Nên khuyến khích người phạm tội nộp lại tiền khắc phục hậu quả

GD&TĐ - Liên quan đến những sai phạm tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ một số cá nhân có liên quan trực tiếp đã nộp tiền khắc phục trong đó một người nộp 3,6 tỷ đồng, một người nộp 4,3 tỷ đồng.

Trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Có thể nói đây là những trường hợp hiếm hoi các cá nhân vi phạm tự nguyện nộp lại tiền đã chiếm đoạt trái phép. Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có không ít ý kiến chỉ trích người nộp tiền khắc phục hậu quả là hành vi trơ trẽn, dùng tiền chạy tội hay đặt câu hỏi khó là… tiền đâu nhiều mà nộp lại nhanh thế? Và nghi vấn là những người liên quan tham ô, nhận hối lộ… dù vụ án này chưa có kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, ở dưới gốc độ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh tích cực của việc người vi phạm tự nguyện nộp lại tiền để khắc phục hậu quả. Mặc dù, hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tham nhũng ở bất cứ mức độ nào cũng đáng lên án nhưng việc người vi phạm tự nguyện nộp lại tiền đã tham nhũng, chiếm đoạt trái pháp luật là dấu hiệu đáng mừng, cần khuyến khích hơn là phê phán, chỉ trích.

Bằng hành vi tự nguyện nộp lại tiền sai phạm đã thể hiện nhận thức, ý thức trách nhiệm của người phạm tội đối với hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã gây ra đã được nâng lên.

Đặc biệt đây tín hiệu vui đối với nhiệm vụ rất khó khăn mà từ trước đến nay thường mắc phải trong các vụ án tham nhũng, đó là việc thu hồi lại số tiền đã bị chiếm đoạt, thiệt hại.

Có thể khẳng định rằng, việc thu hồi lại số tiền tham nhũng, thiệt hại hiện nay là không đáng kể. Nhiều vụ việc thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng số tiền thu hồi được rất ít so với số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt bất hợp pháp. Thậm chí người phạm tội tham nhũng thường có tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, cố tình chây ỳ, không trả lại tiền để khắc phục hậu quả, vì thế nào họ cũng sẽ bị xử lý. Do đó, việc thu hồi lại tiền phạm tội trong nhiều vụ án có thể nói là nhiệm vụ bất khả thi!

Việc người phạm tội tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả cũng đã thể hiện sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là đi đến cùng sự thật, không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm. Vì thế, còn thể hiện tính răn đe, phòng ngừa tội phạm rất cao, người phạm tội đã biết… sợ sự trừng phạt của pháp luật.

Vì vậy, với việc một số cá nhân vi phạm tự nguyện nộp lại tiền để khắc phục hậu quả trong vụ việc sai phạm tại BCĐ Tây Nam Bộ dù thế nào đi chăng nữa cũng đáng hoan nghênh cần được khuyến khích, động viên và nhân rộng ra nhiều đối tượng phạm tội tham nhũng, cố ý làm trái quy định pháp luật gây thiệt hại trong các vụ án khác.

Bởi vì, việc thu hồi lại số tiền đã bị chiếm đoạt, tham nhũng hiện nay gặp rất nhiều gian nan, khó khăn. Do đó, người phạm tội tự nguyện nộp lại tiền khắc phục hậu quả sẽ tạo ra tiền lệ tốt về ý thức, tinh thần tự giác chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật của mọi người dân trong toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.