Trẻ em nhớ trường, người lớn nhớ đồng nghiệp, bạn bè, các đôi tình nhân nhớ rạp chiếu phim, những người thích đi du lịch buồn vì phải “cách ly”, nhưng Internet đã giải tỏa được phần lớn nỗi nhớ nhung này.
Nhìn lại 15 năm trước Lệ thuộc toàn cầu là thiết yếu cho sự sống còn và ổn định xã hội. Chúng ta hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu không có những người cung cấp chăm sóc y tế tại gia, năng lượng và sưởi ấm, đưa hàng hóa vào siêu thị và bảo đảm an toàn đường phố?
Trong “tổ ong người”, mỗi thành viên trẻ hay già đều quan trọng đối với sự tồn vong của cộng đồng. Muốn thế chúng ta phải nhanh chóng tìm ra cách ứng phó với một kẻ thù chưa biết nhiều như Coronavirus. Chúng ta cũng phải tôn trọng thiên nhiên và quyền năng của nó, làm việc cùng nhau để tự bảo vệ mình và những người mình yêu.
Loài người đang sống trong thời điểm mong manh nhất kể từ sau Thế chiến 2. Cảnh Tổng thống Mỹ Kennedy bị bắn, bức tường Berlin sụp đổ và vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ đã bị “mờ” so với đại dịch.
Khi nhà báo công nghệ Rory Cellan-Jones tham dự hội nghị video với các đồng nghiệp ở Mỹ, nói chuyện Facetime với con trai còn kẹt tại một căn hộ ở London (Anh), một câu hỏi nảy ra trong đầu ông: Điều gì sẽ xảy ra nếu Covid-19 xuất hiện vào năm 2005, trước khi kỷ nguyên smartphone bắt đầu?
Nhiều công cụ kỹ thuật số giúp chúng ta duy trì sự kết nối bây giờ không có vào năm đó! Facebook mới một năm tuổi, vẫn còn là “hiện tượng” tại đại học Mỹ và chỉ đến các đại học Anh vào mùa thu 2005.
Năm 2005, Instagram và WhatsApp chưa có, và “trò chuyện trên mạng xã hội” rất phôi thai khi một số sinh viên dùng dịch vụ Friends Reunited (được kênh TH ITV mua lại) để tìm kiếm các bạn học cũ. YouTube ra đời năm 2005, Twitter nối gót vào năm sau và đến 2007 Apple mới giới thiệu iPhone, smartphone đầu tiên của thế giới. Hiện smartphone là phương tiện chính giúp chúng ta vào Internet, cả khi chúng ta phải cách ly ở nhà.
Cách nay 15 năm, chỉ có 9,8 triệu người Anh dùng dịch vụ Internet băng thông (broadband connection) để desktop của họ có thể vào Internet với tốc độ lên đến 10 megabits/giây (Mbps) - (mất khoảng 2,5 phút để tải về một album ca nhạc). 7 triệu người vẫn dùng kết nối chậm dial-up.
Skype được các doanh nhân Estonia phát minh năm 2003, nhưng vẫn chỉ là dịch vụ điện thoại Internet, đến 2006 nó mới thêm tính năng video. Lúc đó, muốn chat video với đối tác bạn cần có thiết bị hỗ trợ mạnh và đắt tiền. Nay, chúng ta dùng Facetime, WhatsApp và nhiều phần mềm khác để nói chuyện với gia đình và bạn bè ở cách xa nửa vòng Trái đất.
Chúng ta có những dịch vụ như Zoom, Bluejeans. Zoom được giới kinh doanh dùng nhiều nhất, chỉ đứng thứ 2 sau TikTok trong cửa hàng ứng dụng của Apple.
Khác biệt nhờ công nghệ
Hiện nay, có đến 96% hộ gia đình Anh có kết nối Internet băng thông với tốc độ download trung bình 54Mbps giúp hàng triệu nhân viên văn phòng có thể làm việc thoải mái tại nhà. Làm việc từ xa được dự báo từ 20 năm nay đã trở thành hiện thực và phổ biến.
Nhưng smartphone và mạng xã hội không phải là thứ duy nhất làm thay đổi cuộc sống chúng ta trong 15 năm qua.
Về mua bán trên mạng, các dịch vụ như Ocado và Tescocom đã hoạt động được vài năm trước 2005 nhưng chỉ chiếm khiêm tốn 3% doanh số bán lẻ tại Anh. Bây giờ nó chiếm khoảng 20% khi “sư đoàn” xe công nghệ giao hàng tận nhà. Thương mại điện tử đã trở thành “một phần không thể thiếu” của chúng ta. Cách nay 15 năm, khi điện toán đám mây chưa có, các nhà bán lẻ trực tuyến gặp thách thức lớn khi nhu cầu tăng hàng tuần, nay tình trạng này không còn nữa.
“Công nghệ giáo dục” (edtech) bắt đầu được nói đến vào năm 2005, nhưng phần lớn tập trung vào việc cải thiện các hệ thống công nghệ thông tin (IT) bên trong trường học hơn là giới thiệu mô hình học từ xa. Lý do là nhiều trẻ em không có máy tính và không có kết nối nhanh tại nhà. Ngoài ra, các công cụ cần có cho mô hình học tập này chưa có hoặc yếu. Nay, Covid-19 đã tạo ra cú huých mạnh mẽ cho nó.
Dù có nhiều người lo là công nghệ không đến được với một số dịch vụ y tế nhưng hãy nhìn lại năm 2005 khi việc đặt thuốc kê toa trên mạng hay kiểm tra các triệu chứng nghi nhiễm không hề có. Dịch vụ tư vấn NHS 111 không có (chỉ có dịch vụ NHS Direct của các y tá và phải chờ hàng giờ trên điện thoại). Nay Internet đã đi vào nhiều lĩnh vực y học, từ phẫu thuật từ xa đến chẩn đoán từ xa.
Trong lĩnh vực giải trí, TV màn hình mỏng đã có, chuẩn độ rõ cao (high definition) nhưng chưa được kết nối Internet. Điều đó có nghĩa là không có các dich vụ streaming và không có chương trình online PE with Joe Wicks dành cho trẻ em và lớp học yoga online dành cho cha mẹ (chỉ có thể tập thể hình với diễn viên Jane Fonda qua băng hình VCR).
Các ứng dụng Neighbourhood như Nextdoor đang chứng tỏ giá trị của nó khi giúp các cộng đồng huy động việc trợ giúp những người già dễ tổn thương trước Covid-19.
Những năm gần đây có nhiều mối quan tâm về tác hại của việc nghiện smartphone và mạng xã hội. Chúng ta được khuyên “bạn bè trên mạng chỉ là ảo” mà cần “bạn bè mặt đối mặt”. Dán mắt vào màn hình nhiều giờ trong ngày sẽ có hại cho sức khỏe. Nhưng khi Covid-19 xuất hiện, smartphone, mạng xã hội và video livestream đã chứng tỏ sức mạnh vô đối của nó, thậm chí cứu được mạng người nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng một cách khôn ngoan.