thấy nếu thiếu hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh thì đa phần thanh niên sẽ dành thời gian rảnh rỗi tham gia vào các trang mạng không lành mạnh. Do vậy, tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh là biện pháp hiệu quả, thiết thực để vừa quản lý được thanh niên vừa bồi dưỡng, nâng cao hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp cho giới trẻ, đồng thời hạn chế thấp nhất sự tác động tiêu cực, đa chiều của các trang mạng xã hội.

Xử lý mềm mỏng, tránh tái phạm

Khi bị cấm đoán hay giám sát, các em thường có những thái độ phản kháng, thậm chí là những hành vi nguy hiểm. Vì vậy, cần phải có những biện pháp phù hợp để có sự hợp tác từ các em sinh viên. Ngoài ra, đối với các sinh viên vi phạm đã bị phát hiện, nhà trường cũng cần phải có những biện pháp phù hợp đối với các em.

Giải pháp được trường Đại học Bách khoa đề xuất gồm 2 bước, giúp các sinh viên có thái độ đúng đắn hơn về mạng xã hội, phần nào hạn chế những hậu quả tiêu cực do mạng xã hội mang lại.

Bước một, phải xác định các sinh viên này khi bị phát hiện sẽ có tâm lý không ổn định, động thái cứng rắn như đình chỉ học, cảnh cáo ngay lập tức không những không mang lại hiệu quả mà có thể sẽ gây ra những hành động tiêu cực như tự tử, trầm cảm…

Vì vậy nhà trường cần phối hợp với gia đình, cán bộ quản lý để từ từ khuyên nhủ, hướng các em về con đường đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn phải áp dụng các hình thức kỷ luật để làm gương, tránh tái phạm.

Bước hai, cần quản lý, theo dõi các sinh viên này chặt chẽ, liên tục, đảm bảo có thể ngăn chặn các hành vi tái phạm. Việc này đòi hỏi sự quan tâm của các đơn vị lớp, khoa, viện. Đồng thời, truy xuất những kẻ lôi kéo, những nguồn xấu khiến sinh viên xao nhãng để xử lý triệt để.

Qua một thời gian thực hiện các giải pháp, tỷ lệ sinh viên truy cập các trang web không lành mạnh giảm rõ rệt sau các buổi sinh hoạt công dân hay tọa đàm về sức khỏe sinh sản do nhà trường tổ chức.

Phần lớn sinh viên kiên định với tư tưởng của Đảng, góp phần đẩy lùi âm mưu của các thế lực thù địch, vạch trần các âm mưu chống phá nhà nước trên Internet, mạng xã hội.

Đã hình thành những hội nhóm mang tính chia sẻ để giúp sinh viên thổ lộ tư tưởng, nguyện vọng, qua đó giúp đỡ động viên lẫn nhau, hạn chế được mặt trái của mạng xã hội, Internet.

Các trang web, facebook chính thống của nhà trường đã trở thành địa chỉ tin cậy khi sinh viên cần thông tin cũng như cần giúp đỡ. Đặc biệt trong các trường hợp lăng mạ, xúc phạm trên mạng xã hội, phía nhà trường đều có những biện pháp cụ thể giúp trấn an tinh thần, bảo vệ các em trước những suy nghĩ tiêu cực.

Những kết quả nêu ra có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp trồng người của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những thành quả đạt được chỉ ra rằng nhà trường không chỉ đào tạo những lớp kỹ sư tốt về chuyên môn mà còn phải có đạo đức tốt, khả năng miễn dịch với những thông tin lệch lạc, sai trái trên Internet, đặc biệt là mạng xã hội.  

Qua đó, nhà trường trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy đối với các em học sinh và gia đình, nơi sản sinh những con người tài hoa, phẩm chất tốt với xã hội. Sinh viên chắc chắn cũng sẽ cảm thấy yên tâm khi được học trong môi trường an toàn, chuyên nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ