(GD&TĐ) - Thấm thoắt đã hơn 10 năm kể từ ngày điêu khắc gia Lê Thành Nhơn qua đời (4/11/2002), người dân cố đô Huế vẫn cứ nghĩ rằng ông như đang còn sống trong lòng bè bạn. Đất Huế tuy không mãi là nơi ông sinh ra nhưng chính vùng sông Hương, núi Ngự đã để lại trong ông khắc khoải một nỗi nhớ triền miên. Có lần khi còn sống ở Úc ông tự bạch: “Nhớ quá! Huế quê hương vàng son, nhân tình keo sơn, tình bằng hữu liền như sông núi, mặc dù xa ngàn dặm mà sao gần trong gang tấc”.
Sự hào phóng tài hoa
Không sinh ra và lớn lên ở miền núi Ngự sông Hương nhưng Lê Thành Nhơn như đã có duyên kiếp với Huế. Tuy ở Huế chỉ vẻn vẹn chưa đầy 5 năm (1970 - 1975), nhưng nơi đây đã ghi lại những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông. Cũng như cái duyên “thầm kín” giữa Huế và ông mà trên con đường Lê Lợi bờ Nam sông Hương ngày nay, 3 tác phẩm của ông đã được định vị tại “những vị trí văn hóa sang trọng”. Đó là Cô gái Việt Nam, Tượng Quán Thế Âm và tượng Chí sĩ Phan Bội Châu.
Đặc biệt tượng danh nhân Phan Bội Châu nằm cạnh cầu Trường Tiền được đánh giá là pho tượng đồng lớn nhất và đẹp vào loại bậc nhất nước ta hiện nay. Đây cũng là tác phẩm tâm huyết của nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn cùng các thành viên ủy ban Dựng tượng danh nhân Việt Nam do nhóm trí thức yêu nước ở Huế vào những thập niên 70 của thế kỷ XX dành cho vùng đất cố đô.
Nói về người bạn của mình, nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý nhận xét: “Hiếm có người nghệ sĩ nào được nhiều bạn bè yêu mến như Nhơn. Yêu lúc còn sống cũng như sau khi đã qua đời. Lý do chủ yếu là vì Nhơn cũng rất yêu bạn bè và sống hết lòng với bạn bè. Tôi đến nhà người bạn nào của Nhơn cũng đều thấy một hai tác phẩm của anh. Hầu hết là do anh tặng. Anh tặng người này bức tranh, người kia bức tượng, người nọ cái bình gốm”.
Nên nhớ là Lê Thành Nhơn rất nghèo. Qua Úc, thoạt đầu, anh làm nghề thợ sơn trong một hãng xe. Sau bán vé trên xe điện - cả hai đều không phải là những nghề có lương cao. Sau đó, từ đầu thập niên 1990, anh bỏ hẳn các nghề lao động ấy để dành toàn bộ thời gian vẽ tranh, tạc tượng và làm đồ gốm. Nhưng các hoạt động ấy đều không đẻ ra tiền.
Tượng Cô gái Việt Nam được đặt tại vị trí trang trọng trước mặt Trường THPT Hai Bà Trưng |
Những tượng đài vinh danh Huế
Để ghi nhận tình cảm của ông dành cho Huế, ngày 5/4/2012, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng đã làm lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình di dời và lắp dựng tượng Phan Bội Châu tại số 19 Lê Lợi, cạnh cầu Trường Tiền.
Bức tượng được đúc vào năm 1974 tại phường Đúc (TP Huế), cao 4,5 m, dày 2,5 m và rộng 3,5 m, được ghép bằng 13 mảnh đồng nặng 7 tấn. Sau khi hoàn thành, tượng được đặt trên vỉa hè phường Đúc. Năm 1988 UBND thành phố tổ chức đưa về khuôn viên nhà lưu niệm cụ Phan (119 Phan Bội Châu) nơi cụ Phan đã sống 15 năm cuối đời. Tuy nhiên suốt thời gian dài, bức tượng đồng lớn nhất Việt Nam về nhà chí sĩ yêu nước bị “quên” trong không gian chật hẹp này vì chưa tìm được chỗ đặt tượng phù hợp.
Bên cạnh đó bức tượng Cô gái Việt Nam nặng gần 5 tấn bằng chất liệu xi măng trắng, chiều cao 2,8m được thực hiện năm 1970 trước đây tọa lạc ở số 10 Lê Ngô Cát, Q.3, TPHCM nay đã được đem về Huế tại một vị trí trang trọng trước mặt trường Đồng Khánh ngày xưa (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng).
Nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn đã qua đời hơn mười năm nhưng trong tâm trí, tình cảm của mọi người, ông thật sự là một nghệ sĩ tài hoa của đất nước. Huế tự hào là nơi đã góp phần nuôi dưỡng, hình thành nên tâm hồn nghệ sĩ sâu nặng của ông. Nơi thôi thúc, tạo niềm hứng cảm nghệ thuật và cũng là nơi lưu giữ những tác phẩm giá trị của ông.
Lê Thành Nhơn sinh ngày 17/11/1940 tại Thủ Dầu Một (Bình Dương). Sau khi học xong trung học, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn rồi tốt nghiệp thủ khoa tại trường này. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật ông từng là giáo sư Trường Mỹ nghệ Thực hành Bình Dương; Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn; Trường Mỹ thuật Huế; Đại học Cộng đồng Duyên Hải (Nha Trang). Trong thời gian này ông cho ra mắt những tác phẩm như tượng Quan Thế Âm tại Liễu Quán, Huế; tượng Phật Thích Ca cao 4,5m tại chùa Huệ Nghiêm… Năm 1975 ông rời Việt Nam sang Úc và định cư tại Melbourne. Một số tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông hiện nay được trưng bày ở Đại học Monash tại Melbourne; Viện Bảo tàng Quốc gia Úc, tại Canberra và Viện Bảo tàng Di dân tiểu bang Victoria. Nổi tiếng nhất trong những tác phẩm điêu khắc của ông là tượng chân dung nhà chí sĩ Phan Bội Châu bằng đồng cao 3,5m ở Huế. Ông mất vào ngày 4/11/2002 tại Melbourne (Úc). |
Minh Ngọc