Việc phát triển YU-71 nằm trong dự án bí mật có tên gọi “Dự án 4202” và là một phần kế hoạch của Moscow nhằm hiện đại hóa Lực lượng Tên lửa Chiến lược.
YU-71 đã trải qua hàng loạt các cuộc thử nghiệm trong 10 năm qua tại sân bay vũ trụ Baikonur và khu phức hợp tên lửa Dombarovsky. Theo nguồn tin mà Interfax có được, HGV này có khả năng đạt đến tốc độ lên đến 12.360 km/giờ.
Trong cuộc thử nghiệm gần đây nhất, YU-71 được phóng lên bầu khí quyển Trái Đất, cách mặt đất 100 km.
Một số nguồn tin tiết lộ Nga có thể đưa vào sử dụng khoảng 24 HGV các loại trong giai đoạn 2020-2025.
Hình vẽ minh họa một phương tiện tấn công siêu thanh. Ảnh: The Washington Times
Ngoài tác dụng làm tê liệt hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, YU-71 còn đóng vai trò trung gian để tạo ra các đơn vị chiến đấu hiện đại cho hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng của Nga, chẳng hạn tên lửa đao đạo liên lục địa Sarmat mang được 10 đầu đạn hạt nhân nặng hoặc 15 đầu đạn nhẹ.
Nhờ sở hữu các đặc điểm vượt trội về tốc độ, phạm vi hoạt động cũng như quỹ đạo bay thất thường, YU-71 trở thành vũ khí sát thương đáng sợ của quân đội Nga nếu chính thức đi vào hoạt động.
Hồi tháng 6 qua, "Dự án 4202”, bao gồm thiết bị YU-71, đã được giới thiệu tại “phòng kín” của diễn đàn kỹ thuật quân sự “Army-2015” tổ chức ở Kubinka, gần thủ đô Moscow.
Ngoài Nga, Trung Quốc cũng quan tâm nhiều đến loại vũ khí hiện đại này. Bắc Kinh đã thử nghiệm HGV có tên mã WU-14 ít nhất 4 lần kể từ tháng 1-2014, khiến Lầu Năm Góc lo ngại bởi phương tiện này được cho là có thể vô hiệu hóa lá chắn tên lửa của Mỹ.