New Zealand: Bảo đảm quyền lợi của du học sinh trước dịch bệnh

New Zealand: Bảo đảm quyền lợi của du học sinh trước dịch bệnh

Khó khăn đối với người học Trung Quốc

Phát biểu với truyền thông, bà Sabrina Alhady - Chủ tịch của Hiệp hội SV quốc tế New Zealand (NZISA), nói: “SV quốc tế đang phải đối mặt với khá nhiều áp lực. Do vậy, họ đã bị tác động lớn về mặt sức khỏe tâm thần. Họ cũng gặp phải nhiều vấn đề với tình trạng kỳ thị và các vấn đề hỗ trợ học tập. Họ không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo và lo lắng khi việc học bị ảnh hưởng”.

Cũng theo bà Alhady, một số chủ nhà đã thể hiện sự kỳ thị nếu SV thuê nhà là người gốc Á hoặc người Trung Quốc. “Chúng ta có thể cảm nhận rằng, có sự kỳ thị đối với SV đến từ Trung Quốc”, bà Alhady nói với kênh truyền hình TVNZ.

Trong một tuyên bố trước đó vào ngày 3/2, bà Alhady đã bày tỏ phản đối trước lệnh cấm mà Chính phủ New Zealand đưa ra; đồng thời nhận định, giới chức nước này chưa cân nhắc kỹ lưỡng đến những tác động tiêu cực đối với người học quốc tế.

“NZISA nhận thức được cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại do sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, chính phủ đã không xem xét các tác động đối với SV quốc tế - những người từng đến Trung Quốc hoặc là công dân Trung Quốc.

Do thông báo về lệnh cấm được đưa ra gấp gáp, các tổ chức GD đã giới hạn thời gian làm thủ tục để hỗ trợ những người học quốc tế bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Một số trường ĐH thậm chí còn không có trung tâm y tế dành riêng cho SV của họ”, nữ Chủ tịch NZISA cho hay.

Bà Alhady cũng khẳng định, chính phủ và các tổ chức GD chưa thành công trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng một cách chủ động, khiến SV nước ngoài rơi vào tình thế bất lợi.

“Việc tổ chức GD đưa ra lời giải thích về lệnh cấm là điều vô cùng quan trọng, nhằm bảo đảm SV có được sự hỗ trợ mà họ cần, cũng như tạo tiền lệ cho các điểm đến du học quốc tế khác và thúc đẩy ngành GD đi đúng hướng trong việc biến SV làm trung tâm”, bà Alhady nói.

Biện pháp hỗ trợ tối đa SV quốc tế

Trước bối cảnh người học Trung Quốc không thể trở lại New Zealand sau kỳ nghỉ, không ít SV chia sẻ họ cảm thấy đang gặp tổn thất về mặt tài chính khi phải thanh toán cho những dịch vụ mà họ không thể tiếp cận. Một số vấn đề mà những người học này gặp phải bao gồm việc không được hoàn lệ phí nộp đơn xin thị thực, phải nộp phí ở ký túc xá SV, phải đóng học phí khi không thể đến lớp...

Để giải quyết tình trạng này, NZISA cùng Hiệp hội SV Trung Quốc New Zealand chỉ ra rằng, các biện pháp nên được thực hiện bao gồm thay đổi lịch học phù hợp với SV quốc tế, bảo đảm nhân viên và các SV không phân biệt đối xử với người học Trung Quốc, cung cấp thông tin rõ ràng và thường xuyên đến vấn đề dịch bệnh, cũng như cung cấp hỗ trợ thường xuyên đối với bất kỳ SV quốc tế nào bị cô lập ở New Zealand.

Chủ tịch Liên minh GDĐH New Zealand (TEU) Michael Gilchrist cho biết, việc tổ chức một cuộc thảo luận giữa ngành GDĐH là cần thiết, nhằm xoa dịu mọi lo ngại về sức khỏe của nhân viên và SV tại thời điểm này; đồng thời tạo cơ hội cho các tổ chức có thể lên tiếng và biết rằng, họ đang được lắng nghe.

TEU cũng cảnh báo, các biện pháp nên được đưa ra để bảo vệ những tổ chức GD bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính do số lượng SV và doanh thu giảm.

“Điều quan trọng là các tổ chức đang gặp khó khăn về tài chính nhận được hỗ trợ. TEU đã cảnh báo trong nhiều năm nay rằng, một hệ thống thiếu sót phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu từ các SV quốc tế sẽ luôn khiến chúng ta rơi vào tình huống này. Những mối lo ngại này đang được hiện thực hóa, do vậy, các tổ chức GDĐH của chúng ta cần sự đảm bảo”, TEU cho hay.

Theo một tuyên bố từ các trường ĐH New Zealand vào ngày 5/2, SV Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người học quốc tế tại New Zealand (gần 45%). Trong khi đó, khoảng 15.000 người học Trung Quốc được dự kiến tới nước này trong tháng tới. “Hậu quả của sự trì hoãn trong việc cho phép SV Trung Quốc đến các trường ĐH đang trở nên nghiêm trọng”, thông báo từ TEU nhấn mạnh.

Trường ĐH Auckland cho biết, khoảng 50% - 75% SV Trung Quốc của trường đang ở quê nhà và không thể tới New Zealand. Trong khi đó, Trường ĐH Victoria của Wellington cho hay, 800 SV Trung Quốc của trường có thể mang lại hàng triệu USD cho các tổ chức nhà ở và khu vực nơi họ sống.

Theo Giám đốc Điều hành của các trường ĐH New Zealand Chris Whelan: “Mối quan tâm chính của chúng tôi là bảo đảm SV có thể học tập mà không có bất kỳ rủi ro nào đối với sức khỏe của họ cũng như cộng đồng.

Chúng tôi biết rằng, các kế hoạch trở lại học tập của họ đã bị tạm hoãn bởi lệnh cấm. Do đó, chúng tôi muốn bảo đảm sẽ không có SV nào phải trì hoãn việc học hoặc xin cấp lại thị thực. Chúng tôi đang đưa ra một số kế hoạch để làm được những điều này”.

Cũng theo ông Whelan, các cuộc đàm phán giữa những tổ chức GD New Zealand và chính phủ nước này đang được thực hiện, nhằm đối phó với tình hình và một số vấn đề hiện tại.

Theo đó, các SV quốc tế chưa thể trở lại New Zealand cần có được thông tin rõ ràng về những hỗ trợ mà họ được nhận, cũng như có được giải đáp cho những thắc mắc của mình. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ bảo đảm tính linh hoạt với các điều kiện thị thực cho những người học này.

“Chúng tôi hiểu, đây là khoảng thời gian đáng sợ và khó khăn đối với các SV. Chúng tôi kêu gọi người học thường xuyên kiểm tra trang web của trường ĐH để luôn giữ liên lạc”, ông Whelan nói.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.