Chia sẻ và gần gũi với con
Khi tham gia buổi họp phụ huynh của cô con gái học lớp 5 sau phần trình bày về kế hoạch công tác trong năm học, cô giáo chủ nhiệm lớp con gái tôi đã mạnh dạn chia sẻ: “Do sự phát triển của xã hội hiện đại cũng như chế độ ăn uống đầy đủ hơn nên thực tế hiện nay các cháu gái có sự phát triển dậy thì sớm hơn trước đây, vì vậy, các bậc phụ huynh đặc biệt là các bà mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn”.
Nghe cô nói vậy không ít vị phụ huynh giật mình… Do áp lực công việc, nên nhiều khi các bậc phụ huynh quên mất rằng con mình đã lớn từng ngày vì vậy sẽ cần nhiều hơn sự chia sẻ từ người mẹ. Tuy nhiên nên bắt đầu và trao đổi với con như thế nào đó cũng là điều mà nhiều phụ huynh ngại ngần.
Là người có nhiều năm tiếp xúc và tìm hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi, chuyên gia tâm lý Lê Ngọc Bảo Trâm của Viện Tâm lý và giáo dục pháp luật đã chia sẻ: Ở lứa tuổi mà tâm sinh lý đang phát triển, bên cạnh việc nhắc nhở của cô giáo thì hàng ngày các bà mẹ phải là người bạn lớn để con có thể tâm sự kịp thời những khúc mắc hàng ngày.
Bởi có một số trường hợp khi thấy sự thay đổi trong cơ thể mình các em đã hết sức hoang mang lo sợ và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt và học tập ở trên lớp của trẻ. Cô giáo ở trên lớp vì phải quản lý và bao quát số lượng học sinh khá đông nên nhiều khi không thể tỉ mỉ tới từng em.
Vì vậy nếu em nào có những biểu hiện khác thường cha mẹ nên trao đổi trực tiếp để cô giáo nắm bắt được và cùng nhắc nhở con.
Ngoài việc chuẩn bị cho con về hành trang sức khỏe giới tính, cha mẹ cũng nên dạy con những kỹ năng tự bảo vệ mình trước những tình huống xấu. Cụ thể giúp con nhận biết và từ chối trước những lời rủ rê không đáng tin cậy; biết tìm sự giúp đỡ với những người xung quanh khi bị kẻ xấu khống chế…
Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Theo các chuyên gia về sức khỏe sinh sản thì với trẻ tiểu học, giáo dục giới tính không nên bằng các bài học lý thuyết thuần túy. Một nguyên tắc đầu tiên là nhà trường nên tích hợp giáo dục giới tính trong các nội dung, hoạt động giáo dục khác.
Trang bị kiến thức sơ giản, cơ bản về giới: Về vấn đề sự khác biệt tự nhiên của nam và nữ, sự phát triển của cơ thể theo chu kỳ… dưới dạng câu chuyện kể lồng ghép trong bài học trên lớp, qua các trò chơi, hoạt động tập thể để từ những hiện tượng diễn ra trong đời sống hàng ngày, rút ra kỹ năng ứng xử phù hợp với giới tính các em.
Ở lứa tuổi này gia đình cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với Internet tùy tiện, thiếu định hướng, ngoài vòng kiểm soát của phụ huynh. Cần kiểm soát và định hướng văn hóa nghe, nhìn, đọc của trẻ, tránh cho trẻ xem chung phim người lớn với cha mẹ. Tăng cường cho các em nghe các bài hát thiếu nhi; đọc những tác phẩm giàu tính nhân văn.
Đặc biệt trước chiều hướng gia tăng về vấn đề xâm hại trẻ em, rất cần sự giáo dục từ phía gia đình về kỹ năng nhận biết những gì bất an xung quanh các em và việc ứng phó trước những tình huống đó.