Nga - Thổ đàm phán về Syria: Khó tìm tiếng nói chung

Nga - Thổ đàm phán về Syria: Khó tìm tiếng nói chung

Theo các phương tiện truyền thông, số lượng vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đến Syria đã vượt quá khối lượng liên quan đến các hoạt động trước đó. Việc thiếu các thỏa thuận giữa Moscow và Ankara có thể dẫn đến sự sụp đổ của “định dạng Astana” và vực dậy quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Căng thẳng leo thang trên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ

Năm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng, 5 người khác bị thương do pháo kích của quân đội Syria - Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào sáng thứ Hai. Theo truyền thông địa phương, quân đội Syria đã tấn công trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực định cư Taftanaz ở Idlib.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả cuộc tấn công này để tiêu diệt hoàn toàn các mục tiêu của kẻ thù và trả thù cho những người lính đã chết. Tên tội phạm chiến tranh đã ra lệnh tấn công tàn khốc này không chỉ tấn công Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả cộng đồng quốc tế”, trên Twitter của mình, Fahrettin Altun, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ viết.

Tại thời điểm đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hulusi Akar.

Đây là sự cố thứ hai diễn ra chỉ trong một tuần. Vào ngày 3/2, 5 chuyên gia quân sự và 3 chuyên gia dân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng tại Idlib. Ankara cáo buộc Nga liên kết với chế độ Syria và một lần nữa yêu cầu quân đội Syria phải ngừng tấn công ở Idlib, đe dọa sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự mới ở nước này.

Vào cuối tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chuyển giao thiết bị quân sự cho Idlib. Theo Tờ HaberTurk, số lượng thiết bị quân sự lần này lớn hơn nhiều lần so với số lượng được sử dụng trong các chiến dịch chống lại người Kurd trước đây. Tuy nhiên, cuộc chiến diễn ra mà không có thông báo chính thức.

Theo truyền thông Ả Rập, hôm thứ Hai, các lực lượng thân chính phủ đã đẩy lùi một cuộc phản công vào thành phố Sarakib của Quân đội Quốc gia Syria (lực lượng đối lập ôn hòa) được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ. Trong cuộc chiến này, lần đầu tiên pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng hệ thống tên lửa phóng đa năng Sakarya chống lại quân đội Syria.

Mấu chốt là thỏa thuận Nga - Thổ

Vào thứ Bảy (8/2), Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các cuộc tham vấn về Idlib ở Ankara. Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal dẫn đầu, còn phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Vershinin và Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentyev cùng tham dự.

Cuộc đàm phán cũng có sự tham gia của đại diện cấp cao của các Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan tình báo của hai nước. Mục tiêu chính của đàm phán là các bước có thể thực hiện để bảo đảm hòa bình trên mặt đất và thúc đẩy tiến trình chính trị ở Syria.

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, phái đoàn Nga đã bày tỏ đề xuất của mình, nhưng “không đạt được thỏa thuận cuối cùng, mà chỉ là một cuộc trao đổi quan điểm nên đã quyết định tiếp tục đối thoại”. Ông Cavusoglu cảnh báo trước rằng nếu các cuộc đàm phán không thành công, giải pháp của vấn đề có thể được chuyển lên cấp cao hơn.

Bộ trưởng không loại trừ phải tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tuy nhiên, thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Peskov cho biết, chưa có kế hoạch cụ thể nào. Ông Peskov cũng lưu ý rằng Moscow “vẫn còn quan ngại” về tình hình ở Idlib.

Theo các nhà phân tích, việc thiếu thỏa thuận giữa Moscow và Ankara có thể đe dọa định dạng Astana - cơ chế đàm phán về Syria giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran năm 2017. Có thể nói, nhờ sự tương tác của ba nước, các bên có thể tìm được một sự thỏa hiệp trên mặt đất cũng như đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo và chính trị.

Phương Tây cho rằng liên minh này nằm trong tay Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tích cực ủng hộ phe đối lập Syria và bảo vệ lợi ích của mình. Trong bối cảnh ấy, Washington ra sức lôi kéo Ankara về phía mình.

Vào ngày 12/2, ngay sau khi cuộc tham vấn Nga - Thổ kết thúc, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ tại Syria James Jeffrey đã đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ mới tuần trước, James Jeffrey khẳng định rằng Damascus “sẽ không sống nổi một tuần nếu không có sự giúp đỡ của Nga trên chiến trường”.

Syria vẫn là câu chuyện dài và phức tạp. Nếu các bên không biết kiềm chế, chỉ đặt lợi ích của mình lên trên hết thì việc bùng phát chiến tranh là hoàn toàn có thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ