Thời gian bố mẹ ngoài đồng ruộng nhiều hơn. Cái lưng bố còng hơn, dáng mẹ gầy hơn nhưng chưa một lời kêu ca, than thở.
Một năm sau, anh đỗ đại học, bố mẹ mỉm cười tự hào. Nhưng thoáng trên gương mặt hốc hác của bố là nỗi lo tiền đóng học cho anh.
Là đôi mắt thâm quầng của mẹ chuẩn bị cho ngày anh lên đường nhập trường.
Bố lên thành phố làm cửu vạn trong những ngày nông nhàn. Mẹ đi ở cho một nhà người quen, dành dụm tiền để gửi cho anh chị.
Bố vẫn thường hay giật mình mỗi khi nhìn tờ lịch trên tường gần hết tháng.
Có lúc bố mong mỗi tháng dư thêm một ngày ít ỏi để có thêm thời gian làm lụng dành dụm tiền gửi cho anh chị.
Ngay cả trong giấc mơ bố vẫn đau đáu với những khoản học phí, khoản chi tiêu đắt đỏ nơi phố xá thị thành của anh chị.
Kề cận ngày gửi lên mà chưa đủ tiền kiểu gì bố mẹ cũng mất ăn mất ngủ, chạy vạy vay mượn để gửi lên.
Năm nay, con bước chân vào lớp 12, nỗi lo trong mắt bố mẹ như càng lớn hơn.
Con không muốn đi thi đại học vì nghĩ đến gánh nặng tiền bạc đè lên đôi vai bố mẹ.
Nhưng bố mẹ vẫn cương quyết để con được đi theo ước mơ của mình, “tiền nong cứ để bố mẹ lo” như lời mẹ thường nói.
Con biết nếu thi trượt thì bố mẹ sẽ buồn lắm nhưng nếu con đỗ, một lúc nuôi ba chị em học đại học ngoài Hà Nội với giá cả đắt đỏ thật sự là gánh nặng đối với bố mẹ nông dân, nỗi lo đè lên vai bố mẹ nhiều hơn.
Bố sẽ lại là một người bố “cửu vạn” chăm chỉ không quản ngày đêm. Mẹ sẽ vẫn là ôsin, sẽ là những khoản vay sinh viên lớn dần, lớn dần từng năm.
Để con cái được ngồi trên giảng đường, bố mẹ cứ “làm bạn” đằng đẵng với những nỗi lo tiền bạc, mãi vẫn chưa thoát ra được. Đứa này chưa ra, đứa khác lại nối tiếp vào.
Bạn bè nô nức kể về ước mơ của mình. Khi một bạn hỏi, con chỉ biết quay mặt đi để giấu đôi mắt đỏ hoe...
Cứ nghĩ đến chuyện thi cử là con lại băn khoăn có nên thi hay rẽ sang một hướng khác?
Nếu con đỗ đại học thì liệu bố mẹ có vui? Hay đằng sau nụ cười sẽ là nỗi lo đằng đẵng mang tên đồng tiền?