Nên chia 2 đợt thi: Tuyển sinh riêng thi trước, “3 chung” thi sau

Nên chia 2 đợt thi: Tuyển sinh riêng thi trước, “3 chung” thi sau

(GD&TĐ) - Tuyển sinh là một hình thức đánh giá người vào học. Vậy không nên giới hạn hay quy định một cách cứng là chỉ được thế này hay chỉ được thế kia. Theo tôi, nên kết hợp cả hai: “3 chung” và tuyển sinh riêng.

GS.TSKH Vũ Minh Giang
GS.TSKH Vũ Minh Giang

“3 chung” có một thời kỳ lấy triết lý đảm bảo mặt bằng vào ĐH. Mặt bằng đó ra một loại đề, từ trường trình độ rất cao, cho đến những trường vùng sâu vùng xa đều căn cứ theo mặt bằng đó, chỉ khác nhau ở thang, ví dụ trường lấy 25 điểm, trường lại lấy 18 điểm… Đó là một cách hay. Và hiện “3 chung” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Nhưng vì đã quá lâu nên giờ thay “3 chung” thực sự không dễ dàng. Tôi không biết các trường khác như thế nào nhưng tôi biết ĐHQG HN đã chuẩn bị việc này từ 3 năm nay rồi, rất công phu mà còn thấy khó khăn. Vậy nên với các trường giờ buông ra thì không dễ dàng gì, và có phần lúng túng.

Theo tôi, dù không thi “3 chung” nhưng cần có một đánh giá nào đó để thí sinh không vào được trường này nhưng vẫn có cơ hội để vào trường khác. Tâm lý thí sinh dù trường này hay đấy, nhưng họ sẽ tránh thi vào, hoặc chỉ có một lượng rất ít thí sinh tự tin thi vào, còn những thí sinh không tự tin, không chăm chăm nhắm vào một trường thì họ sẽ không thi vào những trường có Đề án tuyển sinh độc lập.

Còn các cụm trường liên kết thi có thể họ có quan hệ từ trước, hay họ có tính chất giống nhau, hoặc họ tin tưởng vào nơi nào đó có khả năng để thi được tốt. Nhưng nếu đã đồng đều thì sự chuyển đổi lại không nhiều lắm và chắc chắn cụm nhóm đó cũng không nhiều.

Theo tôi, trước mắt, Bộ GD&ĐT vẫn tiến hành quản lý Nhà nước theo cách xem xét các Đề án tuyển sinh riêng của các trường, và nếu duyệt được thì cho họ thi trước. Còn các trường còn lại thi “3 chung” đợt sau. “3 chung” sẽ xác định điểm chuẩn của năm tuyển sinh là bao nhiêu, và trường cần tuyển thêm thí sinh từ điểm chuẩn đó vẫn tuyển được, làm sao đó đừng tạo ra sự xáo trộn lớn trong một hệ thống thi cử khi thay đổi chưa đồng bộ, hoàn hảo ngay.

Tiến tới lý tưởng là có một kỳ thi ta gọi chung là đánh giá căn bản năng lực, tổ chức một năm nhiều lần (như ở Mỹ đang làm). Cái đó gọi là thi SAT cho ĐH – đánh giá năng lực bằng cách cho điểm. Điểm đó có thể đi các nơi, trường này lấy 700, trường kia lấy 600. Đó là điều kiện tối thiểu. Còn những trường chất lượng cao thì có thêm những bài test của mình.

Như vậy, các nhà trường ĐH sẽ không mất thời gian để đánh giá lại năng lực tổng hợp, phân tích… của thí sinh. Bởi kỹ năng, năng lực tiềm ẩn… của thí sinh đã được đánh giá bởi một hệ thống thi chung của cả nước. Thí sinh chỉ việc cầm bảng điểm của mình đến các trường, mà không phụ thuộc vào các kỳ thi của trường này trường kia.

Cần đặt ra một số những nguyên tắc tiếp cận. Chẳng hạn như ta định đi tới thay thế một hệ thống thi mới, giao chủ yếu cho các trường. Nhưng cách tiếp cận phải là quá độ.

Gia Hân ghi

Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.

Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ