Nên tuyển sinh theo nhóm trường

Nên tuyển sinh theo nhóm trường
image004.jpg

 GS. TSKH Đặng Ứng Vận

(GD&TĐ) - Phương án tổ chức tuyển sinh riêng, thực ra các trường tư cũng rất cần cân nhắc khi lựa chọn, bởi vì các trường sẽ không nắm được bao nhiêu thí sinh sẽ thi vào trường mình.

Thi xong rồi mà thiếu chỉ tiêu thì không biết lấy đâu ra thí sinh bởi trường sẽ không được lấy từ nguồn khác, kể cả từ “3 chung”. Đồng thời, thí sinh thi vào trường cũng không được sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển ở bất kỳ trường nào khác. Điều này khiến cho thí sinh lúng túng khi chọn trường và độ ổn định của phương án không cao.

Với những vướng mắc về nguồn tuyển, tôi cho rằng đó là bài toán khó. Trên các phương tiện truyền thông nhiều học giả cũng đã phân tích về con số này rồi. Số trường thì nhiều, số sinh viên đăng ký học trường nghề, cao đẳng nghề… và các hình thức đào tạo khác cộng với số trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là vừa hết số tốt nghiệp THPT.

Như vậy về mặt nguồn là không phong phú. Vì vậy chúng tôi không lường trước được còn thí sinh không. Thêm nữa, không phải gia đình nào cũng  sẵn sàng bỏ tiền ra để cho con em đi học, đặc biệt là trường tư học phí cao hơn.

Còn phương án liên kết nhóm trường tổ chức thi, có lẽ cũng khó khăn bởi trong vòng 1 năm liệu có thể hình thành được sự liên kết tự nguyện giữa các trường để tổ chức tuyển sinh chung.

Riêng với các trường ngoài công lập có thể hình thành một khối thi chung. Nhiều người đặt vấn đề là trường ngoài công lập nên liên kết với trường công lập để tuyển sinh riêng. Tôi cho rằng phương án này phụ thuộc vào khả năng vận động của các hiệu trưởng. Muốn vậy cần có thời gian. 

Về quan điểm cá nhân, tôi nghiêng về phương án 3, tuyển sinh theo nhóm trường. Có lẽ cần có một thời gian để tổ chức những nhóm trường liên kết với nhau. Trong nhóm trường đó có thể thi chung đề để sau này lấy kết quả của nhau và đồng thời điểm sàn của nhóm trường xét theo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trong nhóm. Lúc đó, có thể đảm bảo nguồn tuyển, và có thể tuyển đủ nếu được tổ chức thi hai lần trong một năm. 

Quả thực, khi từ thi “3 chung” chuyển sang hình thức tuyển sinh mới, với cương vị hiệu trưởng, tôi không biết rồi mình có tuyển được đủ sinh viên cho trường không. Bởi lo lắng nhất chính là nguồn tuyển. 

Về nguyên tắc, chúng tôi rất phấn khởi với Dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh, nhưng về kết quả cụ thể như thế nào thì có lẽ cần có thời gian. Chính bởi vậy, mùa tuyển sinh năm tới, chúng tôi sẽ vẫn đăng ký thi và xét tuyển theo “3 chung”. Trường chúng tôi cũng sẽ trình lên Bộ GD&ĐT phương án xin xét tuyển theo điểm tốt nghiệp THPT kèm theo những điều kiện ưu tiên, tính điểm, lựa chọn các môn theo từng ngành, nhân hệ số… Nếu được phép làm như vậy thì chúng tôi sẽ có nguồn rộng hơn. 

Mục đích của việc giao tự chủ cho các trường tuyển sinh có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng trường. Với việc đổi mới tuyển sinh như hiện nay, nếu các trường làm tốt, những ngành của trường mình phù hợp với nhu cầu về kiến thức cũng như năng lực của thí sinh, phù hợp với chuyên ngành đào tạo, chắc chắn sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo của nhà trường. Tôi hoàn toàn thống nhất với mục đích này của Bộ GD&ĐT khi đưa ra các phương án đổi mới tuyển sinh”. 

Gia Hân (Thực hiện)

*****

Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.

Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ