Ngậm ngùi sơn mài

Ngậm ngùi sơn mài

Đẹp nhưng bị... “lạnh nhạt”

Nói về sơn mài truyền thống, giới hội họa luôn nghiêng mình trước vẻ đẹp vàng son chẳng đâu có được. Họa sĩ Đào Ngọc Hân đã dẫn giải về vẻ đẹp rất riêng ấy là một vẻ đẹp dày dặn, luôn óng ả và mang chiều sâu hơn so với tất thảy các chất liệu khác. Thế nhưng, tiếc thay vẻ đẹp vàng son ấy dường như đang dần chỉ còn là ký ức... một thuở vì giờ đây không còn mấy họa sĩ đắm đuối.

Điều này được họa sĩ Vũ Đức Trung từng chia sẻ khi nói về nghệ sĩ trẻ và tranh sơn mài. Theo anh, họa sĩ thế hệ 9X làm sơn mài gần như rất hiếm. Cũng vì, để biết vẽ không khó, song để thực hiện một tác phẩm sơn mài truyền thống đạt được một mức độ thành công nào đó thì chẳng dễ dàng. Trong khi người trẻ luôn cần nhanh, cần những cái đáp ứng nhu cầu trước mắt. “Những năm qua, giới họa sĩ trẻ gần như không làm sơn mài, ngoại trừ bài tốt nghiệp của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam” – họa sĩ Vũ Đức Trung cho hay.

Trong khi đó, theo họa sĩ Nguyễn Thị Quế - một trong số ít người còn cần mẫn gắn bó với sơn mài truyền thống trong suốt mấy chục năm qua, sự dày công và kiên nhẫn để hoàn thành một tác phẩm sơn mài truyền thống chính là nguyên do khiến nhiều họa sĩ bỏ cuộc. Đấy là, khi thực hiện một tác phẩm sơn mài truyền thống phải mất rất nhiều thời gian chờ ủ sơn, chờ sơn khô trong khi sử dụng sơn công nghiệp lại có thể đốt cháy những giai đoạn ấy.

Họa sĩ Nguyễn Đình Bảng còn cho rằng, chuyện giá cả của tranh sơn mài truyền thống luôn gấp đôi, gấp ba so với tranh làm bằng sơn điều, sơn Nhật cũng là một điều đáng bàn. Nhưng cũng chẳng thể khác được khi nó luôn tỉ mẩn và lắm công phu. Thế nên, cũng thật khó lòng trách được vì sao họa sĩ hôm nay ít mặn mà với tranh sơn mài truyền thống vì vừa mất công, vừa khó bán (vì đắt).

Lý giải thêm về nỗi băn khoăn này, chính ông Tạ Hùng Cường - người trực tiếp sản xuất và xuất khẩu tranh sơn mài và hàng thủ công mỹ nghệ ứng dụng sơn mài, (làng Hạ Thái, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) cũng phải than. Ấy là nỗi niềm không thể chê về giá trị thẩm mỹ, song chẳng thể bảo đảm với khách vì đơn hàng tranh sơn mài truyền thống luôn mất từ 3 - 4 tháng mới có thể xuất xưởng (đấy là chưa tính đến trường hợp ủ sơn bị lỗi). Nói chung, vì cái công thực hiện quá lâu nên việc triển khai một đơn hàng tranh sơn mài truyền thống luôn thấp thỏm, chông chênh.

Chẳng nhẽ đành lòng?

Vẻ đẹp vàng son riêng biệt của tranh sơn mài truyền thống được tạo ra từ đâu? Không đâu khác chính là từ sự tài hoa của họa sĩ khi được tung tẩy bằng chất liệu sơn ta - cách gọi để nói về loại sơn được sản xuất từ cây sơn đỏ trồng ở Việt Nam để phân biệt với các loại sơn công nghiệp như sơn điều, sơn Nhật.

Câu chuyện phát hiện để rồi ứng dụng thành công sơn ta vào sáng tác tranh sơn mài cũng lắm điều thú vị. Nó được khởi nguồn từ chính các bậc thầy hội họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn... kết hợp cùng nghệ nhân dân gian Đinh Văn Thành (làng Hạ Thái) dày công khám phá. Từ đó, sơn ta trở thành chất liệu chính của nghệ thuật tạo hình thế kỷ XX cùng hàng loạt tác phẩm danh tiếng như: “Thiếu nữ trong vườn” của Nguyễn Gia Trí, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, “Tát nước đồng chiêm” của Trần Văn Cẩn, “Tổ đổi công miền núi” của Hoàng Tích Chù, “Ông Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm…

Những tưởng sẽ mãi vững vàng trong đời sống hội họa Việt, thế nhưng từ mấy chục năm trở lại đây, chất liệu sơn ta bị chất liệu sơn công nghiệp lấn át đến nỗi gần như vắng bóng. Tất cả cũng bởi nhu cầu... nhanh và rẻ - một nhu cầu sơn ta đành chịu chết.

Cũng vì thế mà hàng chục năm qua, dù thị trường tranh sơn mài vẫn sôi động, song phần lớn được làm từ chất liệu sơn công nghiệp là chính. “Làng Hạ Thái vẫn còn một số nghệ nhân làm tranh sơn mài truyền thống nhưng theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, có lẽ cả năm chúng tôi cũng chỉ có thể nhận được 1 - 2 đơn đặt hàng” – ông Tạ Hùng Cường cho biết.

Ở huyện Tam Nông – Phú Thọ - vùng đất trồng giống sơn đỏ quý giá giờ đây những nương cây sơn đỏ dần thay thế bằng bạch đàn, keo... để lấy gỗ. Đã từng trực tiếp đến Tam Nông, họa sĩ Nguyễn Đình Bảng bảo rằng thật nực cười làm sao khi Việt Nam có nguồn nguyên liệu quý nhưng đến giờ chẳng mấy người sử dụng mà để thương lái Trung Quốc tới thu mua.

Điều này cũng được chị Nguyễn Thị Minh Hương, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông xác nhận để rồi kể câu chuyện thật như bịa: “Thương lái Trung Quốc nhập sơn mới của bà con chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng/kg để về tinh chế và bán cho thương lái Nhật Bản 2 triệu đồng/kg. Xót lòng lắm nhưng chúng tôi cũng chẳng biết làm gì khi chính thị trường trong nước ngó lơ”.

Nhắc đến câu chuyện hồ sơ di sản phi vật thể của nghệ thuật sơn mài trình UNESCO đến giờ vẫn bỏ ngỏ, nhiều nghệ sĩ, chuyên gia đều bày tỏ không ít sự thất vọng. Cũng vì, mấy năm qua giới nghệ sĩ rất nỗ lực tổ chức nhiều cuộc triển lãm vừa kể chuyện vừa minh chứng về những giá trị độc đáo của chất liệu sơn ta đóng góp vào nghệ thuật sơn mài truyền thống của nước nhà. Điển hình là triển lãm sắp đặt “Chuyện sơn mài Việt Nam” được tổ chức năm 2016 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội. “Nghệ sĩ đã tâm huyết kêu gọi xã hội hóa để tổ chức triển lãm vinh danh nên sẽ thật tiếc nếu hồ sơ bị... phủ bụi vì chưa được các cơ quan chức năng để tâm. Có một điều tôi muốn lưu ý là sự danh giá của sơn mài Việt Nam là ở chất liệu sơn ta. Nếu tham gia hồ sơ đa quốc gia thì chúng ta cần khẳng định rõ điều đó” – họa sĩ Đào Ngọc Hân nói.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.